Mới hôm nọ đám lúa chét còn nghênh nghểnh rủ bầy vịt chạy đồng về ăn mà bữa nay bãi bờ đã bị xóa trắng chỉ còn lại mênh mông biển nước. Cậu út bảo đây là mùa mần ăn. Từ nửa tháng nay cậu đã chuẩn bị đón cá bằng mớ dớn, lưới, vó, câu, sẵn sàng ăn nằm trên chiếc xuồng con đã được trét lại dầu chai đậu chờ dưới bến.
Ngoại nheo nheo đôi mắt mờ đục ngó ra ngóng mặt sông sóng sánh, dặn Lài nhanh sửa soạn đâu đó nghe bây. Năm nào cũng vậy, cứ thấy nước lé đé mặt sân là bà biết đã đến lúc khăn gói đi thăm ông một chuyến. Mua nào trà bánh, thuốc rê, giấy vấn..., suốt một tuần lễ trước ngày đi, ngoại cứ nhắc đi nhắc lại từng món coi đủ thiếu ra làm sao. Lài hiểu tính bà, cô mở giỏ đệm đem hết đồ ra rồi lại cẩn thận đặt vào theo thứ tự tờ danh sách bà đọc cho ghi trước khi đi chợ. Gật gù, ngoại biểu mình già nên lẩn thẩn rồi.
Lẩn thẩn nên bà lúc nhớ khi quên, kể tới kể lui những chuyện xưa. Chuyện từ hồi ông ngoại vì hoàn cảnh mà rời xứ xa quê, dong ghe bầu đi riết về phía Nam tìm phương lập nghiệp. Bà cũng vì hoàn cảnh mà từ vùng Lấp Vò-Sa Đéc lặn lội đến chốn lam sơn chướng khí sâu hút của xứ Ba Xuyên. Ông bà gặp nhau trong một chuyến rừng, chắc duyên trời xe mà hai người sinh lòng quý mến rồi nên chồng thành vợ.
Cái thời giặc giã, gọi là đám cưới chớ thiệt ra chỉ là nấu mâm cơm mời bà con chòm xóm ít người tới chứng kiến. Sau buổi trà nước cùng cơm canh đạm bạc thì kể như lễ thành. Cứ vậy mà về ăn ở với nhau. Nhờ tháo vát siêng năng, ông khai phá được vùng đất chục công tầm điền đủ để gia đình nhỏ lao động canh tác.
Hồi mới ra riêng cất nhà, chòm xóm láng giềng mỗi người một tay đến phụ giúp. Đàn ông xé lá, đàn bà chẻ lạt; đến ngày dỡ gỗ thì cánh đàn ông hợp sức dựng cột, mắc kèo. Từng đôi lá được chuyền lên chẳng mấy chốc đã sắp nóc xong. Dựng bốn tấm vách nữa thì đã có ngôi nhà che mưa che nắng.
Rồi má ra đời, tiếng ọ ẹ của trẻ nhỏ khiến ngôi nhà lá đơn sơ thêm ấm. Ông ngoại lần đầu làm cha, lóng nga lóng ngóng, lúc nào cũng ngọng líu khi chơi với con. Đi đâu ông cũng cõng má trên vai, ngoại cười móm mém bờ môi ăn trầu đỏ au nhìn má, nhắc: Hổng ai chiều bây như ổng. Ai quở thì ổng biểu: “Chứ bà không nghe cái câu “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng" à”.
Cái đận đó làng quê xao xác đêm ngày. Bấy giờ cậu út còn chưa dứt sữa. Một ngày ông đi đào đất về, chụp tay ngoại biểu: “Chắc tui đi, mình à. Ngoài kia bọn địch ráo riết bắt bớ, làm rát lắm. Tui với cậu ba Thanh đã đồng lòng nhất trí, chắc sẽ có giấy gọi nay mai”. Siết chặt tay bà ngoại, ông vừa giống cậy nhờ, vừa như giao phó.
“Nhà cửa, con cái từ nay phải trông hết vào mình. Thời buổi loạn lạc, thân trai tráng mà trốn tránh cầu yên thân coi sao đặng”.
Hiểu ý chồng đã quyết, ngoại từ sáng sớm đã chèo xuồng ra chợ mua hai xấp vải xanh. Đêm chong đèn dầu, từng mũi chỉ đường kim bà may thành hai tấm áo. Hôm có người xuống rước, bà nén lòng không dám khóc, sợ khiến ông ngoại chùng chân. Bà chỉ dám bịn rịn một câu: “Mình đi rồi về, má con em ở nhà luôn đợi”. Cậu út còn bồng trên tay chỉ dáo dác đôi mắt tròn xoe ngó nghiêng. Má thì lỗ mũi thò lò cứ chạy riết bên chân ông ngoại hỏi ba đi đâu vậy.
