Trấn thủ mẹ đã may xong
Gửi con, con mặc, mùa đông tới rồi
Con ơi! Mặc áo nhớ lời
Giết cho hết giặc đời đời tự do.
Những câu thơ có âm hưởng ca dao trên được đề trong bức tranh cổ động của Phòng Thông tin huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên phát hành cổ động cho Phong trào “Mùa đông binh sĩ” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bức tranh vẽ hình bà mẹ ngồi may áo trấn thủ gửi ra tiền tuyến cho các con là bộ đội. Đây là một trong rất nhiều tranh cổ động hưởng ứng phong trào may áo mùa đông cho binh sĩ, đã tái hiện phần nào không khí của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chiếc áo trấn thủ là hình ảnh thân thuộc gắn với bộ đội ta; là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Áo trấn thủ được ra đời từ Phong trào “Mùa đông binh sĩ”.
Khi những đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên tràn về phía Bắc nước ta vào cuối năm 1946, Bác Hồ kính yêu đã có sáng kiến phát động phong trào may áo rét cho chiến sĩ. Cũng từ đó, Phong trào “Mùa đông binh sĩ” ra đời với các ủy ban vận động được thành lập từ cấp Trung ương tới địa phương. Trong buổi lễ phát động cuộc vận động vào ngày 17-11-1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bác Hồ đến dự và đem chiếc áo len duy nhất của mình để góp vào quỹ vận động. Đây là chiếc áo mà Người đã mặc trong những năm bôn ba ở nước ngoài để hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước. Hành động của Bác và chiếc áo len là niềm động viên, cổ vũ to lớn, kịp thời tới cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và lan tỏa vào phong trào thi đua yêu nước. Chiếc áo của Bác sau đó được Ủy ban vận động bán đấu giá, lấy tiền mua vải và bông may áo cho bộ đội.
Quân nhu Cục (nay là Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) khi đó đã cùng một số nhà may ở Hà Nội nghiên cứu, sản xuất ra chiếc áo sao cho binh sĩ mặc mùa đông vừa ấm áp, vừa thuận tiện khi hành quân và chiến đấu, có tên là áo trấn thủ. “Trấn thủ” là từ Hán Việt, có ý nghĩa giữ gìn, làm cho bình yên. Nghĩa gốc giống như trấn giữ, là bảo vệ nơi xung yếu, chống lại sự xâm chiếm. Áo trấn thủ có lớp bên ngoài bằng vải, trong lót bông, đường khâu hình ô quả trám, cổ tròn, không tay, thân dài đến thắt lưng, gồm có hai mảnh trước và sau, nối liền nhau ở cạnh sườn và một bên vai, dùng khuy hay dải buộc ở vai trái và mạng sườn trái. Áo may sát người, gọn gàng, tiện lợi khi mặc.
|
|
Tranh cổ động Phong trào “Mùa đông binh sĩ” trong kháng chiến chống thực dân Pháp. |
Chiếc áo trấn thủ giúp bộ đội ta chống lại những mùa đông giá rét nơi núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc. Trong những năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, chiếc áo trấn thủ đã đồng hành với người chiến sĩ, góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta đi đến ngày thắng lợi mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Không chỉ xuất hiện trong những bức tranh cổ động từ Phong trào “Mùa đông binh sĩ”, hình ảnh áo trấn thủ còn gắn với người chiến sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là niềm tự hào, nguồn cảm hứng cho ra đời những tác phẩm văn học-nghệ thuật. Nữ sĩ Vân Đài đã viết bài thơ “Áo trấn thủ” với những câu da diết, tự hào: Em gửi áo này ra mặt trận/ Hỏi người mặc áo có biết chăng/ Đêm nay gió lạnh căn nhà trống/ Giá buốt nhưng em chẳng lạnh lùng.
Sau này, trong bài thơ “Điện Biên gọi tôi lên”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã tái hiện lại không khí Điện Biên Phủ với hình ảnh áo trấn thủ qua những vần thơ: Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa/ nhịp hò dô vượt dốc pháo vào ra/ mưa xối buốt những bàn tay máu tứa/ đất đỡ người ngã xuống hôm qua.
Ngày nay, dù chiếc áo trấn thủ một thời được trưng bày trong các bảo tàng; chiếc áo kỷ vật được chủ nhân nào đó cất giữ kỹ càng; hay hình ảnh chiếc áo trong thi ca, nghệ thuật; hoặc những chiếc áo trấn thủ mới được các bạn trẻ yêu thích sử dụng... nhưng tất cả đều hàm chứa trong mình dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc và niềm tự hào, trân trọng của thế hệ hôm nay với các thế hệ cha anh.
MINH VŨ