Họ cho rằng: Văn hóa thống trị thông qua các hàng hóa được sản xuất bởi công nghiệp văn hóa và các hàng hóa này trong khi nhằm đến mục đích là những hàng hóa mang tính dân chủ, cá nhân và đa dạng hóa, trên thực tế lại có tính chuyên chế, hòa đồng và tiêu chuẩn cao... Chữ “công nghiệp” không nhằm chỉ quá trình sản xuất mà chỉ sự tiêu chuẩn hóa các sản phẩm cũng như hợp lý hóa kỹ thuật liên quan đến việc cung ứng, phân phối sản phẩm.
Đến năm 1982, UNESCO đưa ra khái niệm: “Công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”. Trong những tài liệu gần đây của UNESCO, công nghiệp văn hóa là những ngành sản xuất ra các sản phẩm hữu hình hoặc vô hình mang tính nghệ thuật, sáng tạo và có tiềm năng tạo ra thu nhập, của cải thông qua việc khai thác các tài sản văn hóa, sản xuất hàng hóa, dịch vụ dựa trên tri thức (cả truyền thống và đương đại). Như vậy, có nhiều cách hiểu về công nghiệp văn hóa, nhưng điểm chung gồm những ngành sản xuất và phân phối một cách thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa văn hóa, xã hội.
|
|
Không gian văn hóa ở phố đi bộ Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NHỊ HÀ |
Theo cuốn “Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2016, trang 73, thì công nghiệp văn hóa là một bộ phận của công nghiệp sáng tạo; là ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cao trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước, nước ngoài. Công nghiệp văn hóa là quá trình kết hợp sự sáng tạo, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo nguyên tắc, quy trình công nghiệp với những nội dung, giá trị văn hóa được bảo vệ bởi luật sở hữu trí tuệ, luật bản quyền nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ, rộng rãi những nhu cầu tinh thần của con người, cộng đồng.
Công nghiệp văn hóa có phạm vi bao quát rộng, gồm nhiều ngành nghề. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa từ sớm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
VĂN TUẤN