Bồng con lên, ông ngoại ấp đầu má vào ngực ông, hít mùi tóc khét nắng trẻ thơ. Hồi đó má chưa biết đó có thể là lần cuối cùng cha con gặp gỡ. Nhưng thấy ông ngoại mặc đồ mới lại khang khác không giống đi đào đất, đắp bờ thì má cứ vậy mà khóc ré lên. Cứ nghĩ ông ngoại đi chợ mà không dẫn mình theo như mọi bận.
|
|
Chuyến trở về cuối cùng. Minh họa: THÁI AN
|
Khi bóng chiếc xuồng ba lá khuất sâu vào con rạch tắt mọc dày lá nước thì tiếng khóc chỉ còn tiếng nấc. Ngoại ẵm má lên, một bên tay bà vẫn vẫy dù ông ngoại và ông cậu ba Thanh đã lẫn vào trong đám lá tối trời. Đang mùa nước nhưng tiếng con bìm bịp lại kêu khan đến khàn cả giọng. Ngoại cứ đứng trơ trơ nhìn về xa xăm như vậy đến khi cậu út đói khóc đòi bú mới giật mình trở vô nhà.
Sau này khi trở về với đôi chân tập tễnh, ông cậu ba Thanh, người em ruột duy nhất của bà ngoại kể sau ngày nhập ngũ, họ cùng tham gia nhiều trận đánh, đi qua nhiều miền đất. Trong bão đạn mưa bom, ông ngoại vẫn tin ngày hòa bình không còn xa nữa. Những lần ít ỏi được ngồi tâm sự sau những đợt luồn rừng vượt sông, ông ngoại hồi nào cũng nhắc lại những ngày đầm ấm bên gia đình. Kể như có lần cầm gói cơm nắm, ông nhớ bà ngoại nấu ăn rất ngon. Dù chỉ những món đạm bạc đơn sơ nhưng vẫn khiến người ta nhớ hoài hương vị.
Chuyện nọ xọ chuyện kia rồi ông biểu hồi mình còn nhỏ đã sớm mồ côi. Người chú ruột đem về nuôi nhưng thím không phải là người bao dung rộng lượng. Việc nhà, việc ruộng ông quần quật làm lụng như người tôi kẻ tớ thì thôi cũng chẳng kể, chỉ là dù ông có chăm chỉ được việc bao nhiêu thì vẫn bị mắng nhiếc chì chiết đủ điều. Buồn cho số phận nên một ngày ông quyết lòng ra đi, tìm nơi khác làm ăn. Chừng có cái ăn cái mặc rồi sẽ dẫn vợ con một lần về ra mắt tổ tiên sẵn thăm quê xưa chốn cũ. Được gặp bà ngoại trên bước đường lưu lạc là điều ấm áp nhất đối với ông nên dù vất vả cực khổ cỡ nào ông cũng vượt qua.
Hồi nào qua làng mạc xóm ấp phải nương nhờ nhà dân, gặp những đứa con nít chạy chơi ông ngoại đều đứng đực ra nhìn chúng rất lâu. Ông nói với ông cậu ba Thanh: “Chứ con Lê nhà mình hồi này chắc cũng lớn và lanh lợi như vậy”. Lê ở đây là má Lài. Rồi cả đêm đó nằm dưới hầm nóng nực thẳm thẳm bóng đêm, ông ngoại cứ gác tay lên trán mà nhớ tới đôi mắt xoe tròn của đứa con gái nhỏ. Chính niềm hạnh phúc đó đã nhiều lần an ủi đỡ nâng, giúp ông chân cứng đá mềm, vượt qua nhiều trận tử sinh mà hoàn thành nhiệm vụ.
Đôi mắt đờ đẫn, ông cậu ba nhớ về lần cuối cùng ông còn nhìn thấy ông ngoại. Đợt đó đơn vị nhận lệnh vượt sông Vàm Nhỏ đánh vào một chi khu kiên cố án ngữ đường chính dẫn ra Nhà Bè. Trận đánh không thành, tiểu đoàn rút lui; trong số những người hy sinh có tên người anh rể mà ông cậu ba Thanh coi hổng khác gì ruột thịt.
Sau đó không lâu, đơn vị đổi hướng tác chiến, vượt sông Vàm Lớn để tập kích dụ địch từ Rạch Kiến ra. Hai bên giao tranh, trong trận đó ông cậu không may trúng đạn vỡ ổ cối sau khi đã bắn cháy một xe bọc thép M113 của địch. Nhưng vì mất máu quá nhiều, ông cậu đã ngất đi. Được đồng đội dìu đỡ, cả tiểu đoàn tiến thẳng vào Cần Giuộc.
