Theo "Từ điển tiếng Việt" (Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 1255), “tiêu thổ” là phá dỡ nhà cửa, phá hoại vườn tược, không để cho đối phương có thể sử dụng (một chiến thuật rút lui để phòng ngự trong kháng chiến chống xâm lược).

Theo "Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam" (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), “tiêu thổ kháng chiến” là hành động của phía tiến hành kháng chiến tự triệt phá nhà cửa, ruộng vườn, hệ thống giao thông, công trình kiên cố, kho tàng, cơ sở sản xuất không di chuyển được... nhằm ngăn chặn bước tiến của địch, không cho địch sử dụng khi chiếm đóng.

Hoạt động tiêu thổ sẽ được tiến hành khác nhau tùy thuộc vào tính chất giữa các đối tượng của chiến tranh, mục đích tấn công hay phòng vệ và giữa vùng lãnh thổ của các quốc gia trong cuộc chiến tranh. Thông thường, quốc gia bị xâm lược yếu thế buộc phải rút quân, thực hiện tiêu thổ trên lãnh thổ của mình. Còn đối với quân xâm lược, tiến quân trên lãnh thổ nước khác nên sẽ tiến hành tiêu thổ nếu như tình thế bất lợi buộc phải rút lui; tàn phá mọi thứ không để cho quân đội nước sở tại có thể quay lại sử dụng. Cũng có khi, quân đội tấn công sẽ phá hủy mọi thứ trên bước đường hành quân, trong giai đoạn tấn công, mà không cần chiếm dụng bất cứ thứ gì. Đây là một hình thức khủng bố đất nước bị xâm lược.

leftcenterrightdel

Hiện trường thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến” năm 1946 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu  

Ở Việt Nam, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, “tiêu thổ kháng chiến” được thực hiện trên quy mô cả nước. Tại Thủ đô Hà Nội, bộ đội, tự vệ và nhân dân các khu phố nội thành đã đào hầm hào, đục thông các nhà trong dãy phố, cưa cây, hạ cột điện. Khi chiến sự nổ ra, các chiến lũy được dựng lên trên đường phố bằng những toa xe điện, bao cát, giường ngủ, bàn ghế, đồ đạc để ngăn chặn địch.

Ở ngoại thành, nông dân thực hiện “vườn không nhà trống” đề phòng địch đánh nống ra. Các địa phương như: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng... cũng triệt để thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến”, cất giấu, phân tán tài sản, lập kho dự trữ lương thực, thực phẩm; đắp ụ đất, dựng chướng ngại vật trên các tuyến giao thông chính, nhất là các quốc lộ; làm kè ngang sông, ngăn cản hoạt động của tàu, ca nô địch nhằm ngăn chặn, cản trở bước tiến của giặc... Tiêu thổ là chiến lược đối phó chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

PHẠM TUẤN