Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh: Chủ động đào tạo, bồi dưỡng nguồn kế cận
 |
Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu |
Mấy năm gần đây, mặc dù những người làm nghề đã có nhiều cố gắng nhưng SKCL vẫn ảm đạm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa phù hợp và cả trách nhiệm của nhà quản lý cùng đội ngũ những người làm nghề. Về cơ chế, chính sách thì còn quá nhiều bất cập, trở thành rào cản sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nhà nước cần quan tâm ưu đãi để bảo đảm tốt hơn đời sống thường nhật của nghệ sĩ, diễn viên, khích lệ họ cống hiến cho nghệ thuật, vực dậy SKCL.
Đối với những người làm nghề cần xem xét và nhìn nhận thẳng thắn tại sao mình hát khán giả không xem, mình viết khán giả không thích, mình dựng vở khán giả lại thờ ơ… SKCL đang bị động, lúng túng chạy theo thị hiếu dễ dãi. Sàn diễn cải lương đi vào xã hội hóa phải chuẩn bị chu đáo chiến lược phát triển; không thể lắp ghép nghệ sĩ vào câu lạc bộ chỉ cho đủ mặt đào kép rồi tìm vở diễn, tìm rạp thuê biểu diễn vài suất thì khó thành công. Thực tế hiện nay, cải lương không còn đậm đà bản sắc, thiếu đi hơi thở thời đại, vì thế, khán giả thờ ơ, ngần ngại với loại hình nghệ thuật này. Đội ngũ đạo diễn trẻ, diễn viên kế cận có triển vọng cũng đang thiếu vắng… cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn kế cận để SKCL luôn sáng đèn. Tôi cho rằng, phải thành lập ngay trung tâm nghiên cứu nghệ thuật cải lương để cơ quan này sẽ tham mưu, định hướng, tìm ra những giải pháp khả thi cho việc phục hồi các giá trị nghệ thuật của SKCL.
NSƯT, Đạo diễn Trần Minh Ngọc (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh): Có chiến lược lâu dài nuôi dưỡng cải lương
 |
NSƯT, Đạo diễn Trần Minh Ngọc |
Xu thế hiện nay, cải lương không phải là lựa chọn ưu tiên. Vì thứ mà chúng ta đang trình diễn không phải là tuyệt phẩm cải lương, bởi sự dàn dựng cẩu thả, tùy tiện, làm cho có chứ không chắt lọc tinh xảo. Thực tế ấy là hệ quả của sự thiếu hụt rất lớn về nguồn nhân lực làm nghề, giữ nghề, cùng góp sức phát triển nghệ thuật SKCL; là vòng luẩn quẩn khiến SKCL không có lối ra.
Chúng ta cần có chiến lược tạo ra công chúng cho SKCL, đồng thời có kế hoạch đào tạo đội ngũ sáng tác, biểu diễn và đạo diễn cải lương. Nhà nước cần đào tạo chính quy cho nghệ thuật sân khấu ngay từ bậc trung học phổ thông để dạy những vấn đề cơ bản, lên bậc đại học chỉ tập trung đào tạo chuyên sâu. Có đào tạo chính thống từ bậc trung học chúng ta mới có nguồn khán giả cho sân khấu và tăng thời gian thực hành chuyên môn ở bậc đại học. Hiện nay, sinh viên bị nhồi nhét nhiều loại kiến thức cơ bản và ít thời gian thực hành.
Trước mắt, cần đào tạo những người quản lý có hiểu biết kiểu các bầu gánh ngày xưa, biết nắm lấy thời cơ, vận dụng quy luật cung cầu của thị trường… để tổ chức và phát triển vở diễn cải lương một cách hiệu quả, hợp lý.
Soạn giả Đăng Minh: Kịch bản cải lương cần thay đổi
 |
Soạn giả Đăng Minh |
Lâu nay các tác giả cứ chuyển thể cải lương từ kịch nói, từ sách theo yêu cầu của nhà quản lý, của đạo diễn thì bao giờ bản sắc của tác giả cải lương mới thực sự đúng nghĩa? Các vở cải lương có tính chất chắp vá, vay mượn là chính. Trước đây vì thiếu phương tiện truyền thông nên cải lương luôn được công chúng mong đợi. Sau này, phát thanh, truyền hình, phim ảnh… phát triển thì gần như tất cả những gì cải lương có, từ những vở cải lương kinh điển, xuất sắc đến loại giải trí vô thưởng, vô phạt đều được giới thiệu đến công chúng, khiến cải lương đích thực bị hiểu sai…
Đã đến lúc, những người tâm huyết với cải lương, những nhà quản lý có quyền, có tiền nên tập hợp những tác giả, đạo diễn, những thành phần sáng tạo một vở diễn lại, cùng nhau bàn bạc đưa ra những vở diễn có định hướng nhưng phải bảo đảm tính hấp dẫn.
