Chỉ bằng câu nói ngắn gọn, sử dụng hình ảnh sự vật gần gũi, thân quen “chân”, “đá”, với phép ẩn dụ, ông cha ta muốn gửi gắm bài học sâu sắc. Ai cũng biết đá thì rất cứng, còn chân thì sẽ mềm. Tuy nhiên, hình ảnh ẩn dụ “chân cứng”, “đá mềm” dùng để nói lên có ý chí, sự quyết tâm thì khó khăn nào cũng vượt qua, đá có cứng thế nào thì cũng sẽ trở thành vật mềm dễ dàng vượt qua.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: ismartkids.vn 

 

“Chân” là một bộ phận của cơ thể gắn với sự di chuyển, đi lại. “Chân cứng” ẩn ý nói đến sức khỏe tốt, tinh thần cứng cỏi, khả năng chịu đựng cao, không bị suy sụp trước gian nan. Đó là nền tảng thể chất và tinh thần vững chắc.

“Đá” là vật thể cứng rắn tượng trưng cho những khó khăn, trở ngại, thử thách lớn lao, gai góc. Trong câu thành ngữ, "đá" cũng có thể là những trở ngại khách quan từ môi trường, cuộc sống, công việc. “Đá mềm” gửi gắm một thông điệp là mọi khó khăn, trở ngại dù lớn đến mấy (cứng như đá) cũng sẽ bị khuất phục, trở nên dễ dàng (mềm) trước ý chí kiên cường và nỗ lực bền bỉ của con người.

Không chỉ là lời động viên, câu thành ngữ còn nhắn gửi bài học quý giá. Dù đối mặt với thử thách, khó khăn lớn bao nhiêu, điều quan trọng nhất là phải có ý chí mạnh mẽ, không nao núng, không bỏ cuộc. Thành công không đến dễ dàng. Sự kiên trì, bền bỉ tích lũy từng chút một sẽ giúp chúng ta "mài mòn" những "tảng đá" khó khăn.

Cuộc sống luôn đầy rẫy thử thách. Chỉ có nỗ lực mới có thể thay đổi cuộc sống. Mỗi ngày cố gắng một ít, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và không ngừng học hỏi. Nhờ vậy, dần dần mới thoát khỏi nghịch cảnh và đạt được thành công.

Câu thành ngữ là một triết lý sống lạc quan và mạnh mẽ. Khẳng định sức mạnh nội tại của con người, đặc biệt là ý chí và sự kiên trì, có thể làm nên điều phi thường, biến những trở ngại thành những bước đệm để đi tới thành công.

Ở nước ta cũng có rất nhiều câu chuyện về những tấm gương vươn lên trong cuộc sống. Một người thầy mà bao nhiêu thế hệ kính trọng, ngưỡng mộ. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Ký. Tuy bị mất đôi tay từ thuở nhỏ nhưng không vì vậy mà thầy Ký bỏ đi đam mê được lên bục giảng. Bằng chính đôi bàn chân nhỏ bé, những nét chữ viết bằng chân ban đầu nguệch ngoạc dần trở nên đẹp đẽ. Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành một thầy giáo giỏi, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Cuộc đời của thầy Ký đã trở thành tấm gương sáng, truyền động lực cho các thế hệ mai sau học tập.

VĂN TUẤN