Theo “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 1080, “sâu” nghĩa là có khoảng cách bao nhiêu đó tính từ miệng hoặc bề mặt đáy; có độ sâu lớn hơn mức thường hoặc lớn hơn so với những vật tương tự; có chỗ tận cùng bên trong cách xa miệng hoặc xa mặt ngoài; có tính chất đi vào phía bên trong của sự vật, phía những cái phức tạp, thuộc về nội dung cơ bản, về bản chất; đạt đến độ cao nhất của một trạng thái nào đó. Trang 279, “cúi” nghĩa là hạ thấp đầu hoặc thân mình xuống về phía trước.

Quan sát tự nhiên, những dòng sông sâu trên bề mặt thường êm đềm, bình lặng và ít gợn sóng. Bởi, lượng nước ở đáy sông luôn chịu một áp lực lớn từ toàn bộ khối lượng nước phía trên. Áp lực này, cùng với ma sát giữa nước và đáy sông, làm giảm tốc độ dòng chảy ở các lớp nước sâu.

Còn với cây lúa, khi non hoặc trong giai đoạn trổ đòng (ra bông), các hạt gạo bên trong chưa hình thành hoặc còn rất nhỏ, lép. Lúc này, bông lúa nhẹ, thân cây còn thẳng và cứng cáp nên bông lúa thường vươn cao đón nắng và gió. Khi lúa bắt đầu làm đòng và vào giai đoạn chín sữa (hạt gạo bắt đầu hình thành và chứa dịch lỏng màu trắng như sữa), các hạt gạo tích lũy tinh bột, dần đầy đặn, chắc mẩy. Trọng lượng của hạt gạo trên mỗi bông lúa trở nên lớn hơn. Dưới tác động của trọng lực, những bông lúa chín vàng óng sẽ từ từ cong xuống, cúi đầu, tạo thành hình vòng cung đẹp mắt.

Từ thực tế đó, ở tầng nghĩa sâu xa, câu thành ngữ răn dạy rằng, những người thực sự có tài năng, có kiến thức sâu rộng thì thường khiêm tốn, ít nói, không thích khoe khoang hay thể hiện ra bên ngoài. Bởi, họ có nội lực vững vàng, trầm tĩnh, không bị những biến động nhỏ làm xao nhãng. Giống như dòng sông càng sâu càng chảy êm đềm, ít tiếng động. Còn người đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, có được thành tựu lớn, đã thực sự trưởng thành về nhân cách, lại càng khiêm nhường, giản dị. Thành công không phải là để khoe khoang mà là để đóng góp, và sự hiểu biết càng nhiều thì càng thấy mình còn nhỏ bé trước bao la tri thức.

Câu thành ngữ để lại bài học sâu sắc: Giá trị đích thực của một con người không nằm ở sự phô trương, ồn ào bên ngoài, mà ở tri thức, phẩm chất và kinh nghiệm được tích lũy bên trong. Người càng có năng lực, càng thành công thì lại càng cần phải khiêm tốn. Sự khiêm tốn thúc đẩy học hỏi không ngừng, nhận được sự tôn trọng và yêu mến từ mọi người. Vậy nên, mỗi người hãy nỗ lực học tập, rèn luyện để có được hiểu biết sâu rộng, uyên bác, và khi đạt được thành quả, hãy giữ lấy sự khiêm nhường, giản dị. Đó chính là con đường dẫn đến sự thành công bền vững và có được sự kính trọng từ mọi người.

VĂN TUẤN