Đội mưa hơn một tiếng đồng hồ mới đến được địa chỉ theo chỉ dẫn của cậu học trò lớp 7. Cả nhà thằng nhóc đợi thầy giáo trẻ từ tảng sáng. Chuẩn vừa đến, ai cũng niềm nở, vui nhất có lẽ là Tùng. “Thầy Chuẩn gia sư mà con hay nhắc nè! Thầy dạy hay lắm luôn đó nha. Con khoái cái giọng của thầy dữ lắm!”, thằng nhóc lăng xăng giới thiệu về thầy giáo với ông bà ngoại. “Ngồi chơi!”, giọng ông cụ hào sảng, dứt khoát như đang ra lệnh. Chuẩn nhanh nhảu ngồi xuống ghế, ánh mắt không giấu nổi sự rụt rè, khép nép. Trò chuyện hồi lâu, Chuẩn mới lấy lại được sự dạn dĩ, hóa ra ông Mạnh hiền khô. Thường ngày, ông nói ít làm nhiều nên nhiều người tưởng ông khó tính.
Bữa trưa ngon lành với đặc sản trứ danh bánh xèo rau núi, Chuẩn vừa ăn vừa khen nức khen nở, bà ngoại nhóc Tùng nghe mùi tai, cười giòn khoái bụng... Chuẩn và ông Mạnh nói cười rôm rả như người thân quen tự bao giờ. Lần đầu tiên cả nhà thấy có người nói chuyện hợp tính hợp tình với ông cụ.
Khi nghe Chuẩn nói là xin phép ở chơi với ông bà và nhóc Tùng hết đêm nay, sáng mai đi coi đua bò rồi xuống Long Xuyên luôn, ông Mạnh bỗng lẩm bẩm:
- Đua bò... Trời! Năm nay nữa là... ba chục!
Ông Mạnh nói rồi trầm ngâm, ánh mắt lãng đãng ra phía khoảnh đất trống trước hiên nhà như một thói quen những khi kiệm lời. Chép miếng rượu đế cay sè, hít hà một hơi dài thượt, ông quay qua nhìn Chuẩn, bất giác sự rưng rưng lộ rõ trên khuôn mặt khắc khổ của ông với những nếp nhăn dài ngoằn và lốm đốm đồi mồi. “Mới đây mà đã ba chục năm trời... Bỏ giàn bừa, bỏ xà lun...”. Ông đứng phắt dậy, đi một mạch ra sau hè, mặc kệ ánh mắt chưng hửng của cả nhà và chén cơm còn quá nửa.
Mặt Chuẩn trắng bệt, cũng không dám hỏi ai. Chuẩn tự biết mình vừa làm lỗi, cái lỗi không tên không tuổi. Cả nhà không ai trách Chuẩn nửa lời. Ai cũng sợ Chuẩn buồn lo. Má Tùng an ủi dăm ba câu rồi đánh trống lảng sang chuyện khác. Chuẩn chẳng còn tâm hơi ăn uống, lòng dạ nóng ran như bị thiêu trong lửa đỏ.
Đêm xuống, ông Mạnh gọi Chuẩn ra ngồi chõng tre trước hiên uống trà, điềm nhiên đến lạ. Ông Mạnh kể chuyện từ Đông sang Tây, từ kim chí cổ, mấy câu chuyện tâm linh huyền bí ở đất An Giang, năm non bảy núi... Ngồ ngộ thật! Tự dưng bây giờ Chuẩn không còn nhìn thấy trên mặt ông Mạnh một chút biểu cảm nào của lúc ban trưa. Ông Mạnh bây giờ nói cười rôm rả như chưa từng có chuyện gì đả động và khơi gợi miền ký ức trong ông, cái miền ký ức luôn chực chờ để lôi kéo chủ nhân về dòng hoài niệm vô định, mênh mông, tiếng cười, tiếng khóc.
***
Mấy hôm trước, trong buổi học, Chuẩn tâm sự với cậu trò nhỏ về việc sẽ đi xem đua bò Bảy Núi để tìm kiếm tư liệu thực tế sáng tác. Lần đầu tiên thầy giáo trẻ bị cuốn hút bởi dáng hình dũng mãnh của những chiến binh rẽ bùn, ào ạt như vũ bão mà khéo léo làm sao... Mắt nhóc Tùng sáng lên, nó ồ lên một tiếng dài thòng rồi lanh miệng cho thầy hay là dịp lễ Đôn-ta và đua bò năm nay rơi vào cuối tuần nên chắc ăn má với nó sẽ về nhà ngoại ở chơi ít hôm. Nhà ngoại nó ở gần trường đua bò và năm nào cũng đón lễ Đôn-ta rất trọng. Tùng quen hơi thành phố ngay từ ngày còn đỏ hỏn. Sống cảnh tiện nghi riết cũng nhàm, mấy dịp sắp được về ngoại chơi, có vườn, có ruộng, có ao... thằng nhóc hào hứng đến không ngủ được.
