Chuẩn bị giai đoạn hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh chiến dịch đề ra 3 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây là quan trọng nhất. Các đơn vị xây dựng hào trục bao quanh trận địa địch ở phân khu trung tâm và đường hào từ vị trí trú quân ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí mà ta định tiến công tiêu diệt địch. Các loại hào giao thông sâu 1,7m, rộng đáy 1,2m, đáy hào bộ binh rộng 0,5m. Lúc đầu ước tính đào khoảng 100km hào các loại, nhưng trong quá trình phát triển chiến đấu, bộ đội đã đào đến hơn 200km đường hào.
Để đạt kết quả đó, bộ đội ta đã lao động cật lực, đỉnh điểm là 18 giờ/ngày. Khi các đường hào đã vươn dài hàng chục ki-lô-mét trên cánh đồng Mường Thanh thì địch dùng pháo binh và không quân bắn phá ác liệt, đưa quân ra những trận địa gần để san lấp và gài mìn, ngăn quân ta đào tiếp. Từ đây mỗi mét đường hào phải đổi bằng mồ hôi, xương máu của bộ đội.
|
|
Minh họa Bài học về văn hóa phê bình ở Điện Biên. PHÙNG MINH
|
18 giờ ngày 30-3-1954, đợt tiến công thứ hai của chiến dịch bắt đầu. Tuy giành nhiều thắng lợi nhưng ta chưa hoàn toàn đánh chiếm được đồi A1 và C1, hai điểm cao có giá trị chiến thuật mà cả địch và ta đều cho là quan trọng nhất.
Chiến dịch phải kéo dài, máy bay địch tăng cường đánh phá các tuyến đường tiếp tế vận chuyển của ta. Mùa mưa đến sớm khiến việc bảo đảm gạo, đạn gặp khó khăn nghiêm trọng. Có hôm gạo nhập kho chiến dịch chưa đầy 1 tấn. Có khẩu pháo chỉ còn dăm ba quả đạn. Cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ ta sống trong chiến hào gặp muôn vàn khó khăn, khổ cực. Lúc này đã manh nha những biểu hiện tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, như ngại gian khổ, ngại thương vong, kém sâu sát đơn vị hoặc chủ quan khinh địch.
Để xốc lại tinh thần bộ đội, toàn mặt trận diễn ra đợt tự phê bình và phê bình, chống hữu khuynh. Sự kiện này được nhiều cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy kể lại trong các hồi ức chiến trường. Trong cuốn “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện”, Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nguyên trợ lý Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ kể lại: Đảng ủy chiến dịch đã báo cáo lên Ban Thường vụ Trung ương (nay là Bộ Chính trị) và đề nghị cho mở ngay tại mặt trận một đợt đấu tranh tự phê bình và phê bình. Hạ tuần tháng 4-1954, Đảng ủy chiến dịch triệu tập cán bộ chủ chốt ở các đơn vị và cơ quan từ cấp trung đoàn trở lên về Sở chỉ huy tại Mường Phăng để họp.
Tại hội nghị này, sau khi lãnh đạo các đơn vị và cơ quan tự kiểm điểm ưu, khuyết điểm của mình, sang ngày thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch đã kết luận hội nghị. Ở phần nói về khuyết điểm, Đại tướng đã phê bình nghiêm khắc nhiều tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ. Sau này, trong cuốn “Từ Đồng Quan đến Điện Biên”, Đại tướng Lê Trọng Tấn viết: “Trong hội nghị, Nguyễn Hữu An đã bị phê bình nghiêm khắc vì mở cửa đột phá chậm".
Cuối hội nghị này, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm phát biểu triển khai nhiệm vụ, yêu cầu các chỉ huy đại đoàn tự phê bình mình và cấp mình cho sâu sắc, thành khẩn, rồi mạnh dạn thẳng thắn phê bình đồng chí khác và cấp dưới, trên tinh thần thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau...
Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kể lại trong cuốn “Từ Đồng Quan đến Điện Biên”: “Chúng tôi, những cán bộ chỉ huy và cơ quan Bộ tư lệnh Đại đoàn cùng các cán bộ trung đoàn đã tổ chức triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị ngay tại chiến hào. Chúng tôi chân thành tự phê bình trong việc chỉ huy đánh vị trí 105 và trong việc chỉ đạo đào chiến hào đã không sâu sát, không kiểm tra, đôn đốc, không khẩn trương cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ... Sau đó, ngay trên các trận địa phòng ngự, trên các đài quan sát, trong các căn hầm, toàn Đại đoàn sinh hoạt liên hệ với yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt, nhìn lại những thành tích đã đạt được, tự phê bình và phê bình công khai những thiếu sót từ Bộ tư lệnh Đại đoàn cho đến người chiến sĩ. Cuộc sinh hoạt công khai, thẳng thắn và bình đẳng về chính trị đã thực sự mang lại sức chiến đấu mới cho Đại đoàn. Sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị đã triển khai sâu rộng cuộc đấu tranh chống hữu khuynh tiêu cực trên toàn mặt trận, từ trong Đảng ra ngoài Đảng, từ cấp trên xuống cấp dưới với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương”.
Nguyễn Dũng Chi, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 kể lại hồi ức: “Anh An, Trung đoàn trưởng khi kiểm tra trận địa, buộc lòng cách chức Đại đội trưởng Hướng về tội để lính Pháp chiếm mất đầu giao thông hào mà đội trưởng không dám dẫn tiểu đội phản kích chiếm lại”.
Trong cuốn sách: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, Thiếu tướng Lê Chưởng, nguyên Chính ủy Đại đoàn 304 viết: "Qua cuộc đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, cán bộ, chiến sĩ ta thấm nhuần sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng công sự. Sau mấy đợt chiến đấu, mọi người đều thấy rất rõ rằng: Địch mạnh hơn ta về pháo binh, xe tăng, máy bay, nhưng địch bị bao vây, phạm vi hoạt động ngày một bị thu hẹp lại... nếu ta biết lợi dụng công sự mà sát thương tiêu hao nhiều địch và “thắt cổ” địch bằng cách bóp chết việc tiếp tế bằng máy bay của chúng, từ đó là cách dồn địch vào chỗ vô cùng khốn quẫn”.
Trong cuốn “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện”, Đại tá Hoàng Minh Phương đánh giá: "Chỉ sau hơn một tuần lễ, toàn mặt trận như có một luồng sinh khí mới, một sức bật phi thường để vượt qua gian khổ hiểm nguy, tiến lên giành toàn thắng! Những tấm gương chiến đấu dũng cảm phi thường đã trở thành những hiện tượng bình thường và ngày càng phổ biến. Trong nhiều trận đánh, ở những giây phút hiểm nghèo, thường vang lên tiếng thét:
“Ai là đảng viên cộng sản! Hãy dũng cảm tiến lên!”.
“Ai là những người theo Đảng! Hãy dũng cảm tiến lên!”.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Chưa chiến dịch nào xuất hiện nhiều anh hùng, dũng sĩ, nhiều gương hy sinh cao cả như Chiến dịch Điện Biên Phủ!".
Đại tá Hoàng Minh Phương kết luận: Cuộc đấu tranh chống hữu khuynh tiêu cực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc tự phê bình và phê bình mẫu mực, một trong những cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ nghiêm túc nhất, có hiệu quả nhất trong lịch sử xây dựng và chiến đấu của Quân đội ta.
Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: Đây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên Mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của Quân đội ta.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không chỉ nhìn lại ý nghĩa của chiến thắng với thời đại, với quốc tế và với dân tộc ta mà còn nhìn lại những sáng tạo đạt đến nghệ thuật quân sự trong tổ chức tấn công tập đoàn cứ điểm. Việc chỉnh huấn, chống hữu khuynh, tự phê bình và phê bình ở mặt trận đã đạt đến đỉnh cao trong văn hóa chính trị. Vì thế, nghiên cứu, vận dụng bài học đó vào thực tiễn xây dựng Quân đội hiện đại hôm nay là hết sức cần thiết.
Cũng từ kinh nghiệm tự phê bình và phê bình ở Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, văn hóa tự phê bình và phê bình chỉ có được trên tinh thần đoàn kết, thực sự cầu tiến và vì mục đích cao nhất, đó là vì lợi ích tập thể, quốc gia, dân tộc. Kinh nghiệm quý báu đó nếu được vận dụng tốt vào cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, chắc chắn sẽ sớm khắc phục được những biểu hiện tiêu cực như đặc quyền, đặc lợi, quan liêu, tham nhũng... làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của bao anh hùng liệt sĩ, với sự tin cậy của nhân dân.
Đại tá, TS PHẠM DUY VỤ và Thiếu tá, TS TRẦN THÙY LINH