Những nhân tố mới

Tháng 7 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Quân đội tổ chức thi tốt nghiệp quốc gia lớp Trung cấp đờn ca nhạc tài tử Nam Bộ và nghệ thuật biểu diễn cải lương khóa 1, hệ quân sự, niên khóa 2018-2022. Tại buổi thi tốt nghiệp, các học viên đã tự tin thể hiện tốt và xuất sắc phần thi của mình. Qua phần thi của các học viên, người xem tin tưởng vào một thế hệ tiềm năng nghệ thuật sân khấu truyền thống được đào tạo bài bản của quân đội nói riêng và của sân khấu nghệ thuật phía Nam nói chung.

Trong số 4 học viên khóa đầu tiên này, Thượng sĩ Trần Thị Bảo Ngọc có phần thi xuất sắc hơn cả khi vào vai Lượm trong trích đoạn vở cải lương “Sông dài”. Với sự trong sáng, hiền lành, Bảo Ngọc thể hiện tốt sự hồn nhiên, sâu nặng của người con gái trong tình yêu. Phần thi của Bảo Ngọc được ban giám khảo, người xem đón nhận, khen ngợi và đạt điểm tuyệt đối.

leftcenterrightdel
 Thượng sĩ Trần Thị Bảo Ngọc thể hiện trích đoạn vở cải lương “Sông dài”.

Trần Thị Bảo Ngọc sinh ra và lớn lên tại TP Long Xuyên (An Giang). Với nét văn hóa đặc thù đờn ca tài tử, những lời ca tiếng nhạc thấm vào tâm hồn của Bảo Ngọc. Năm lên 8 tuổi, Bảo Ngọc đã biết hát. Năm 14 tuổi, trong một lần theo mẹ đi diễn, giọng ca của cô được lãnh đạo Đoàn Văn công Quân khu 9 chú ý, rồi được đơn vị tạo điều kiện ăn học. Trong Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018, Bảo Ngọc tham dự và bất ngờ đoạt huy chương vàng. Cũng nhờ đó, Bảo Ngọc trở thành một trong 4 học viên khóa đầu tiên hệ quân sự của lớp trung cấp nghệ thuật biểu diễn cải lương. 4 năm theo học, Bảo Ngọc luôn đạt loại giỏi.

Cùng có sự yêu thích cháy bỏng với bộ môn nghệ thuật cải lương, Hạ sĩ Trần Nhựt Đức cũng là một học viên có nhiều thành tích học tập tốt. Cuối tháng 6 vừa qua, Nhựt Đức cùng đồng đội đã xuất sắc nhận huy chương vàng Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc cho tiết mục hòa tấu “Đất mẹ”.

Giống như Bảo Ngọc, Nhựt Đức cũng lớn lên trong gia đình mà tất cả mọi người đều mê đắm bộ môn nghệ thuật đặc trưng của văn hóa Nam Bộ. Trong 4 năm học, 4 học viên lớp Trung cấp đờn ca nhạc tài tử Nam Bộ và nghệ thuật biểu diễn cải lương (Trường Đại học VHNT Quân đội) đã góp thêm làn gió mới vào các chương trình nghệ thuật trong và ngoài quân đội, với nhiều hoạt động sôi nổi như tham gia, phối hợp biểu diễn cùng Đoàn Văn công Quân khu 7, Quân khu 9; tham gia các hội diễn toàn quân, toàn quốc, chương trình của các nhà trường quân đội, biểu diễn phục vụ bộ đội trên quần đảo Trường Sa...

Quyết tâm cao

Cải lương là loại hình ca kịch sân khấu truyền thống, sản phẩm VHNT hình thành và phát triển cũng ở trên mảnh đất Nam Bộ. Đây là môn nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Nam Bộ nói riêng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại, nghệ thuật cải lương đang dần mai một. Đào tạo nhân lực cho nghệ thuật truyền thống, nhất là sân khấu cải lương là nỗi băn khoăn, trăn trở của những người làm nghề từ nhiều năm nay, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía Nam.

Cách đây 26 năm, từ năm 1996, Trường Đại học VHNT Quân đội đã đào tạo được một học viên bậc trung cấp, chuyên ngành ca cải lương đầu tiên. Kết thúc khóa học, học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và được điều động về Đoàn Văn công Quân khu 9.

