Theo “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 1223, “thuở” là khoảng thời gian không xác định đã lùi xa vào quá khứ, hoặc đôi khi thuộc về tương lai. Trang 1209, “thời” là khoảng thời gian dài được xác định một cách đại khái về mặt có những đặc điểm lớn nào đó; khoảng thời gian thuận lợi hoặc thích hợp để làm một việc gì đó. Như vậy, ở lớp nghĩa thứ nhất, “ăn theo thuở” là khuyên răn mỗi người ăn uống, sinh hoạt phải có thời điểm, phải biết lựa chọn lúc thích hợp, không phải lúc nào cũng có thể ăn được, mà phải biết tiết chế. Còn “ở theo thời” nghĩa là ở nơi nào cũng vậy, cần biết sống đúng lúc, đúng chỗ và biết lúc nào thì nên ở yên ổn, lúc nào thì cần phải ra đi.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Dùng hình ảnh từ cách ăn, cách ở, câu tục ngữ muốn gửi gắm dụng ý sâu xa hơn. Trong cuộc sống, mỗi con người đều phải rèn luyện cho bản thân sự thích nghi linh hoạt. Nên điều chỉnh cách sống, cách ứng xử, quan điểm sống cho phù hợp với những thay đổi của xã hội, thời đại; không nên cứng nhắc, bảo thủ mà phải biết tiếp thu cái mới, thích nghi để hòa nhập và phát triển. Đây là một kỹ năng sống quan trọng giúp con người tồn tại và thành công trong một thế giới không ngừng thay đổi.

Người biết thích nghi sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội. Đồng thời, câu tục ngữ cũng nhắc nhở không nên cố chấp giữ những quan điểm, lối sống lỗi thời khi hoàn cảnh đã thay đổi. Sự thích nghi giúp con người biết cân bằng giữa mong muốn cá nhân và điều kiện thực tế, giữa truyền thống và sự đổi mới.

"Ăn theo thuở, ở theo thời" là lời khuyên về sự khôn ngoan trong cuộc sống, khuyến khích con người biết điều chỉnh bản thân, hòa nhập với môi trường và thời đại để có thể sống một cách tốt nhất và đạt được thành công.

VĂN TUẤN