Từ hội thảo về công nghiệp điện ảnh

Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì điện ảnh được xem là một ngành mũi nhọn để tập trung phát triển vì có sẵn lợi thế và tiềm năng. Do vậy, ngoài việc giao lưu, gặp gỡ giữa các nghệ sĩ, giữa đoàn làm phim với khán giả và hoạt động của các ban giám khảo chấm giải, thì còn có hoạt động chuyên môn trong khuôn khổ LHP là các hội thảo về công nghiệp điện ảnh.

Tại LHP lần này, có hơn 400 đại biểu đã tham dự hai hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” và “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”. Gần 30 tham luận đã được trình bày tại hội thảo, ngoài ra còn có các ý kiến đóng góp trực tiếp. Những đóng góp này khá đa dạng trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề đào tạo con người cho nền công nghiệp điện ảnh, đến vai trò của truyền thông trong xây dựng công nghiệp văn hóa-điện ảnh ở Việt Nam; từ thu hút vốn đầu tư của nước ngoài đến công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại; từ thu hút du lịch bằng điện ảnh đến những giải pháp bảo hộ bản quyền... Bên cạnh một số ý kiến còn chung chung, một chiều, thì có nhiều đóng góp mang tính thiết thực, có thể áp dụng vào cho thực tiễn của nền điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, từ những vấn đề mang tính chất lý thuyết, định hướng, cho đến việc đưa vào thực tiễn như thế nào là một chặng đường dài. Hai hội thảo chuyên môn tại LHP Việt Nam lần thứ 23 đã tập trung vào chủ đề chính là điện ảnh với tư cách một ngành quan trọng của công nghiệp văn hóa. Mặt khác, những người quan tâm đến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam không thể không đặt câu hỏi: Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã được phê duyệt từ tháng 9-2016, đến thời điểm hiện tại, mới tổ chức những hội thảo chuyên môn trong khuôn khổ LHP thì liệu có chậm trễ không? Tại sao những LHP trước đó không có những hội thảo tập trung vào chiến lược này? Nguyên nhân do đâu? Thời điểm năm 2030 không còn xa, liệu điện ảnh Việt Nam có kịp chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó và công chúng kỳ vọng hay không?

leftcenterrightdel
Đại diện Điện ảnh Quân đội nhân dân nhận giải thưởng Bông sen vàng hạng mục phim khoa học. Ảnh: ĐÌNH ĐÔNG 

Cần hơn cả việc tôn vinh

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 là: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội...”. Đây cũng là định hướng phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam. Soi chiếu vào đó thì những bộ phim đoạt giải Bông sen vàng, Bông sen bạc cũng như những hoạt động của LHP Việt Nam lần thứ 23 đều thể hiện rõ nét những nỗ lực của điện ảnh Việt Nam hướng đến việc tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, ca ngợi tinh thần yêu nước, tự cường, góp phần quảng bá du lịch qua điện ảnh... Đây là những yếu tố cần có để đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa.

Bộ phim truyện “Tro tàn rực rỡ” thắng lớn với 5 giải thưởng quan trọng, trong đó có giải Bông sen vàng hạng mục phim truyện. Ngoài ra các bộ phim “Mẹ ơi, Bướm đây!”; “Em và Trịnh”; “Đào, phở và piano” giành Bông sen bạc. Những bộ phim này được đánh giá cao ở chỗ đã khai thác được vẻ đẹp của đời sống con người Việt Nam, bối cảnh Việt Nam với những nét văn hóa dân tộc mang đậm bản sắc Việt.

“Tro tàn rực rỡ” là bộ phim về số phận, tâm tư, tình cảm, khát vọng của những người phụ nữ lồng ghép với bối cảnh miền Tây sông nước. “Mẹ ơi, Bướm đây!” là câu chuyện về tình mẫu tử giàu chất nhân văn thông qua câu chuyện của một người mẹ khuyết tật. “Em và Trịnh” khắc họa chân dung một huyền thoại âm nhạc của Việt Nam. “Đào, phở và piano” nói về những ngày đêm kháng chiến của quân và dân Thủ đô năm 1946. Ngoài việc đạt đến một chất lượng nghệ thuật đủ để lọt vào “con mắt xanh” của ban giám khảo, thì xét theo tiêu chí của khẩu hiệu LHP lần này, những bộ phim ấy đều đạt chuẩn. Bản thân bộ phim “Tro tàn rực rỡ” cũng được thế giới biết đến với giải thưởng Khinh khí cầu vàng ở LHP 3 châu lục tại Nantes (Pháp) năm 2022.