Đến năm 2018, nhà trường quyết tâm mở lớp đờn ca nhạc tài tử và ca cải lương với 4 học viên cũng tuyển chọn từ Đoàn Văn công Quân khu 9. Đây là nỗ lực rất lớn của thầy và trò nhà trường trong điều kiện hết sức khó khăn do dịch bệnh. Theo Thượng tá Phạm Văn Xây, Chỉ huy trưởng Cơ sở 2 Trường Đại học VHNT Quân đội, nơi đào tạo các học viên đờn ca nhạc tài tử và ca cải lương, có thời điểm, nhà trường phải tổ chức học trực tuyến hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới những môn học có tính thực hành và “cầm tay chỉ việc” như các chuyên ngành đờn ca tài tử và ca cải lương.

Tuy vậy, thầy và trò nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhất khóa học. Nhà trường đã mời những giảng viên, nghệ sĩ nổi tiếng, có trình độ cao để giảng dạy cho khóa học, như: NSƯT Xuân Quan, NSƯT Huỳnh Khải, Nghệ nhân Ưu tú Kim Loan. Đặc biệt, nhà trường còn được NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh nhận lời làm chủ nhiệm lớp.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu: Do mới tổ chức nên nhà trường không có giảng viên cơ hữu, số lượng học sinh quá ít. Với ngành nhạc công đơn thuần một thầy một trò thì việc học tập thuận lợi, nhưng với ngành diễn viên nếu ít như vậy rất khó cho người dạy bởi khi dựng vở không có đủ đội ngũ tương tác với nhau. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn đó, thầy và trò nhà trường đáp ứng rất tốt các yêu cầu nghệ thuật.

Kết quả của lớp Trung cấp đờn ca nhạc tài tử Nam Bộ và nghệ thuật biểu diễn cải lương khóa 1 có thể nói là tiền đề để Trường Đại học VHNT Quân đội rút kinh nghiệm, tiếp tục cải tiến, cập nhật và hoàn thiện chương trình đào tạo, qua đó đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của các đoàn văn công. 

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu TP Hồ Chí Minh:

Hướng đi dũng cảm

Lớp Trung cấp đờn ca nhạc tài tử Nam Bộ và nghệ thuật biểu diễn cải lương là hướng đi rất đúng và dũng cảm trong điều kiện sân khấu cải lương gặp nhiều khó khăn, thậm chí có người bi quan nói rằng nó sẽ không còn tồn tại. Đây là việc đáng làm, bởi giờ là lúc "gạn đục khơi trong" để đi tìm hạt nhân văn nghệ từ những hạt giống trẻ được đào tạo chính quy và tiếp tục có môi trường biểu diễn chuyên nghiệp tại các đoàn văn công quân khu. Ngoài việc biểu diễn, các em còn là những hạt nhân khơi gợi tình yêu trong toàn quân về một loại hình sân khấu đang có nguy cơ mai một. 

Trung tá, NSƯT Nguyễn Xuân Hùng, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 7:

Thiếu trầm trọng nhân lực trẻ

Nhân lực trẻ bộ môn ca cổ của Đoàn Văn công Quân khu 7 hiện rất khó khăn. Bộ môn này không thể thiếu được trong các chương trình biểu diễn, nếu trong chương trình thiếu tiết mục ca cổ sẽ không ra được màu sắc miền Đông, trong khi chỉ tiêu đào tạo, biên chế lại không có. Khi tham gia liên hoan, hội diễn, các tiết mục về ca cổ gần như không đoạt giải. Điều này ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nghệ sĩ ca cổ. Do đó việc thu hút, tuyển chọn đội ngũ này vào đoàn là vô cùng khó khăn. Chúng tôi mong Bộ Quốc phòng và các cơ quan quản lý quan tâm nhiều hơn nữa đến bộ môn này để phát huy, bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng Nam Bộ.

NSƯT Lê Nguyên Đạt, nguyên lãnh đạo Khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh:

Thiếu vắng cơ sở đào tạo

Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh trước kia là nơi duy nhất trên địa bàn thành phố tuyển sinh ngành kịch hát dân tộc, trong đó có bộ môn cải lương. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, trường không còn tuyển sinh viên ngành diễn viên cải lương và nhạc công cải lương. Như vậy, hiện Trường Đại học VHNT Quân đội cơ sở 2 trở thành cơ sở đào tạo duy nhất loại hình nghệ thuật này trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tiếc là nhà trường lại chỉ đào tạo hệ quân sự.

Bài và ảnh: XUÂN CƯỜNG - HOÀNG VIỆT