Nhà báo Thu Thương, tác giả kịch bản chuỗi chương trình “Trò chuyện cùng thời gian” trên sóng HTV9 của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) đã chia sẻ ý tưởng của ê kíp sản xuất chương trình âm nhạc mới, phục vụ khán giả. Nói mới, nhưng thực ra là cũ. Rất cũ! Bởi, chất liệu của chương trình là nghệ thuật truyền thống, được dẫn dắt thông qua âm nhạc và ký ức của những người trong cuộc. Số đầu tiên của chương trình có chủ đề “Ngày em đến” vừa được phát sóng trên HTV9 lúc 21 giờ ngày 8-3 và phát lại trên các nền tảng số của HTV, cho thấy, tác giả kịch bản, đạo diễn và ê kíp thực hiện chương trình đã rất cố gắng, sáng tạo để những cuộc trò chuyện cùng thời gian có thể chạm đến trái tim khán giả.
Âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của chúng ta vô cùng phong phú, đa dạng, vừa đậm chất hàn lâm, vừa dân dã, bình dị, thân quen như khí thở, cơm ăn, nước uống, áo mặc... hằng ngày. Để đưa âm nhạc truyền thống đến với công chúng, các nhà sản xuất, đài truyền hình, nền tảng số... đã có rất nhiều cách. Và cũng rất nhiều chương trình đã được công chúng đón nhận, tạo sức sống hấp dẫn, lâu bền trong môi trường nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng có không ít chương trình không đủ sức đi trọn con đường như mong đợi. Đặc biệt, trong môi trường truyền thông bùng nổ các sản phẩm giải trí hiện nay, thách thức cho những người lựa chọn lối đi thiên về “sống chậm” là không hề nhỏ...
Di sản văn hóa truyền thống, trong đó âm nhạc là một trong những loại hình chủ lực, như suối nguồn vô tận, càng chảy càng đầy, càng đi sâu vào khai thác càng thấy mênh mông. Giữa đại dương bao la ấy, mỗi chương trình giống như một con tàu đi tìm luồng cá. Lựa hướng đi, chọn thời điểm, thời tiết, chọn bạn đồng hành, dự báo luồng lạch... thế nào để vào trúng luồng cá mình mong đợi là một bài toán khó, một cuộc hành trình gian nan mà đôi khi, người ta chỉ biết điểm xuất phát mà không thể nào quyết định được đích đến. Nhà báo Bửu Chi, Phó tổng giám đốc HTV nói rằng, sau khi ra mắt khán giả số đầu tiên của “Trò chuyện cùng thời gian”, HTV rất mong muốn nhận được phản hồi từ khán giả, những góp ý của giới chuyên môn, để những số sau, mỗi số một chủ đề, một câu chuyện, sẽ hấp dẫn hơn, hoàn thiện hơn, nhận được sự yêu thích, đồng hành của khán giả nhiều hơn...
|
|
Nghệ sĩ Cẩm Vân giao lưu với khán giả trong số 1 của chương trình “Trò chuyện cùng thời gian”. Ảnh do HTV cung cấp
|
Là những người được mời đến Nhà hát HTV quay số đầu tiên với chủ đề “Ngày em đến”, chúng tôi thực sự cảm phục nhiệt huyết, sức lao động của các đồng nghiệp. Từ kết cấu chương trình, xây dựng câu chuyện, thiết kế sân khấu... đến những màn tương tác với khán giả, cho thấy rất rõ ý tưởng, ý đồ nghệ thuật. Chương trình “Ngày em đến” xoay quanh câu chuyện về những “bóng hồng” trong sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng, như: “Diễm xưa”, “Sóng về đâu” của Trịnh Công Sơn; “Ngày em đến” của Từ Huy; “Một thoáng quê hương” của Thanh Tùng và Từ Huy; “Em về tinh khôi” của Quốc Bảo... Chương trình có sự góp mặt của các ca sĩ đã khẳng định tên tuổi trong dòng nhạc truyền thống-dân tộc, như: Cẩm Vân, Trần Minh Dũng, Khắc Minh... cùng một số nhà văn tại TP Hồ Chí Minh.
“Ngày em đến” đánh thức những miền ký ức êm đẹp, ngọt ngào, sâu lắng; có cả vui buồn, hờn giận; có cả tiếc nuối, âu lo; có cả những điều “giá như” khi nhớ về những chuyện đã qua, về những miền đã xa...