Ở thể loại phim tài liệu, bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” nói về tập tục “bắt vợ” của người Mông của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm từng lọt vào danh sách 15 phim tài liệu vòng cuối của giải Oscar năm 2022 cùng một loạt các giải thưởng quốc tế khác, cho thấy rằng với chủ đề về bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh con người Việt Nam, nhưng với phong cách làm phim tiếp cận với thể loại điện ảnh tài liệu của thế giới, thì sự thành công trên bình diện quốc tế là điều khả thi. Bản thân bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” cũng trở thành một hiện tượng đối với khán giả Việt Nam khi thu hút được một lượng lớn người xem tới rạp và tại LHP quốc tế Hà Nội năm 2022.

Từ đó có thể thấy công thức chung để thành công của điện ảnh Việt Nam vẫn là tập trung vào những chủ đề tôn vinh bản sắc dân tộc, văn hóa, con người Việt, nhưng đồng thời cũng phải tiệm cận với cách làm phim của thế giới với tư duy hiện đại và kỹ thuật tiên tiến. Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa đủ, vì đó mới chỉ là sự ghi nhận của giới chuyên môn thông qua LHP cùng với dư luận đánh giá của báo chí, truyền thông.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề ra chỉ tiêu đến năm 2030 thì ngành điện ảnh đạt doanh thu 250 triệu USD, tương đương hơn 6.000 tỷ VND và các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% GDP cả nước. Trong phần nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược cũng nêu rõ: “Xây dựng và phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, đồng thời có tính thương mại cao, tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”. Nếu xét toàn diện từ các khía cạnh, thì rõ ràng, kết quả LHP lần này chưa đáp ứng được hết những yêu cầu để phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Theo đơn vị quan sát phòng vé độc lập (The Box Offfice Vietnam) thì ở thời điểm hiện tại, doanh thu bộ phim “Tro tàn rực rỡ” mới khoảng 4,1 tỷ đồng. Bộ phim “Mẹ ơi, Bướm đây!” và “Đào, phở và piano” chưa ra rạp và mới chỉ được chiếu giới thiệu trong Tuần phim “Chào mừng LHP Việt Nam lần thứ 23”. Doanh thu của phim “Em và Trịnh” khả quan hơn cả với 100 tỷ đồng, nhưng lại vướng những lùm xùm tranh cãi và kiện tụng của cá nhân nguyên mẫu.

Vấn đề đặt ra ở đây là có những bộ phim có chất lượng nghệ thuật tốt, nhưng doanh thu phòng vé thấp, hoặc thậm chí công chúng chưa được xem, liệu có đáp ứng được tiêu chí của công nghiệp văn hóa về mục tiêu thương mại? Dĩ nhiên một LHP là nơi mà có nhiều khuynh hướng làm phim cùng thi thố, vậy làm thế nào để dung hòa được cả hai phương diện thương mại và nghệ thuật? Và những bộ phim không ăn khách nhưng được giải, thì đời sống của chúng ở hậu LHP sẽ ra sao? Công chúng có nhắc đến nữa hay đi vào quên lãng?

Mặt khác, ngoài sự nổi trội của bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương”, công chúng không được biết mấy đến những bộ phim tài liệu khác cũng đoạt giải. Ở thể loại phim khoa học và phim hoạt hình cũng vậy, trong khi lượng công chúng của những thể loại phim này là có và họ cũng có nhu cầu xem, nhưng thông tin về các bộ phim hết sức mờ nhạt. Sự “nhất bên trọng, nhất bên khinh” với các thể loại phim cũng là một rào cản cho phát triển đồng đều của điện ảnh Việt Nam.

Nên chăng cần có những biện pháp thiết thực ngay sau LHP Việt Nam lần thứ 23 để quảng bá cho những bộ phim có giải trong mọi thể loại, không chỉ riêng gì phim truyện, trong đó chú trọng khâu phát hành và tái phát hành để phim được tiếp tục đến với công chúng. Cần nghĩ đến và tổ chức những hoạt động hậu LHP, thông qua các tuần lễ phim, các hoạt động giao lưu, quảng bá... Như vậy mới là việc làm thiết thực nhất để tránh tình trạng phim làm xong, đi nhận giải, cất vào kho và công chúng thì không được biết đến những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Và có như vậy thì mục tiêu biến điện ảnh thành ngành mũi nhọn, bảo đảm được cả tính nghệ thuật và thương mại, trong công nghiệp văn hóa Việt Nam mới mang tính khả thi.

TS HÀ THANH VÂN