“Thầy nhớ ghé nhà ngoại con chơi đó!”. Chuẩn ngạc nhiên, còn đang phân vân nghĩ ngợi chưa kịp trả lời thì nó đã kéo tay năn nỉ quyết liệt. Nó quảng cáo vô vàn điều thú vị ở nhà ông ngoại, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ thức uống tới đồ ăn... Trước sự nhiệt tình của thằng nhóc, Chuẩn không nỡ chối từ. Chuẩn trộm nghĩ, biết đâu ở nhà ngoại thằng nhóc, mình sẽ có thêm dăm ba đồng vốn sống, chăm chút cho trang viết thêm đậm đặc vị đời.
***
Khuôn mặt với đôi mắt nhắm nghiền của ông cụ hồi ban trưa lại ùa về trong tâm tưởng làm dạ Chuẩn nóng ran, rồi kéo theo là bao nghi vấn lộn xà lộn xộn dấy lên trong đầu. Mải miết tới khi tiếng nhóc nhen kêu vang ngoài mấy cánh đồng vừa mới sa mưa.
Ông Mạnh ngủ sớm. Mới chạng vạng, tâm sự trà bánh với Chuẩn được dăm ba câu chuyện thì ông đã xin kiếu, đi tụng kinh, xong thì vô mùng, giữ sức lo chuyện đồng áng hừng đông. Chuẩn “nhập gia” nhưng vẫn không sao “tùy tục” được, mới 9 giờ đêm, còn sớm bửng. Hai thầy trò cứ vậy mà ngồi ngoài hiên tán gẫu khẽ khàng cùng tiếng dế gọi bạn tình inh ỏi.
- Tùng! Em có từng nghe má kể về chuyện hồi xửa hồi xưa của ông ngoại chưa? Hồi sớm nghe ông nói giàn bừa, cây xà lun...?-Chuẩn rỉ tai nhóc Tùng, ra vẻ dè dặt.
Tùng cẩn thận khum người ngó qua ngó lại, thấy không có ai ở gần, nó mới dám kể. “Dạ, đua bò. Má con nói hồi trẻ, ông ngoại đua bò đỉnh lắm. Chưa bao giờ thua ai hết trơn. Tự nhiên cái...”. “Cái sao? Sao nữa Tùng?”, Chuẩn sốt ruột trước sự ngập ngừng ngay lúc cao trào của thằng nhóc. Trông Tùng nghèn nghẹn, ấp a ấp úng làm Chuẩn nhớ lại hình ảnh ông cụ hồi ban trưa. “Má con kể... cặp bò chiến của ông ngoại bị người ta... thuốc chết queo luôn! Ông ngoại xót bò, bỏ ăn tới phải nhập viện. Từ đó tới nay nghỉ đua luôn!”.
- Trời!
Chuẩn cố kìm nén lại. Nếu không cần phải giữ ý tứ đêm khuya, chắc có lẽ thầy giáo trẻ đã la lên một tiếng để tống hết sự bức bối.
Hóa ra đó là mảnh ký ức nhói lòng của ông cụ. Giải tỏa được nghi vấn trong lòng, Chuẩn lại cảm thấy nặng nề hơn như có ai đeo nguyên cái giàn bừa to đùng lên cổ. Đôi mắt Chuẩn kéo mây tối sầm. Chuẩn cảm thấy mình có lỗi, lỗi rất to.
Nhóc Tùng tiếp tục kể cho thầy giáo tất tần tật những điều nó nghe, nó biết.
Chuẩn thẫn thờ nhìn lom lom khoảnh đất trống trơn một góc sân nhà như đang chảy trôi theo những ngày xa vắng đầy kiêu hãnh. Nơi ấy trước kia là “nhà” của Thốt và Nốt-tên của đôi bò bất bại xứ Thất Sơn này. Phải kỳ công như thế nào thì đôi bò mới có thể tung hoành chinh phục mọi trường đua, xưng vương xưng bá... Vậy mà, ai nỡ... Chuẩn bặm môi, nghĩ ngợi.
Nuôi bò đua khác bò thường nhiều lắm, chẳng dễ dàng gì. Chế độ ăn, ngoài cỏ sạch thì còn đều đặn mỗi ngày một trứng gà với cả trái dừa tươi, khi thì còn cho ăn cháo đặc. Lúc ngủ phải lót rơm, lót cỏ cho nằm để chân không bị tê... Ngày nào cả chủ cả bò cũng bên nhau hăng say tập luyện. Mấy ngày gần thi đấu, ngay cả khi ngủ, ông Mạnh cũng giăng mùng ngủ cạnh bò. Ai biểu Thốt và Nốt của ông cứ đứng nhứt hoài, liên tục mấy năm ròng, lo lắng có người ganh kẻ ghét cũng chẳng thừa tẹo nào! Nhưng lo cách mấy thì cũng...