Bất cứ ai trong cuộc đời cũng đều gắn với một người phụ nữ. Đó chính là “bóng hồng” của đời ta. Người đó là bà ta, là mẹ ta, là vợ ta, chị, em gái ta, người yêu của ta và con gái ta... Họ là đề tài, là nguồn cảm hứng, là chất liệu để các nhạc sĩ sáng tác nên những ca khúc sống mãi với thời gian. Khi âm nhạc tìm đến hay khi ta tìm đến với âm nhạc, miền tình cảm thiêng liêng ấy được đánh thức, bừng dậy, làm cho ta yêu cuộc đời này hơn, sống tốt hơn. Hòa mình trong không gian nghệ thuật ấy cũng chính là lúc khán giả thực sự “sống chậm” để cùng trò chuyện với thời gian.
Trong câu chuyện ấy, chương trình đã nói giùm ta những điều ta có trong lòng, ta nghĩ trong đầu, ta cảm trong tim... nhưng, ta không nói ra được. Nghệ thuật là thế! “Trò chuyện cùng thời gian” là thế! Khi ta đắm mình trong không gian ấy, trong câu chuyện ấy, ta được gặp lại chính mình của những ngày đã qua, của một thời đã xa. Đó là lúc thời gian lên tiếng. Thời gian đang nói những gì, nói bằng giọng điệu và thái độ ra sao, tùy thuộc vào miền ký ức của mỗi người. Thời gian giúp ta đánh thức những miền xa thẳm ngỡ đã phủ màu xanh rêu, để từ đó ta có những ban mai sáng hơn, có nguồn năng lượng mới tràn trề hơn, giúp ta vững bước tiếp cuộc hành trình cùng thời gian phía trước...
Chọn lối đi giữa chung và riêng, giữa nghệ thuật và đời sống thực tế còn nặng nỗi lo cơm áo, giữa những người nổi tiếng với khán giả thân quen... “Trò chuyện cùng thời gian” đóng vai trò như một chuyến xe khách, một toa tàu hành trình về quê hương. Ở trên đó, từ người dẫn chuyện đến khách mời và khán giả đều là những hành khách. Những sự khác biệt về ví tiền, túi hành lý, trang phục, hoàn cảnh xuất thân, điều kiện cuộc sống... không còn quan trọng nữa.
Điều quan trọng nhất và tuyệt vời nhất là tất cả đều có chung một miền xứ sở. Ở đó có đồng lúa, nương dâu, hình sông, dáng núi; có cái cò cái vạc cái nông; có góc phố thân quen với ly chè kem mát lạnh suốt tuổi học trò; có tà áo ai bay bay trong gió dịu dàng; có mưa bay trên tầng tháp cổ; có cái nắm tay vụng về và giây phút ngập ngừng trao gửi yêu thương... Bạn muốn bắt chuyện không? Tôi nói được không? Đừng lo! Thời gian sẽ nói giùm tất cả...
Những số tới, khi chuyến xe, con tàu dần rút ngắn khoảng cách về miền dấu yêu, những câu chuyện sẽ gần hơn với đời sống thực tại. Nhà báo Thu Thương cho biết, thời gian tới, “Trò chuyện cùng thời gian” sẽ là miền ký ức dành riêng cho Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh. Hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải, “Trò chuyện cùng thời gian” sẽ đi cùng mạch nguồn của dòng thời sự chủ lưu ấy. Đó là những ký ức về thành phố của mình, về những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; về những dòng sông, góc phố, con đường có lá me bay; về những xúc cảm ân nghĩa của thành phố thân yêu đang trong cuộc hành trình hướng đến văn minh, hiện đại, nghĩa tình... Khán giả sẽ tiếp tục cùng các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo quen thuộc của TP Hồ Chí Minh “Trò chuyện cùng thời gian” để cảm thấu những ký ức của riêng mình và cùng mở ra cánh cửa tương lai tràn đầy niềm tin, hy vọng...
Thời gian đang nói những gì? Chỉ khi ta lắng nghe và trò chuyện, thời gian sẽ kể cho ta những câu chuyện mà ta mong muốn...
Talk show âm nhạc “Trò chuyện cùng thời gian” phát sóng định kỳ vào 21 giờ ngày thứ sáu, tuần thứ hai hằng tháng trên HTV9.
NGÂN SƠN