Hà Nội mùa thu năm nay vẫn đẹp đến bâng khuâng lòng dạ con người, vẫn tha thướt áo dài ngẩn ngơ mắt người phố thị xôn xao vẫy gọi, mà vẫn như thiếu vắng một cái gì khó gọi thành tên? Ừ nhỉ! Một cái gì thật Hà Nội, thật tinh khôi, thanh thoát như một Hà Nội mùa thu "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" sao đột nhiên khó gọi tên ra? Hay là đây chăng? Cây Hà Nội vừa trải qua cơn bão số 3 (Yagi) rúng động, lòng cây cùng lòng người quặn thắt. Hàng chục ngàn cây gãy đổ tang thương, đau xót, cây ơi, mấy trăm năm tuổi cội rễ cắm vào lòng người sâu dày bao thế hệ ông bà ta, mẹ cha ta đời kiếp sinh sôi bên cây cội rễ thắm tình người ruột thịt.

Trong mịt mùng mưa bão gãy đổ bốn bề ấy, dưới những lằn chớp lóe sáng trong khuya khoắt, bóng những chiến sĩ nối nhau đi về phía tiếng người dân gọi đợi trợ giúp. Tiếng gọi không thể nào vượt khỏi những bức tường gió bão đập thình thình, vô vàn cây cối bị vò nhàu quất ràn rạt vào đôi vai người lính. Ôi đôi vai người lính! Đôi vai của các anh từ thuở vượt núi, băng sông, xuyên rừng, vượt qua tầng tầng lửa đỏ bom đạn quân thù, tới ngày hòa bình đất nước khang trang, vẫn là đôi vai ấy mềm mại, ấm nóng mà như tường đồng vách sắt che chắn nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ đất đai thiêng liêng của Tổ quốc; bảo vệ sự yên bình, no ấm, phát triển cho nhân dân dưới lá cờ đỏ sao vàng đỏ thắm reo vui.

Đôi vai người lính trong những mùa mưa bão luôn cho người cầm bút chúng tôi một suy nghĩ thật đặc biệt. Những đôi vai ẩn chìm trong nước xiết. Bên trên đôi vai dầm nước ấy là mẹ già tám, chín mươi tuổi đôi mắt mờ đục ngồi trên vai chiến sĩ rẽ nước mặc cho mưa quất, gió thổi ràn rạt bốn bề. Tay mẹ run run cầm mấy gói mì ăn liền đã ướt sũng, mủn nát tự bao giờ. Phía trước là những ngôi nhà vùng bão đang thấp thoi chìm dần trong biển nước. Những đôi vai chiến sĩ, có người trần da thịt, có người áo đã rách, cầu vai, quân hàm cũng đã lút chìm trong nước vẫn gắng sức nâng cao chiếc chậu nhôm, bên trên là những em bé mới hai, ba tuổi mắt to tròn còn chưa hiểu được sự hung tợn của thiên nhiên. Có những lúc sóng đánh đột ngột, đôi vai người lính chợt lạng đi trong nước xiết, rồi anh lại mau chóng ghìm chân, xoay người tránh sóng, để mẹ già, em thơ không bị chao lắc, dập vùi. Khi đến được nơi khô ráo, đôi vai đã tướp máu mà nụ cười các anh vẫn tươi tắn nở trên đôi môi tái mét vì dầm gió nước quãng đường dài.

Ngày chúng tôi đi Điện Biên, được gặp gỡ và trò chuyện với các lão binh tuổi đều ngoài tám, chín mươi, nhiều cụ đã trên trăm tuổi, nghe kể về những đôi vai ngày vác pháo, khiêng hòm đạn, lán trại như thể là khiêng sông vác núi, tất cả vì giải phóng Điện Biên. Câu thơ "Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá" của nhà thơ Chính Hữu là từ những hình ảnh thực đôi vai người chiến sĩ. Khiêng vác ngày này tháng khác, đời người chiến sĩ là đôi vai và ngọn lửa trong tim rừng rực cháy. Đất nước còn nghèo. Áo con rách rồi mẹ vá áo cho con. Đôi vai áo rách ấy đã đi vào lời bài hát "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: "Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc, để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc/ Áo con rách thêm nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo.../ Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo/ Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương...".

Lời bài hát cứ văng vẳng như dội từ thuở quần nhau với giặc ngày chiến khu xưa thăm thẳm. Vai người chiến sĩ Điện Biên năm xưa giờ đã sụm xuống, co ngót lại trong tấm áo lành lặn thùng thình dày đặc huân chương, huy hiệu, khiến những người lính trẻ chúng tôi cười mà nước mắt cứ chảy ra. Một nữ nhà thơ người dân tộc sà đến bên các chiến sĩ Điện Biên một thời, đặt tay lên đôi vai khô khẳng còn hằn vết đạn thù. Đôi vai ấy ngày trước đã từng khiêng vác những khẩu trọng pháo xuyên núi rừng, xuyên bom đạn lên đỉnh cao giội bão lửa xuống đầu thù. Có người lính bị gãy tay đã nhờ đồng đội kê vào đá tảng chặt phăng đi cho khỏi vướng, mà đôi vai còn trên thân thể vẫn cùng đồng đội vượt qua mọi hiểm nguy tạo nên những chiến công. Đôi vai người chiến sĩ trở thành một phần thiêng liêng, chất thép, chính từ những đôi vai tường đồng vách sắt ấy đã góp phần tạo dựng nên hình tượng cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.

leftcenterrightdel
Trẻ em Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) dành tình cảm đặc biệt cho các chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2). Ảnh: VIỆT TRUNG 