*
Xe vẫn ro ro chạy trên con lộ nhựa phẳng lì, hai bên nhà cửa mọc lên san sát. Lài sợ ngoại mệt, cứ cách chút lại hỏi ngoại thấy trong người sao thì bà chỉ xua tay. Đôi mắt mờ đục, bà nhìn vào khoảng không vô định. Lài cầm tay ngoại, cảm nhận tay bà run run. Ngày người ta gửi giấy báo tử về căn nhà mái lá tranh xiêu, ngoại đứng ngẩn ra, miệng lắp bắp bắt đầu nói sảng. Mấy năm hương lửa tưởng là ngắn ngủi khi hồi ấy ngoại vẫn còn quá trẻ. Ấy vậy mà ngoại ở vậy thờ chồng, nuôi con đến trọn cuộc đời.
Ông ngoại hy sinh nằm lại đâu đó giữa mương bàu xao xác, thất lạc mộ phần. Ông cậu ba Thanh cùng vài người đồng đội trong tiểu đoàn cũ cũng phải lên xuống nhiều lần mới lấy được hài cốt quy tập về nghĩa trang liệt sĩ để ông ngàn thu yên giấc. Ngày ông cậu báo tin đã tìm được nơi ông ngoại nằm lại cặp một cánh đồng lác rộng mênh mông, bà ngoại thân sơ thất sở dẫn hai con bắt xe đò hơn nửa ngày từ quê nhà xa tít tắp tìm đến nơi cho lần gặp gỡ sau cùng.
Bà ngoại hồi tưởng đến bao nhiêu kỷ niệm ngày tháng còn ăn ở với nhau ông hiền lành chịu thương chịu khó nên khóc ngất, không để ý người đàn ông chủ đất nơi ông ngoại nằm lại cứ nhìn trân trân vào cậu út và biểu thằng bé này coi thiệt giống thằng cháu ruột của tôi năm xưa. Hỏi cặn kẽ tên tuổi nguồn gốc quán quê của người đã hy sinh mới biết ông già chính là chú ruột của ông ngoại. Nhiều năm xa cách, chẳng ngờ đến hồi chú cháu gặp nhau lại ở trong hoàn cảnh này. Ông ngoại đi bốn phương trời, cuối cùng lại ngã xuống chính nơi mình được chôn rau cắt rốn. Bà ngoại dần hồi tỉnh, quệt nước mắt biểu má và cậu út đến nhận mặt họ hàng. Người chú của ông ngoại đón lấy cậu út bồng lên, vẻ mừng mừng tủi tủi.
*
Xe dừng trước cổng nghĩa trang lúc này cũng đang có vài đoàn người đến viếng. Khói nhang bay lên khiến Lài cay mắt, cô dìu ngoại từng bước, cảm giác thấy ngoại nhẹ tênh. Giữa buổi chiều ảm đạm trong bầu không khí linh thiêng, ngoại biểu hương linh ông đang về, ngoại thấy ông cười với ngoại. Lài tưởng ngoại lẫn nên nói mớ, cứ hỏi bà có đang tỉnh táo không. Ngoại móm mém cười, trời thần, bây đừng có sợ.
Đứng trước bia đá, ngoại bày lên mâm những món đã cất công chuẩn bị. Đốt mấy que hương, Lài nghe ngoại rì rầm khấn vái: “Ông về trên này cũng kể như đã về với cố hương”.
Truyện ngắn "Chuyến trở về cuối cùng" có cách kể chuyện giản dị, đan xen hiện tại, quá khứ nhuần nhuyễn, gợi lên không khí vùng sông nước mênh mang và giàu nhân nghĩa. Ở đó, dù xưa hay nay, con người luôn chân chất, chịu thương chịu khó, dẫu hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn vươn lên, hướng tới cuộc sống tươi đẹp. Khi Tổ quốc cần, những chàng trai, người chồng, người con sẵn sàng lên đường cầm súng, đánh đuổi quân thù; nơi hậu phương, người vợ tảo tần giấu nỗi đau riêng, nén nước mắt chờ đợi, thờ chồng, nuôi con... Niềm ao ước đoàn tụ, đưa người chiến sĩ đã hy sinh về với quê hương luôn là nỗi trở trăn, thôi thúc. Hẳn sau chuyến đi này, hai nhân vật chính trong truyện sẽ mãn nguyện và cùng được trở về trong đủ đầy mến thương. Hai tiếng quê hương vì thế càng sáng đẹp.
(Nhà văn NGUYỄN VĂN HỌC)
|
Truyện ngắn của HỒ THỊ LINH XUÂN