Tận bây giờ, cả nhà nhóc Tùng vẫn chưa biết chắc kẻ thủ ác là ai. Có điều hình như ông cụ biết tất! Mỗi khi bị người nhà gặng hỏi “ông nghi ai?”, ông Mạnh chỉ im bặt rồi lảng tránh đi chỗ khác như đang cố kìm lòng. Tánh nết ông cả phum, cả sóc ai cũng biết, thẳng đuột như ruột ngựa. Lời từ miệng ông Mạnh bao giờ cũng thật. Ông không biết nói dối nên cũng rất vụng về mỗi khi giấu giếm chuyện gì...
Từ lâu, ông đã không còn chấp trước hay đau đáu chuyện kiếm tìm kẻ ác tâm. Những lúc trầm tư nhìn khoảnh đất trống vắng ngoài sân, ông thầm nghĩ trời đất công tâm lắm, ai gieo gió thì ắt phải gặt bão mà thôi. Thời gian đã trả lời thỏa đáng. Người cũng đã biệt vô âm tín gần chục năm trời. Hẹp hòi, thù hận có khác gì đem lửa tự thiêu!
***
Mới vừa hừng trời, Chuẩn bị đánh thức bởi tiếng của ông Mạnh. Ông ngủ sớm và dậy sớm như một thói quen của người già. Con đường đất ngoài kia vẫn chưa bị âm thanh xe cộ làm cho tỉnh giấc. Trong ánh mắt Chuẩn, thấp thoáng phía dư âm màn đêm, ông Mạnh cặm cụi chặt mấy trái dừa tươi. “Uống nước dừa mát cơ, siêng tập, có sức mà đua nghen hai con”, ông tự cười khì một mình, quái dị thật!
Ông cụ ngồi bệt xuống nền đất lạnh, đôi tay run rẩy vụng về chắt chiu từng giọt nước dừa ngọt lành ra cái ống tre. Dưới ánh mặt trời vừa ló rạng đằng Đông, gam màu đo đỏ đang giao nhau giữa đêm và ngày, Chuẩn ngó thấy một thứ gì đó trên tay ông cụ. Trông như cây gậy, dài tầm sáu tấc, có một đầu cong cong, phần còn lại thẳng thớm, bóng bẩy. Phải rồi! Cây xà lun. Đầu thẳng có cắm chiếc đinh nhọn dùng để đâm vào mông bò, ra hiệu và kích thích toàn bộ sức mạnh của chúng trên mặt bùn, vẻ vang giành chiến thắng. Đây là dụng cụ quen thuộc với những “tay đua” vùng Bảy Núi, có vai trò như cờ lệnh.
Ông cụ mân mê cây xà lun, rồi ôm nó vào lòng, tiếng thút thít của một ông già nghe rõ mồn một như con nít. Những toán hồi ức ùa về như sóng cuộn, đó là những thanh âm hò reo tán thưởng vang vọng cả một cung đường nhuộm bùn óng ánh; đó là hình ảnh một chàng thanh niên rắn rỏi, hiên ngang đứng vững trên giàn bừa như một mãnh tướng uy dũng xông pha, tay cầm xà lun như thanh bảo kiếm; đó là giây phút được xướng tên và bước lên bục vinh quang nhận chiếc cúp vàng danh giá, rồi thì khoảnh khắc đôi bò “vinh quy” về phum sóc, bà con tranh nhau vuốt ve để xin lộc may mắn, mạnh khỏe, bình an.
Ông Mạnh từ từ tưới hai ống tre đầy ăm ắp nước dừa xuống nền đất lạnh. Sáng nay, ngày lễ đầu của chuỗi Đôn-ta, có lẽ là ông cụ muốn làm chút gì đó để hoài niệm hai người bạn tri kỷ của mình. Để nhớ lại một thời nhựa sống căng tràn, tung hoành trên mặt bùn cháy phừng máu lửa.
Chuẩn thấy sống mũi mình cay nóng. Cái nghĩa, cái tình, dẫu là giữa người và vật, sao mà sâu nặng quá! Chuẩn dặn lòng sẽ viết về ông Mạnh, về Thốt, Nốt bằng tất cả gam màu hiện thực, chẳng cần hư cấu, chẳng cần một cái kết rạch ròi có hậu như truyện cổ tích. Chuẩn nghĩ thiệt giản đơn, một khi người ta nuôi lòng chí nghĩa, chí tình thì phút giây nào của cuộc đời cũng là phút giây “có hậu”.
Truyện ngắn của LÊ VĂN NHÂN
Tác giả trẻ Lê Văn Nhân đã mở ra một bức tranh sống động về con người và đời sống văn hóa của vùng sơn cước biên thùy Bảy Núi, An Giang-nơi giao thoa giữa văn hóa, thiên nhiên và những giá trị truyền thống độc đáo. Qua hành trình của thầy giáo trẻ Chuẩn, truyện khéo léo gợi mở những câu chuyện chân thực và sâu sắc. Tác phẩm thấm đẫm hơi thở dân gian, khắc họa tình người mộc mạc, đậm chất nhân văn, để lại dư âm sâu lắng về ký ức có cả oai hùng lẫn niềm đau và khát vọng sống mãnh liệt... (Nhà văn LÊ QUANG TRẠNG) |