Theo Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), chiến tranh nhân dân là chiến tranh chính nghĩa do quần chúng nhân dân tiến hành, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của giai cấp cách mạng hoặc lực lượng xã hội tiến bộ bằng mọi loại vũ khí (thô sơ, hiện đại), tiến hành dưới nhiều hình thức để chống xâm lược hoặc ách áp bức thống trị trong nước. Mục đích chính trị của chiến tranh nhân dân càng triệt để, sự lãnh đạo càng đúng đắn thì lực lượng tham gia càng đông đảo, mạnh mẽ. Sức mạnh và nghệ thuật của chiến tranh nhân dân tạo điều kiện cho các dân tộc nhỏ có thể đánh thắng những kẻ thù xâm lược có quân đội đông và mạnh hơn.

Ở Việt Nam, truyền thống tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước đã hình thành từ rất sớm.

Các cuộc khởi nghĩa: Hai Bà Trưng (năm 40-43), Lý Bí (năm 542-544), Mai Thúc Loan (năm 722), Phùng Hưng (năm 767-791)... đều là chiến tranh nhân dân, chủ yếu mang tính tự phát. Các cuộc chiến tranh đời Trần, Lê... là các cuộc chiến tranh nhân dân do giai cấp phong kiến lãnh đạo. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống Pháp, chiến tranh nhân dân đã có sự phát triển nhảy vọt về chất, không chỉ về đường lối mà còn trong bối cảnh thế giới đã thay đổi toàn diện so với các cuộc kháng chiến trước. Chiến tranh nhân dân không chỉ gói gọn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn phải tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế và người dân ngay tại chính quốc của đối phương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lý luận chiến tranh nhân dân đã định hình rõ nét, phát huy tác dụng to lớn. Nhân dân cả nước không chỉ đóng góp sức người, sức của cho hoạt động chiến đấu của các lực lượng vũ trang, mà còn trực tiếp tham gia chiến tranh.

VĂN TUẤN