Ngồi nói chuyện với anh, tôi hỏi: Liệu có khi nào, Mạnh Hùng bỗng nhiên… mất giọng? Anh thật thà bảo, đã nghĩ một ngày nào đó bỗng dưng không thể hát được. NSƯT Mạnh Hùng tâm sự, hiện tại giọng anh bị lỗi nhiều. Dù độ chín chắn, tinh tế thì hơn xưa nhưng do cổ anh có hai u nang chặn ở họng khiến việc ca hát khó khăn hơn nhiều. Làm việc vừa sức thì không sao, chứ quá một chút là “biết tay nhau” liền. Mà với anh, những lần quá sức ấy không phải ít, nhất là những ngày tháng tập luyện vở mới. NSƯT Mạnh Hùng không lên sân khấu thì thôi, chứ đã lên là “thổ tận can tràng”, khi tập cũng như khi diễn trước khán giả, luôn hát thật, diễn thật. Vì thế, nhiều lúc kiệt sức anh cũng nghĩ đến ngày phải rời xa sân khấu. “Nếu vậy thì cũng đành chịu chứ biết làm sao”, anh bộc bạch. Tất nhiên, anh, đồng nghiệp và những người hâm mộ chẳng ai muốn có cuộc chia ly này.

Mạnh Hùng cũng thừa nhận, chính mình đã tự tàn phá sức khỏe, bởi có nhiều điều nghệ sĩ cấm kỵ thì bản thân anh lại “dính”, ví như thuốc lá và nước đá. Anh nghiện hai thứ này, đến nỗi một buổi tập có thể uống từ hai đến ba âu trà đá, thuốc lá thì bỏ mãi chưa thành. Các bậc tiền bối và anh em đồng nghiệp đánh giá, phong độ của Mạnh Hùng mỗi ngày một lên, nhưng tự anh biết, đáng ra mình phải hơn thế này nhiều. Tuổi này nếu biết giữ gìn thì giọng hát và tài diễn đang ở độ sung sức.

leftcenterrightdel
Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Hùng

Là con nhà nòi cải lương, nhưng khi học xong trung học, Mạnh Hùng lại lựa chọn một công việc khác thiết thực hơn với mong muốn đỡ đần kinh tế cho bố mẹ bởi cả hai đã quá vất vả khi theo đuổi bộ môn này. Hai năm đi làm những công việc không liên quan đến nghệ thuật, cuộc đời tưởng thế là yên, song mỗi khi nghe cha mẹ hay ở đâu đó hát cải lương thì anh cảm thấy trong lòng xốn xang khó tả, nhiều lúc tưởng không thể chịu đựng được. Mẹ anh biết vậy bảo con, đã yêu cải lương đến thế thì bỏ tất cả mà theo nghề đi. Lời nói như một động lực khiến Mạnh Hùng dứt bỏ tất cả, quyết định gắn bó đời mình với môn nghệ thuật này. Dù học muộn nhưng Mạnh Hùng tiếp xúc với những bài giảng của các thầy không mấy khó khăn, nếu không muốn nói rằng mọi việc thuận lợi đến mức cứ như những làn điệu cải lương bị hút vào người anh.

Mạnh Hùng có lợi thế sinh ra trong gia đình nghệ thuật, được trời phú cho giọng ca mượt mà, khỏe khoắn nhưng đấy chỉ là một phần nhỏ, còn cái chính là khổ luyện. Mà cái sự khổ luyện của Mạnh Hùng, đôi lúc cảm giác như… không giống ai. Ngoài việc thường xuyên nghe băng, rồi học hỏi từ các nghệ sĩ cải lương, lúc nào anh cũng nhẩm hát lời trong vở diễn, đến nỗi tưởng mình là nhân vật. Nhiều lúc, anh quên mất mình đang ở ngoài đời, cứ thế hát to lên khiến người ta tưởng anh bị… điên. Rồi có khi đang đêm, cả nhà nghe thấy anh hát hết cả hai câu vọng cổ, tưởng anh thức tập luyện, nhìn kỹ hóa ra đang ngủ, hôm sau hỏi thì anh không biết gì, hóa ra là mơ.

