Đưa di sản vào hội họa

Chỉ sau hơn 4 tháng phát động, Ban tổ chức Cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả là các họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đến từ 55 tỉnh, thành phố. Tác giả cao tuổi nhất cuộc thi đã 84 tuổi, tác giả trẻ nhất năm nay mới lên 9.

Cuộc thi trở thành sân chơi rộng rãi, bổ ích, bình đẳng, công bằng dành cho những người yêu hội họa và DSVH trên cả nước; khuyến khích các họa sĩ trẻ, đặc biệt là sinh viên các trường mỹ thuật tham dự. Càng bất ngờ hơn khi tác giả đoạt giải đặc biệt không phải là họa sĩ chuyên nghiệp mà là một cán bộ đang công tác trong ngành dầu khí-anh Lại Lâm Tùng-với tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau”.

Ý tưởng vẽ tác phẩm trên của anh Tùng đã có từ 10 năm trước, song vì bận rộn nên bây giờ anh mới có thời gian và động lực thực hiện. Tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau” được tác giả thực hiện trong 8 tháng, trải qua quá trình kỳ công sưu tầm, tìm hiểu về truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer. Anh Lại Lâm Tùng cho rằng, động lực giúp anh hoàn thành tác phẩm này đến từ ý nghĩa của cuộc thi, nơi các họa sĩ được thể hiện tài năng, trách nhiệm đối với giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

leftcenterrightdel

Kinh thành Huế thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: HOÀNG LONG 

Trong bối cảnh nhiều cuộc thi hội họa tại Việt Nam ngày càng khó thu hút tài năng, đồng thời chất lượng tác phẩm không như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó một phần đến từ mức thưởng còn thấp thì Cuộc thi vẽ tranh "DSVH Việt Nam qua hội họa" lần thứ I là một điểm sáng. Đã có 30 tác phẩm được trao giải với tổng trị giá tiền thưởng hơn 1 tỷ đồng; trong đó, 1 giải đặc biệt nhận thưởng 100 triệu đồng, 1 giải nhất trị giá 75 triệu đồng...

Đáng nói, cuộc thi được tổ chức hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Tất nhiên, sức hút của cuộc thi không chỉ ở khía cạnh cơ cấu giải thưởng hấp dẫn. PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi chia sẻ, không chỉ đội ngũ ban giám khảo cuộc thi đều là những chuyên gia hàng đầu cả nước trong lĩnh vực hội họa và DSVH mà quá trình chấm giải được tổ chức theo phương thức bỏ phiếu kín qua từng vòng.

“Hầu hết các tác phẩm đều bám sát chủ đề cuộc thi, phản ánh những nét hay, đẹp, độc đáo trong kho tàng DSVH phong phú, đa dạng của đất nước, gồm nhiều loại hình về DSVH vật thể và phi vật thể. Bên cạnh đó, các tác phẩm dự thi còn phản ánh tính đa dạng về thể loại, chất liệu. Nhiều nhất trong số này là acrylic với 319 tác phẩm. Tác phẩm có kích thước lớn nhất là 3,8mx2,6m. Nhiều tác phẩm cho thấy sự công phu cả về ý tưởng, nội dung và phương pháp thể hiện”, PGS, TS Đỗ Văn Trụ cho biết.

Bên cạnh các phần thưởng lớn, 100 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi đã được ban tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thu hút đông đảo công chúng đến xem. Từ thành công của cuộc thi lần thứ I, Hội DSVH Việt Nam quyết định tổ chức cuộc thi định kỳ 2 năm/lần. Chị Lê Thị Thanh, tác giả đoạt giải nhất cuộc thi với tác phẩm "Nghìn xưa lưu dấu", nhận định, cuộc thi là một dấu mốc quan trọng đối với giới họa sĩ bởi nó đã đánh thức khả năng tiềm tàng về sáng tạo liên quan đến DSVH. Đối với lĩnh vực DSVH, nhiều họa sĩ đã được đào tạo rất bài bản, trải nghiệm nghiên cứu nên sẽ đưa ra những tác phẩm có dấu ấn của giá trị DSVH. Trong đó, nhiều tác phẩm tại cuộc thi đã đưa ra được những tín hiệu thị giác tốt so với các tác phẩm lâu nay chúng ta vẫn hay nhìn thấy.

Sáng tạo cùng di sản

Văn hóa nói chung, DSVH nói riêng là hồn cốt của mỗi dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị DSVH là trách nhiệm của các ngành, các cấp và các thế hệ người Việt Nam. Vượt qua quy chuẩn thông thường về bảo tồn và phát huy DSVH, các họa sĩ tham gia Cuộc thi vẽ tranh "DSVH Việt Nam qua hội họa" lần thứ I thực sự sáng tạo cùng DSVH.