Ngày xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, bộ đội và dân công hỏa tuyến đã phải dùng đôi vai gùi súng đạn, gùi lương thực, thực phẩm và nhất là gùi xăng dầu vô cùng vất vả lẫn hiểm nguy. Xăng dầu ở Trường Sơn quý như máu. Khi chưa có đường ống dẫn xăng dầu, bộ đội và dân công đều phải gùi xăng bằng phương pháp thủ công khiến đôi vai và tấm lưng người chiến sĩ phồng rộp, loang lổ như bị dính bom napan. Có chiến sĩ gùi xăng qua trọng điểm bị dính mảnh bom đã bốc cháy toàn thân như ngọn đuốc sống, hy sinh trong sự tiếc thương đến tận cùng của đồng chí, đồng đội. Từ đôi vai ấy, từ ngọn lửa ấy đã nuôi chí căm thù, tất cả trở thành một khối, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả hướng tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước mới vừa hòa bình, hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc lại rộ lên tiếng súng. Đôi vai người lính lại trĩu nặng trọng trách mà nhân dân và Tổ quốc giao phó. Các anh lại lên đường đi về nơi chưa ngưng tiếng súng. Đôi vai người chiến sĩ lại sẵn sàng che chắn hiểm nguy cho dân, cho nước.

Còn nhớ trước đây, trong một cuộc tuần tra trên biển, Đô đốc Giáp Văn Cương, khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân, thấy các chiến sĩ cứ trần trùng trục, trên vai in hằn những vết cứa của đá, của san hô đã thành sẹo bóng đỏ dưới nắng biển. Các chiến sĩ nói: “Bố biết không? Chúng con đã dùng vai để khiêng vác đá, san hô nên vai rách là chuyện bình thường. Vài vết sẹo xoàng càng thêm chiến tích để thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ với các em ở đất liền, bố ạ. Chúng con đã viết thư cho người yêu, bảo rằng chúng con đang dùng vai để kê cao Tổ quốc. Bố thấy có đúng không?”.

 Vị Tư lệnh lừng danh mắng yêu đám lính tếu táo mà nước mắt ông cứ thế ứa ra. Ừ thì đất nước còn nghèo. Lính tráng các cậu nơi mịt mùng sóng gió canh giữ biển, đảo, áo quần nào cho xuể nên dùng vai trần vác đá là đúng rồi. Lại còn biết đưa vào thư gửi người yêu ở đất liền hình tượng đến như vậy, còn trách gì được. Thôi hôm nay trời cũng sắp tối rồi, tớ cho các cậu nghỉ sớm. Tớ sẽ gác đảo đêm nay!

 Và Đô đốc Giáp Văn Cương đã ôm súng đứng gác trước sự ngạc nhiên đến tột độ của lính đảo.

Tôi rất nhớ một chuyện do Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến kể lại. Đó là ngày đơn vị ông hành quân từ Tây Nguyên ra phía Bắc, lên thẳng chốt chiến đấu tại các điểm cao rất ác liệt. Bộ đội trên chốt đều rất thiếu nước, phải dùng đôi vai vác từng thùng, từng can nước lớn nhỏ vượt qua tầm khống chế của pháo và hỏa lực địch, dẫn đến không ít thương vong. Có những đoạn hào cạn, cây cối bị thiêu trụi, kể cả những tảng đá mồ côi cũng bị đạn pháo bắn ngày đêm nát trắng xóa thành vôi. Bộ đội ta đã phải bò sát đất, dùng vai đẩy từng can nước ngược lên chốt rất gian khổ. Nhiều chiến sĩ bị địch bắn tỉa xé nát đôi vai đang vác, đang đẩy từng can nước lên chốt cho đồng đội. Sau này, bộ đội ta có sáng kiến dùng bơm cao áp và đường ống dẫn bơm nước liên hoàn lên chốt mới khắc phục được tình hình. Đôi vai người chiến sĩ trên chốt quần nhau với quân thù thấm máu luôn là hình ảnh cứa sâu vào vị tướng trận cho đến mãi về sau.

Trong cơn bão Yagi vừa qua, dưới trùng trùng mưa quăng gió giật, giữa đêm đen mịt mùng lũ quét, cây đổ, cầu sập, người mất tích, tài sản của nhân dân chìm trong biển nước, có bản làng gần như bị xóa sạch, hàng trăm người lớn, bé, già, trẻ thiệt mạng, chỉ vài người còn sống sót vô cùng đau đớn. Đôi vai người chiến sĩ đã lập tức băng qua mưa gió, bão lốc, hiểm nguy để đến với nhân dân. Đôi vai các anh oằn đi trong sấm chớp đùng đùng. Đôi vai nhấp nhô, lấp loáng trong thét gào hung hãn của thiên nhiên cuồng nộ. Đã có đôi vai của các anh ngã xuống. Người chiến sĩ hy sinh tính mạng của mình để cứu nhân dân trong bão, lũ chính là biểu hiện cao đẹp của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

 Đôi vai người chiến sĩ! Đôi vai anh sao sáng đẹp, vững chãi lạ thường. Đôi vai của mẹ, của cha, của ông bà tiên tổ trao truyền dài rộng đến hôm nay và mai sau. Đôi vai người chiến sĩ chính là một trong những chiều sâu của văn hóa con Lạc, cháu Hồng, chiều sâu của hòa bình, chiều sâu của tính nhân văn trong thời đại Hồ Chí Minh.

Tùy bút của PHÙNG VĂN KHAI