Cách biên kịch cải lương hiện nay cũng phải thay đổi. Thời lượng vở diễn bây giờ không còn dài lê thê như xưa, khán giả khó có thể ngồi xem hết vở dài 3 tiếng đồng hồ. Thời lượng vở cải lương chỉ chừng 100 đến 120 phút là hợp lý. Như thế, kịch bản cũng phải cô đọng, súc tích hơn, tiết tấu kịch phải nhanh hơn, thoại ít, thông tin nhiều, không cần phải dài dòng. Người viết phải am hiểu cấu trúc âm nhạc cải lương, sử dụng sao cho đúng, cho đắt, cho phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả. Cần khai thác nhiều đề tài lịch sử, tâm lý xã hội, thân phận con người giữa cái thiện, cái ác, những dằn vặt, chuyển biến tình cảm… trước diễn biến của xã hội. Không ai đi tìm cái thật trên SKCL. Khán giả đến với cải lương để xem những kỳ ảo, rối ren phức tạp của những phận đời bật lên thành giai điệu, tiếng đờn, giọng ca mượt mà, da diết. Từ đó, họ cảm nhận và tự rút cho mình bài học, kinh nghiệm sống. Cải lương không thích hợp cho việc phê phán, chửi mắng nhau chan chát trên sân khấu...
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên (Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Trà Vinh): Phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà quản lý
 |
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên (giữa) |
Muốn bảo tồn cải lương phải xem xét 4 đối tượng liên quan, gồm: Đội ngũ làm nghề (soạn giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, nhạc công, biên đạo...), khán giả, cán bộ quản lý và các nhà phê bình nghệ thuật. Với đội ngũ làm nghề, họ là chủ thể sáng tạo, có vai trò lớn và quyết định đến sự hưng thịnh, tồn vong của một loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, thực trạng SKCL mấy chục năm qua cho thấy: Diễn viên không qua được “cái bóng” của các bậc tiền bối. Vốn liếng ban đầu của họ đến với cải lương chỉ là năng khiếu và niềm đam mê. Bên cạnh đó, nhiều thế hệ diễn viên được đào tạo hoặc đã khẳng định tài năng đang vất vả mưu sinh bằng nghệ thuật… Thực trạng đó, một phần không nhỏ thuộc trách nhiệm của nhà quản lý!
Phải nhìn nhận rằng, công tác quản lý còn nhiều bất cập như: Nhà nước thiếu quan tâm đầu tư, không rạp hát, tiền lương nghệ sĩ thấp… Các soạn giả có dụng công viết tuồng hay nhưng thù lao không tương xứng nên họ phải chuyển sang phục vụ loại hình khác. Vì thiếu tuồng hay nên khán giả dần xa rời cải lương.
Tôi muốn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo và quản lý trên lĩnh vực văn hóa, cụ thể là cán bộ lãnh đạo và quản lý nghệ thuật sân khấu ở Trung ương và các tỉnh, thành phố cần được xác định là chủ thể quan trọng, tác động rất lớn đến việc thực thi chính sách bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương. Cần rà soát và điều chỉnh lại chính sách, lưu ý tính chất, đặc điểm xã hội vùng miền và yếu tố đặc thù tác động đến phương thức thực thi chính sách; đặt sự bảo tồn và phát triển SKCL trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh ấy, quan điểm duy trì và phát triển nghệ thuật cải lương cần thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội, không rập khuôn máy móc với loại hình nghệ thuật khác.
NSƯT Kim Tử Long: Quan tâm hỗ trợ, có nhà hát cho sân khấu cải lương
 |
NSƯT Kim Tử Long. |
Muốn sáng đèn SKCL không phải ở các buổi hội thảo, tọa đàm mà vấn đề ở chỗ một vở diễn hay của các đoàn công lập, các đoàn xã hội hóa có đến được với công chúng hay không? Ở TP Hồ Chí Minh, Nhà nước đã bỏ ra 137 tỷ đồng để xây dựng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Nghệ sĩ chúng tôi đã rất vui mừng, kỳ vọng vào nhà hát ấy. Nhưng khi hoàn thành, nhà hát hoạt động cầm chừng, hoặc hoạt động trong sự vắng khách, bởi nó giống một hội trường hiện đại hay một trung tâm hội nghị, event hơn là rạp hát. Có nhà hát xây dựng lên chủ yếu chỉ để phục vụ hội nghị, sự kiện, quảng cáo. Tôi đã đầu tư 800 triệu đồng dàn dựng vở “Rạng ngọc Côn Sơn”. Thế nhưng, sau liên hoan SKCL toàn quốc 2018 đến giờ cũng chưa tái diễn được suất nào, đành phải “cất kho”. Bởi thuê địa điểm ở Nhà hát Bến Thành, mỗi suất diễn chúng tôi phải trả 45 triệu đồng, mỗi suất tập 10 triệu đồng, ấy là chưa kể chi phí cho nhân viên, diễn viên, quần áo, thiết kế… Để đủ trang trải, giá vé vào xem phải lên tới 1 triệu đồng/vé.
Điều chúng tôi cần là có một nhà hát để hoạt động. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho cải lương có rạp hát. Chúng tôi tự bỏ tiền túi ra dựng tác phẩm để đến được với công chúng. Tôi mong lãnh đạo các cấp quan tâm hơn nữa, đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà hát dành riêng cho SKCL, để nghệ sĩ có nơi biểu diễn ổn định; tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị xã hội hóa biểu diễn, giúp họ có cơ hội đến với khán giả. Điều này đóng vai trò quan trọng để vực dậy SKCL.
YẾN LONG (thực hiện)