Sự thực thì bộ phim này được chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn quân đội Đỗ Bích Thúy.

Liên hệ với nhà văn Đỗ Bích Thúy, chị cho biết, sau thành công của phim “Chuyện của Pao” năm 2006, chính quyền địa phương đã xây dựng Làng văn hóa Lũng Cẩm trở thành địa chỉ du lịch. Lúc đầu, một tấm bảng giới thiệu về bộ phim đặt tại làng ghi rõ phim “Chuyện của Pao” được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Đỗ Bích Thủy, dẫu “sai sai” một chút nhưng chị vẫn chấp nhận bỏ qua. Giờ đây, Lũng Cẩm trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách, địa phương đầu tư nâng cấp làng văn hóa, làm lại bảng giới thiệu thì xóa luôn tên tác giả văn học-cội nguồn của bộ phim, dẫn đến cả hướng dẫn viên du lịch cũng nhầm lẫn về tác giả kịch bản “Chuyện của Pao”.

Lại nhớ, năm 2018, một nhà thơ và cũng là cựu chiến binh vô cùng bức xúc khi tên ông bị xóa khỏi bài thơ của... chính ông (đã đăng ký bản quyền). Bài thơ này khá nổi tiếng, được chính quyền địa phương cho tạc vào bia đá, đặt cạnh một con sông, cuối bài có khắc tên tác giả. Nhưng không hiểu vì sao chính quyền sở tại lại cho xóa tên tác giả. Nhiều du khách khi đến đây tham quan dòng sông lịch sử đều cảm thấy khó hiểu về sự việc này. Rất may, chính quyền địa phương sau đó đã lắng nghe dư luận, cho khôi phục tên tác giả của bài thơ.

Hiện nay, nhiều địa phương phát triển du lịch dựa vào mối liên quan đến các tác phẩm văn học-nghệ thuật nổi tiếng. Các văn nghệ sĩ đều vui lòng để địa phương khai thác giá trị tác phẩm mà hầu như không đòi hỏi quyền lợi. Tuy nhiên, sự vô tư đó của giới văn nghệ sĩ đã vô hình trung khiến bản quyền tác phẩm văn học-nghệ thuật bị xâm phạm.

Cả nước đang nỗ lực “kích cầu du lịch”, nhưng có lẽ cũng cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: Làm công nghiệp văn hóa rất cần có... văn hóa!

HỒNG NGUYÊN