Theo cuốn sách “Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2016, trang 15, “An ninh phi truyền thống” là một loại hình an ninh xuyên quốc gia do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi nước, khu vực và toàn cầu.
Nội dung của an ninh phi truyền thống là những vấn đề bức thiết đang nổi lên hiện nay như: Cạn kiệt tài nguyên, bùng nổ dân số, môi trường sinh thái suy kiệt, xung đột tôn giáo, dân tộc, đói nghèo, dịch bệnh... An ninh phi truyền thống ngày càng có biểu hiện sâu đậm trong đời sống quốc tế và trở thành vấn đề toàn cầu, an ninh toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa quốc tế càng phát triển thì an ninh phi truyền thống càng lan rộng và đậm nét hơn.
Hầu hết vấn đề của an ninh phi truyền thống là những vấn đề xuyên quốc gia, quốc tế, toàn cầu. Vậy nên giải quyết các nội dung đó phải là nhiệm vụ mang tính toàn cầu. Các nước trên thế giới đều nhận thức rõ điều đó, nên đã lập ra nhiều tổ chức, nhiều cơ quan chức năng mang tầm quốc tế hoặc của các khu vực để giải quyết. Khó nhất của việc giải quyết những vấn đề an ninh phi truyền thống chính là sự đồng thuận trong đóng góp các khoản chi phí, cũng như lợi ích mà mỗi quốc gia đạt được.
Ở nước ta, việc phối hợp với quốc tế để giải quyết một số vấn đề an ninh phi truyền thống được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Trong phạm vi quốc gia, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3-6-2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây chính là động thái thiết thực nhất đối với việc xử lý vấn đề thuộc an ninh phi truyền thống.
VĂN TUẤN