Những ngôi nhà cổ quý giá
Hiện ở Đông Sơn còn 13 ngôi nhà cổ, trong đó còn nguyên vẹn nhất và được bảo tồn tốt nhất là ngôi nhà của gia đình cụ Lương Trọng Duệ. Cụ Duệ nay đã mất, người kế tục cụ gìn giữ, chăm sóc cho ngôi nhà là con trai cụ, ông Lương Thế Tập. Ngay từ những năm còn công tác, ông đã cùng với cha bàn cách bảo tồn, trùng tu sao cho ngôi nhà giữ lại hình dáng nguyên bản nhất. Năm 2006, UBND phường Hàm Rồng đề nghị thành phố báo cáo tỉnh xem xét, xếp hạng cho 13 ngôi nhà cổ tại Đông Sơn. Tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đoàn công tác tiến hành thẩm định những ngôi nhà cổ ở Đông Sơn. Quá trình thẩm định, đoàn công tác công nhận ngôi nhà của gia đình ông Tập còn khá nguyên vẹn, được xây dựng từ đầu triều Nguyễn, cách nay hơn 200 năm, đủ điều kiện xếp hạng di tích. Hiện ngôi nhà là di tích kiến trúc nhà cổ cấp tỉnh.
|
|
Ngôi nhà cổ làng Đông Sơn của cụ Lương Trọng Duệ. Ảnh: THÚY HÀ
|
Từ hướng chùa Phạm Thông, chúng tôi lần lượt đi qua các con ngõ Dũng-Trí-Nghĩa-Nhân ra phía đình làng. Ngoài ngôi nhà của ông Tập, 12 ngôi nhà cổ còn lại ở Đông Sơn hiện nay vẫn được giữ nguyên trạng, có ngôi nhà còn khá nguyên vẹn nhưng cũng có những căn đã xuống cấp. Việc bảo tồn chúng như thế nào vẫn còn nhiều lúng túng với cả gia chủ và địa phương khi đó là tài sản sở hữu cá nhân, nhà nào cũng ở cảnh con cháu thì ngày càng đông, mỗi đời lại chia nhỏ ra một chút. Mỗi năm, những mái nhà, kèo cột lại phủ thêm một lớp thời gian, lịch sử lại nhích thêm ngày tháng. Năm 2022, đoàn công tác của TP Thanh Hóa do ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã về khảo sát, làm việc tại làng Đông Sơn để tìm phương hướng bảo tồn, đầu tư, nâng cấp làng cổ.
|
|
Ông Lương Thế Tập tại khu trưng bày các hiện vật thời chiến trong khuôn viên nhà cổ. Ảnh: XUÂN THỦY |
Riêng với ngôi nhà của gia đình ông Lương Thế Tập, bởi trước đây công tác tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa nên ông Tập có điều kiện đi nhiều nơi để tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm từ các ngôi làng cổ như: Đường Lâm (Hà Nội), Phật Tích (Bắc Ninh), Bình Thủy (Cần Thơ)... Nhờ vậy, ông đã vận dụng những điều rút ra được trong việc bảo tồn, nâng cấp ngôi nhà theo cách riêng của mình với mong muốn trung thành với nguyên gốc. Năm 2013, ông Tập mua thêm 150m2 đất của nhà hàng xóm liền kề để mở rộng, cải tạo khuôn viên xung quanh cho đồng bộ trong một chỉnh thể gắn với ngôi nhà, xây dựng thêm hai nhà ngang để làm nơi tiếp khách và trưng bày hiện vật.
|
|
Ông Lương Thế Tập bên hiện vật là chiếc xe thồ từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ gắn với kỷ niệm về người cha. Ảnh: XUÂN THỦY |
Để ngôi nhà thêm sinh khí và cho những hình dung về quá khứ, ông Tập sưu tầm một số tư liệu, hiện vật thời xưa, từ đồ đồng, đồ đá, các vật dụng, dụng cụ nông nghiệp... về trưng bày. Trong đó dành riêng một gian trưng bày các hiện vật thời chiến tranh gắn với cuộc chiến đấu của quân và dân ta bảo vệ cầu Hàm Rồng như: Vỏ những quả đạn pháo, vỏ bom, kẻng, bình tông đựng nước, hòm đạn, mũ rơm... Chỉ vào những hiện vật đã sưu tầm, trong đó có một khu vực bày rất nhiều viên đá to nhỏ khác nhau có ghi tên các địa phương trong cả nước, ông Tập kể, từ sau khi đất nước giải phóng, mỗi chuyến đi đến các vùng miền, ông đều mang về một viên đá. Lâu dần, số đá mang về từ các tỉnh đầy lên, có tỉnh vài viên từ những địa danh nổi tiếng và ý nghĩa.
Lưu giữ ký ức hào hùng
Những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cây cầu Hàm Rồng, huyết mạch giao thông Bắc-Nam là mục tiêu đánh phá trọng yếu. Cả Hàm Rồng-Đông Sơn suốt 7, 8 năm trở thành chiến trường trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Cha con cụ Lương Trọng Duệ cũng trải qua những ngày tháng ấy. Ông Tập cùng dân làng Đông Sơn phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tham gia nhiều trận đánh quyết liệt chống lại sự đánh phá của đế quốc Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng-tuyến huyết mạch giao thông Bắc-Nam.
Năm 1968, cụ Lương Trọng Duệ còn tham gia đoàn xe thồ phục vụ chiến trường Bình-Trị-Thiên. Trước đó, cụ cũng đi dân công hỏa tuyến phục vụ các huyện phía Tây Thanh Hóa. Ký ức về chiếc xe thồ của người cha khiến ông Tập sau này đã sưu tầm bằng được mẫu xe thồ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ về trưng bày trang trọng trong khuôn viên ngôi nhà như một chứng tích của gia đình. Từng chiếc cày, chiếc bừa và những nông cụ khác cũng được ông sưu tầm mang về bồi đắp cho không gian trưng bày của ngôi nhà.
Trước khi mất, cụ Lương Trọng Duệ có viết di chúc giao lại cho con trai trưởng là ông Tập chăm sóc, gìn giữ ngôi nhà, thờ cúng gia tiên, trông coi di sản ông cha để lại nhằm lưu truyền cho con cháu sau này. Hiện nay, ngôi nhà là nơi sum họp gia đình, dòng họ trong mỗi dịp hội họp, giỗ chạp.
Ông Tập giãi bày: “Tôi sẽ cố gắng thực hiện tâm nguyện của cha. Bởi, trước khi mất, cụ dặn dò lại rằng: Tổ tiên bao đời đã xây dựng được nền tảng gia đình, làng xóm với những ngôi nhà cổ hơn 200 năm, hậu thế cần giữ gìn những giá trị ấy”. Ông Tập cũng mong muốn mở rộng, bảo tồn ký ức một thế hệ gắn với lịch sử kháng chiến, bảo vệ quê hương, đất nước. Gần đây, khách xa gần đã đến thăm làng, về Đông Sơn đều tìm đến nhà ông tham quan, đó cũng như một nguồn động viên để ông tiếp tục sự nghiệp chăm lo di sản của gia đình, quê hương.
NGUYỄN XUÂN THỦY