Năm 2024, Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới ước tính, có tới hơn 80% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Đặc biệt, trong cơ cấu chi cho một chuyến du lịch, ngân sách dành cho ẩm thực trung bình ở mức 30%. Con số này mang nhiều ý nghĩa, thể hiện ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà đã dần trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch, chi phối mạnh mẽ tới quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách.

Một con số thống kê khác, theo Hội Lữ hành ẩm thực thế giới, có khoảng 25% du khách quan tâm đặc biệt đến ẩm thực du lịch. Điều này đồng nghĩa, 1/4 mục tiêu của các chuyến du lịch là ẩm thực.

leftcenterrightdel

 Ngành du lịch Việt Nam cần một nguồn nhân lực nghề bếp đạt tiêu chuẩn cao. Ảnh: NGỌC OANH

Tại Việt Nam, dù chưa có một con số thống kê hay ước tính cụ thể nhưng thực tế cho thấy, ẩm thực đang đóng góp một phần rất quan trọng trong công tác quảng bá du lịch và thu hút du khách quốc tế. Việc liên tục các món ăn như: Bánh mì, phở, bún chả, hủ tiếu, bún Huế... được các ấn phẩm lữ hành hàng đầu thế giới vinh danh đã khiến danh tiếng của du lịch Việt Nam ngày càng bay xa. Ẩm thực cũng đã và đang là một trải nghiệm thích thú với hầu hết du khách nước ngoài khi đến với Việt Nam.

Vai trò quan trọng của ẩm thực trong phát triển du lịch là điều đã được khẳng định. Thế nhưng, công tác đào tạo ngành này lại chưa tương xứng. Có thể dẫn một câu chuyện từng được lan truyền rộng rãi cách đây chưa lâu để nói về hoạt động đào tạo nghề bếp ở nước ta.

Chuyện là, trong một lần du ngoạn vùng sông nước Tây Nam Bộ, đầu bếp nổi tiếng thế giới người Anh Gordon Ramsay, người từng nhận 16 ngôi sao Michelin, được thưởng thức món hủ tiếu trên thuyền. Món ẩm thực dân dã của Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ tới mức vị đầu bếp danh tiếng kia đã đưa hủ tiếu thành đề tài cho các đầu bếp lọt vào tốp 5 trong chương trình Masterchef của Mỹ. Tuy nhiên, khi Gordon Ramsay hỏi về công thức nước dùng hủ tiếu, dì Hai, người chế biến, trả lời đơn giản: “Mình đi ăn, rồi tự mình học nấu thôi”.

Câu chuyện trên cũng là thực trạng của nghề bếp ở Việt Nam. Phần lớn các đầu bếp học nghề theo kiểu “cha truyền con nối” hoặc vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Theo một thống kê gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay sáp nhập với Bộ Tài chính), cả nước có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống từ quy mô nhỏ đến lớn bao gồm cả các cửa hàng thức ăn nhanh, quán cà phê, quán bar/pub. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trên tổng số lao động nghề bếp được đào tạo bài bản.

Theo TS Nguyễn Nhã, Trưởng đề án Bếp Việt, hiện một số trường đại học, cao đẳng đã mở các ngành đào tạo chính quy nghề bếp, song vẫn chưa có trường chuyên đào tạo đầu bếp chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế.

Ông Lý Sanh, Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn cho biết, nhiều đầu bếp có tay nghề cao nhưng lại hạn chế về kiến thức liên quan như chế biến, bảo quản thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm... Trong khi đó, nhiều đầu bếp có bằng cấp, có kiến thức nhưng nấu ăn không ngon.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê, Bộ Tài chính), số lượng nhà hàng và khách sạn tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 7% đến 10%, điều này tạo ra nhu cầu rất lớn đối với lao động trong nghề bếp. Trong khi đó, số liệu cho thấy, 60%-80% nhà hàng và khách sạn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nghề bếp, đặc biệt là lao động có trình độ cao.

Các chuyên gia đánh giá công tác đào tạo nghề bếp ở Việt Nam còn khá non trẻ và cơ hội việc làm trong nghề này đang rất rộng mở. Để có được nguồn nhân lực nghề bếp Việt đạt tiêu chuẩn cao, việc xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu là một đòi hỏi cấp thiết. Các chương trình đó cần bảo đảm cung cấp kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp một cách thích hợp, hiệu quả trong giảng dạy, hỗ trợ người học. Đối với Việt Nam, đất nước có một nền ẩm thực phong phú và độc đáo, cần đi sâu vào việc chuẩn hóa giới thiệu các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa Việt, bởi cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào tổng kết lý luận nghề bếp Việt. Trong khi đó, ẩm thực Việt Nam lấy tự nhiên làm gốc, rất đa dạng, vừa ngon vừa lành, lại rất tốt cho sức khỏe. Cùng đó, về phía bản thân người học-những đầu bếp tương lai, phải có niềm đam mê sáng tạo, sở trường, tổ chức quản lý, giỏi ngoại ngữ nếu muốn đạt chuẩn quốc tế và phải hiểu biết nền văn hóa ẩm thực Việt.

HOÀNG LONG