Hôm nay là một ngày bão giông trong đời lính của tôi. Binh nhất Nguyễn Văn Hưng, chuyên gia lăn lê bò trườn trên thao trường, trinh sát viên tinh tường khá nổi tiếng, bỗng dưng nhận lệnh... tăng cường nhà bếp! Đúng vào ngày nghỉ cuối tuần nữa chứ! Tôi đứng nghiêm nhận lệnh từ Trung đội trưởng Thanh mà lòng thầm nghĩ: "Thôi rồi, từ chuyên gia thao trường chuyển sang nấu nướng thì mất hết cả phong độ!".

leftcenterrightdel
 Minh họa: MẠNH TIẾN

Vào đến nhà bếp, tôi mới thấy nỗi sợ lớn nhất của mình không phải là bài tập thể lực hay chạy bền, mà chính là... cái soong nấu cơm khổng lồ. Nó to đến nỗi tôi có cảm giác mình sắp bị "nuốt chửng" luôn. Thượng sĩ Sơn, phụ trách đội phục vụ tăng cường nhà bếp hôm đó, nhìn tôi cười đầy ẩn ý: "Hưng à, hôm nay cậu được thử lửa nhé! Nấu cơm cho cả đại đội đấy!".

Tôi toát mồ hôi hột. Bình thường ở nhà, tôi chỉ biết ăn chứ chưa bao giờ chạm tay vào cái nồi cơm to hơn cả cái thùng như vậy. "Thủ trưởng ơi... đong gạo thế nào ạ? Rồi vo gạo sao cho sạch?", tôi hỏi, giọng run run.

Thượng sĩ Sơn chỉ vào một cái xô to tướng: "Cứ đong chừng đó là vừa. Còn vo thì... cứ cho nước vào, đảo đều tay, thấy nước trong là được!".  

Tôi lóng ngóng múc gạo. Vừa đong vừa sợ gạo rơi vãi ra sàn. Đến đoạn vo gạo, tôi hồi hộp, lo lắng quá, chà xát mạnh tay đến nỗi nước bắn tung tóe lên cả mặt, trông không khác gì vầy nước. Vo đi vo lại cả chục bận, tôi vẫn lo chưa sạch. Thượng sĩ Sơn đi qua, thấy cảnh tượng đó thì phá lên cười: "Thôi thôi Hưng ơi! Vo kiểu đó là gạo nát hết đấy! Vo quá nhiều, gạo cũng mất chất đó". Nghe những lời nhắc nhẹ nhàng đó, tôi khá ái ngại, chỉ biết gãi đầu cười trừ, đỏ mặt.

Đến lúc cho nước vào nồi, Thượng sĩ Sơn dặn: "Nhớ đổ theo mực nước quy định. Đừng đổ nhiều quá mà thành cháo, ít quá thì lại sống đó". Tôi cẩn thận đổ nước, rồi nhìn vào vạch trong nồi. Nhìn đi nhìn lại, vạch mờ mờ ảo ảo, tôi đành ước chừng, rồi tự nhủ: "Chắc là ổn rồi".

Nồi cơm bắt đầu sôi. Cả nhà bếp nghi ngút khói. Tôi cứ đứng canh chừng, sợ cơm sôi trào nước hay cháy. Đột nhiên, mùi khét khét thoang thoảng bay ra. Tôi hốt hoảng, vội vàng chạy lại, ngó vào nồi. Ôi thôi! Một lớp cơm cháy cạnh đã bắt đầu ngả vàng, có dấu hiệu... bén nhẹ!

"Cơm cháy rồi thủ trưởng ơi". Tôi kêu toáng lên.

Thượng sĩ Sơn điềm nhiên nhìn qua: "Bình tĩnh! Cơm bén chút mới thơm chứ! Mà đó là cậu đã giữ lửa khá ổn". Anh còn cười nắc nẻ.

Cuối cùng, đến khi bữa cơm được dọn ra. Anh em nhìn nhau cười khi thấy những xẻng cơm cuối nồi có lẫn những hạt "ngả màu" đặc trưng. Binh nhất Thắng, vốn hay trêu chọc tôi, nhấm nháp một miếng rồi tếu táo: "Báo cáo Binh nhất Hưng! Cơm hôm nay có vị lạ lắm ạ... vị của nỗ lực và khói bếp".

Cả đại đội được một trận cười nghiêng ngả. Tôi thì vừa ngượng vừa vui. Dù hơi non tay một tí, nhưng tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. Và quan trọng hơn, tôi đã hiểu, việc nấu một bữa cơm cho cả đơn vị rất cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ không kém gì việc tập luyện trên thao trường.

Thật thấm thía: "Rèn luyện trên thao trường vốn đã rất gian khó, nhưng thao trường nhà bếp cũng khó nhọc không kém! Tôi càng thêm trân trọng từng hạt cơm mình ăn, bởi, thấm đẫm mồ hôi, cả... khói bếp của những anh nuôi và những chiến sĩ như tôi".

Truyện vui của THANH TRÚC