Từ lúc ra trường năm 1998 đến nay, Mạnh Hùng toàn đóng vai chính, thậm chí anh không nhớ được hết tên những vai diễn mình đã đảm nhiệm. 20 năm theo nghề, anh được hóa thân thành nhiều nhân vật lịch sử, đa phần là những người anh hùng như Lý Thường Kiệt trong “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, Lê Lợi trong “Gươm thiêng trao trả hồ thần”, Lê Thánh Tông trong “Vua thánh triều Lê”, và cả đóng vai Bác Hồ. Mỗi nhân vật có khí chất riêng, người thì oai phong lẫm liệt, người lại đậm chất nông dân nhưng hào sảng, hiên ngang, người thì thư sinh nho nhã nhưng tâm tư chất chứa bao nỗi niềm tâm sự... Nhân vật dù khó đến đâu anh cũng tìm cách hóa thân sao cho thật thuyết phục. Mỗi lần nhận vai là một lần Mạnh Hùng được bước vào một cuộc đời mới, một con người mới và cũng là một lần “thoát xác” của anh. Những lúc như thế, anh lại tìm cho mình một thế giới riêng. Ví như khi đóng nhân vật Lý Thường Kiệt, trước khi lên sân khấu, anh tìm đến ngôi đền thờ danh nhân này cầu nguyện. Lý Thường Kiệt là vị tướng tài ba nhưng cuộc đời đầy những nỗi niềm. Xuất thân là trẻ mồ côi, vừa cưới vợ, chưa kịp hưởng hạnh phúc thì nhận được lệnh vua vào cung nên đành hy sinh tình riêng. Sau nhiều cống hiến, được phong tước thái úy, song thực chất cả đời Lý Thường Kiệt vẫn chịu cảnh cô đơn.

Nhân vật được NSƯT Mạnh Hùng yêu thích nhất lại là lão Đồ-ông già sông nước trong vở diễn “Bến nước Ngũ Bồ” của tác giả Hoàng Công Khanh. Đây là vai NSƯT Mạnh Hùng tâm đắc, bởi được hòa mình vào nhân vật, bộc bạch những gì mình có với tinh thần yêu nước, hào khí anh hùng của người dân bình thường. Với vai lão Đồ, anh diễn không bị gò bó, lại thoải mái quăng quật trên sân khấu, thật hợp với chất của NSƯT Mạnh Hùng.

Xem NSƯT Mạnh Hùng diễn, có thể thấy, diễn xuất là một thế mạnh của anh. Có lẽ chính điều này đã khiến các đạo diễn luôn tin tưởng giao cho anh vai nặng ký. Không quá hiếm những giọng hát khỏe hơn anh, song ít ai qua mặt được anh để vào những nhân vật khó, là xương sống của vở diễn. Mạnh Hùng tâm sự, hát và diễn có tầm quan trọng như nhau, đều là số 1. Nếu chỉ ca hay thì mới được một nửa. Vì khi hóa thân vào nhân vật đầy nội tâm, nếu chỉ đứng đó hát cho thật hay thì chẳng ai hiểu gì. Cũng vậy, trên sân khấu kịch hát, nếu chỉ diễn tốt mà ca dở thì người xem sẽ chán. Trước kia, những lúc không phải mùa diễn, Mạnh Hùng thường đi hát ngoài để kiếm thêm thu nhập. Một bài hát, anh nhận thù lao cao hơn cả một buổi lưu diễn vất vả. Thu nhập nhờ đi hát ngoài dù khá song anh hay cảm thấy buồn, buồn cho mình, buồn cho nghề. Dần dà, Mạnh Hùng bỏ luôn “nghề tay trái hái ra tiền” này. Anh dành dụm vốn liếng mở một cửa hàng nhỏ tại nhà để tăng thêm thu nhập.

Bài và ảnh: HUYỀN THU