Sáng sớm, từ khắp các ngả đường, người dân nô nức kéo đến nhà văn hóa cộng đồng. Ai nấy đều xúng xính trong trang phục truyền thống. Buổi tuyên truyền bắt đầu diễn ra, mọi người khá lắng nghe nhưng vẻ mặt thì có hơi... mơ màng. Khoảng chừng mươi phút, Hùng chợt nhận ra, những điều khoản, điều luật khô khan, lý thuyết sẽ không thấm được vào suy nghĩ của bà con.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Sau một thoáng tư duy, Hùng dừng lại, nở nụ cười, nhẹ nhàng hỏi:

- Thưa bà con! Hôm nay, tôi không chỉ nói luật. Xin phép bà con, tôi sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện về... ngô được không ạ?

Cả nhà văn hóa xôn xao. Ngô? Pháp luật liên quan gì đến ngô?

- Bà con mình ai cũng trồng ngô đúng không?

Bà con đồng thanh:

- Đúng rồi! Trồng nhiều là đằng khác!

- Vậy tôi hỏi, cây ngô từ khi còn nhỏ, không chăm sóc tốt có cho ra được bắp không, hạt có chắc không ạ?

- Không chăm sóc tốt thì bắp nhỏ, hạt lép, thậm chí không có bắp.

Nghe mọi người vui vẻ bàn tán một chút. Hùng mới chậm rãi, ôn tồn:

- Cũng giống như con người mình vậy. Con gái, con trai khi còn quá nhỏ, chưa đủ lớn khôn, chưa hiểu hết mọi chuyện, đã vội vàng lấy vợ, lấy chồng. Thì cũng như cây ngô non vậy đó. Sức khỏe còn non nớt, hiểu biết chưa đủ, làm sao mà sinh con, nuôi con cái khỏe mạnh, làm sao mà dựng xây gia đình ấm no? Rồi khi gặp khó khăn lại không biết cách giải quyết, cứ như cây ngô yếu ớt, dễ đổ gãy giữa chừng.

Một vài người bắt đầu gật gù, ánh mắt dần hiểu ra.

- Bà con mình có ai khi thấy cây ngô vừa mới ra bắp non đã vội vàng thu hoạch không? Hùng lại hỏi.

Một thanh niên nhanh nhảu, bật cười:

- Không! Phải đợi bắp to, hạt chắc mẩy rồi mới thu hoạch chứ! Ai lại làm thế bao giờ!

- Vậy thì khi hạt ngô còn non đã vội vàng thu hoạch mang đi xay làm bột có được không? Hùng hỏi tiếp.

Một cụ già râu bạc, hóm hỉnh lên tiếng:

- Ối dào, hạt còn non, bé thì làm sao mà thu hoạch để xay bột? Mà cũng không ngon nữa!

Hùng gật đầu tán thành, vẻ mặt phấn khích:

- Đúng thế! Hạt ngô bé, còn non thì không thể xay ra bột. Cây ngô cũng cần có thời gian để lớn, để chín, để hạt căng mẩy. Con người mình cũng vậy. Cần có thời gian học cái chữ, học cái nghề, học cách làm người lớn. Chờ cho mình thật sự trưởng thành, thật sự vững vàng rồi mới lấy vợ, gả chồng. Như thế, gia đình mới hạnh phúc, con cái mới được nuôi dạy đủ đầy. Có đúng không bà con?

"Đúng rồi! Đúng quá rồi cán bộ ơi!". Tiếng của người dân vang lên khắp nhà văn hóa, kèm theo những tràng cười sảng khoái. Bà con dân bản, từ người già đến người trẻ, đều vỡ lẽ. Hình ảnh hạt ngô non, bắp ngô yếu ớt đã chạm đến những điều gần gũi, dễ hiểu nhất trong đời sống của họ.

Buổi tuyên truyền kết thúc trong tiếng cười nói rôm rả. Từ đó về sau, mỗi khi thấy có trường hợp tảo hôn manh nha xảy ra, bà con bản Nậm Na lại nhắc nhau:

- Đừng để hạt ngô non bị hái sớm! Hãy đợi bắp ngô thật to, thật chắc mẩy đã!

Sau buổi hôm đó, hình ảnh Trung úy Hùng và bài học về cây ngô thực sự gây ấn tượng với dân bản. Đó không chỉ là một buổi tuyên truyền pháp luật mà là câu chuyện giản dị, hài hước nhưng ý nghĩa, sâu sắc, gieo mầm nhận thức đúng đắn về pháp luật vào suy nghĩ chất phác của bà con Nậm Na.

Truyện vui của PHÙNG HẢI