Ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ giữa thập niên 1990, thời “hoàng kim” của sân khấu cải lương dần bị thoái trào. Giải thích nguyên nhân này, Đại tá, soạn giả Nguyễn Thành Bính, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 9 cho rằng, trước đây, vai trò của soạn giả luôn được coi trọng nên họ làm việc cật lực, chăm chút cho từng nhân vật. Riêng ở mảng cải lương cách mạng, hầu hết soạn giả trưởng thành hoặc trải qua chiến tranh nên họ làm việc nghiêm túc, cộng với vốn sống phong phú nên đã thể hiện được chủ đề, nội dung tư tưởng sâu sắc, văn phong trau chuốt, nghệ sĩ thì cống hiến hết mình. Sau này, các đoàn thiếu tập trung vào đội ngũ sáng tác mà đề cao vai trò đạo diễn. Nhưng nếu kịch bản không hay thì dù đạo diễn có tài giỏi, nghệ sĩ có ca hay, diễn tốt cũng khó tạo ấn tượng để thu hút khán giả. Đành rằng nếu kịch bản hay nhưng đạo diễn không giỏi thì vở diễn cũng khó thành công.

Đồng quan điểm, Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hoàng Kha, Phó đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 9, nhận định thêm: Về phía nghệ sĩ (diễn viên), điều dễ nhận thấy là họ sớm bộc lộ sự hời hợt, nhất là nghệ sĩ trẻ. Diễn viên lo “chạy sô” đến nỗi không thuộc lời thoại thì làm sao nhân vật có hồn vía. Thậm chí, lên sân khấu còn phải nhắc tuồng. Như vậy, sân khấu cải lương bị công chúng quay lưng là điều không tránh khỏi.

Cảnh trong vở Phù sa đỏ của Đoàn Văn công Quân khu 9 (huy chương bạc Liên hoan Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018).

Trong tình hình đó, Đoàn Văn công Quân khu 9 đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này. Qua công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng, hiện nay, Đoàn Văn công Quân khu 9 đã xây dựng được lực lượng trẻ kế thừa khá hùng hậu, có tài, có tâm với nghề và đủ sức duy trì loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương (hoạt động biểu diễn thường xuyên), đáp ứng yêu cầu phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về tổ chức biên chế nhưng để góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 9 luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho Đoàn Văn công Quân khu 9 tập luyện, biểu diễn “chập cải lương” trong các chương trình phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn. Đoàn Văn công Quân khu 9 cũng đã chủ động đầu tư, dàn dựng nhiều vở cải lương đạt chất lượng tốt, được đánh giá cao, như: Sáng mãi niềm tin (Huy chương Bạc Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 2014), Người về từ quá khứ (đoạt 2 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc trong Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015), Phù sa đỏ (Huy chương Bạc Liên hoan cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018)...

Từ đầu năm 2020 đến nay, ngoài việc xây dựng chương trình biểu diễn thường xuyên phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn, Đoàn Văn công Quân khu 9 còn xây dựng được khoảng 30 tiết mục có nội dung phù hợp, biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của quân khu. Cùng với đó, đoàn cũng đang tiếp tục nỗ lực để gìn giữ, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống cải lương cho hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU-KIÊN GIANG