Bước chân tôi từng đặt dấu khắp miền đất nước, từng chứng kiến biết bao mơ ước nhỏ bé của nhiều người dân. “Ước một lần được về thăm Đền Hùng”. Là “về” chứ không phải “đến” nơi mảnh đất cội nguồn dân tộc Việt. Một bà má miền Đông Nam Bộ nói: “Ước gì má được ra Giỗ Tổ một lần, rồi về chết cũng vui”. Má bảo: “Trong nầy người ta cũng xây đền thờ Vua Hùng, tháng Ba hằng năm cũng tập trung cúng lễ vui lắm. Nhưng làm sao bằng được ra ngoải. Được thắp nhang cúi lạy trước Đền Hùng”. Ước mơ của những người dân phương Nam thật giản dị, mà đâu dễ gì với một bà má già. Tuy vậy, trong tâm tưởng của họ, luôn luôn tìm cơ hội để thỏa mãn điều đó.
|
|
Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng là một trong những nghi lễ truyền thống không thể thiếu (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô)
|
Trong một lần hội họp tại Hà Nội, có mấy văn nghệ sĩ quê ở Vĩnh Long, Khánh Hòa, Kon Tum, Quảng Trị nhất định nhờ tôi làm “hướng đạo viên” lên thăm Đền Hùng. Giữa cái nắng oi bức mà ai cũng háo hức trèo lên từng bậc đá, mồ hôi đầm đìa nhưng nụ cười sáng rỡ. Niềm tin yêu đã chiến thắng mệt nhọc. Đứng dưới gốc cây chò ngàn năm tuổi, những câu thơ xuất thần, vang vọng khắp núi rừng. Dịp chúng tôi về đây cuối tháng, đã lỡ mất dịp lễ hội mồng mười tháng Ba. Không khí tưng bừng, đông vui đã hết, trả lại quang cảnh tĩnh mịch cho vùng đất thiêng. Núi lại xanh, suối trong lành, từ Đền Hạ tới Đền Trung, lên Đền Thượng rồi vòng xuống Đền Giếng, từng bậc đá sân đền phong quang, sạch sẽ. Bác thủ từ Đền Thượng cho hay, những cơn mưa rửa đền từ xưa tới giờ vẫn luôn đúng hẹn, như một sự linh thiêng huyền bí. Trước và sau lễ hội, bao giờ cũng có cơn mưa rào lớn, cuốn sạch bụi bặm, rều rác. Mưa rửa đền, một hiện tượng thiên nhiên khó lý giải, nhưng lại có ý nghĩa về tâm linh của người dân nơi đây. “Đó là ý trời”. Mưa trước lễ hội một, hai ngày là để cho đền sạch sẽ, đón muôn dân về dự. Sau lễ hội một, hai ngày, lại mưa tiếp, cuốn sạch bụi trần, trả lại sự thanh tịnh cho chốn thâm nghiêm.
Ba vợ tôi là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, quê ở Bình Định. Ông từng gắn bó nhiều năm với vùng đất Tổ, suốt từ các nông trường quốc doanh ở Hạ Hòa đến công trường xây dựng cầu Việt Trì. Ông kể, trung đoàn của ông chính là đơn vị san mở đầu tiên sân vận động Việt trì hiện nay. Từ Việt Trì lên Đền Hùng hơn chục cây số, vậy mà ông chưa một lần được dự hội Đền Hùng. Duy nhất có lần ông cùng đơn vị tổ chức lên thăm núi Nghĩa Lĩnh, ghé lại Đền Giếng nơi Bác Hồ ngồi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ba vẫn tâm sự với chàng rể Bắc, là muốn ra thăm Đền Hùng vào dịp tháng Ba để tận mắt nhìn thấy con cháu Vua Hùng từ khắp mọi miền Tổ quốc, nườm nượp về Giỗ Tổ. Phương tiện giao thông bây giờ thuận tiện lắm. Chỉ cần chở ba bằng xe máy đi mười hai cây số, ra sân bay Phù Cát. Xuống sân bay Nội Bài, ngồi xe khách chạy trên cao tốc, một giờ sau đã có mặt ngay cổng Đền Hùng. Cảnh cũ, đền xưa nay nhiều thay đổi, sợ ba không nhận ra.
Cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho quê hương an bình và ba tôi luôn mạnh khỏe. Để mùa lễ hội năm nay, tôi được cùng ba ra Đền Hùng.
Tản văn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