Qua lăng kính hội họa, công chúng dễ dàng chiêm ngưỡng toàn cảnh các DSVH tiêu biểu, như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), lăng vua Minh Mạng (Thừa Thiên Huế), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Tháp Bà Ponagar (Nha Trang), đền vua Đinh (Ninh Bình)... Những tác phẩm hội họa đã nêu bật nét văn hóa, phong tục, tập quán của người dân đất Việt được lưu truyền qua ngàn đời nay, như: Truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ, Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Cầu ngư, hát ca trù, hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế, nhuộm chàm...

Trong các tác phẩm đoạt giải và được triển lãm, nhiều tác phẩm có cách thể hiện độc đáo, sáng tạo. Có những tác phẩm sử dụng cách biểu đạt “tranh trong tranh” như bức “Cảm xúc” của tác giả Võ Tuấn. Bức “Hội làng” của tác giả Nguyễn Văn Chung sử dụng chất liệu tổng hợp, với các chi tiết được làm nổi 3D, cách sử dụng màu sắc cũng lạ mắt. Bức “Thêu váy mùa xuân” của tác giả trẻ Dương Đức Thịnh sử dụng chất liệu lụa, nhưng chi tiết chiếc vòng bạc nổi bật như chất liệu bạc thật trên tác phẩm. Tác phẩm “Lễ hội Lam Kinh” của tác giả Vũ Trọng Thành đoạt giải ba cuộc thi được thể hiện độc đáo, mới mẻ qua chất liệu sơn mài...

leftcenterrightdel
 Tranh sơn mài “Lễ hội Lam Kinh” của họa sĩ Vũ Trọng Thành.

Là người đoạt giải nhất cuộc thi với tác phẩm “Nghìn xưa lưu dấu”, tác giả Lê Thị Thanh ấn tượng nhất với tác phẩm “Tiên nữ-cánh diều và mái đình” của họa sĩ Phạm Hùng Anh, hướng về chủ đề di sản kiến trúc đình làng ở vùng Bắc Bộ. Từ các hộp nhựa sử dụng một lần, tác giả Phạm Hùng Anh đã dùng làm chất liệu cho tác phẩm của mình, tái chế các vật dụng vốn bỏ đi thành những thứ có ích.

Tác phẩm gồm 22 bản in được khắc bằng cao su có các hình vẽ về tiên nữ và những nhân vật trong điêu khắc đình làng. Mỗi bản in được cho vào hộp tái chế, tạo thành các hộp mô-đun ghép thành một bức tranh, sau đó kết hợp với ánh sáng đèn LED 3V từ trong mỗi mô-đun để tạo hiệu ứng thị giác. Sự sáng tạo nằm ở chỗ tác phẩm không chỉ gây ấn tượng về thị giác mà còn về kết cấu linh hoạt. Khi người xem chạm tay xoay nhẹ hộp chứa bản in, màu sắc và hình ảnh lần lượt thay đổi.

Thành công nhất của cuộc thi và triển lãm vẽ tranh DSVH là sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa thông qua DSVH cả vật thể và phi vật thể của nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam. Cuộc thi mang một thông điệp quan trọng là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong định hướng, chính sách phát triển văn hóa, bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Cuộc thi cho thấy, văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển và không ngừng trân trọng những DSVH của quá khứ; quá trình bảo tồn và phát huy giá trị DSVH cần được nhân rộng qua các hình thức mới. Không chỉ hội họa, các lĩnh vực đều có thể sáng tạo cùng di sản.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi vẽ tranh "DSVH Việt Nam qua hội họa" lần thứ I nhận định: “Từ số lượng, kích thước, chất lượng tác phẩm và sự đa dạng về nội dung chủ đề các tác giả đưa ra, chúng ta có thể thấy ngay sự thành công của cuộc thi. Hội đồng giám khảo đã rất khó khăn để lựa chọn những tác phẩm vào vòng chung khảo và chọn ra các tác phẩm xuất sắc để trao giải.

Trong đó, các loại hình nghệ thuật tranh đồ họa đã thành công hơn cả trong cuộc thi này, bao gồm bút sắt, màu nước, khắc kim loại, khắc gỗ... Từ những thành công trên, chúng tôi tin tưởng cuộc thi sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của nhiều họa sĩ trẻ với các tác phẩm sáng tạo về hình thức, sâu sắc về tư tưởng, vững chắc về kỹ thuật và phong phú về nội dung”. 

Bài và ảnh: LINH TÂM