Ngoài tiêu chí chọn tác giả, tác phẩm, để cho tập sách bớt “đì đoàng, khói lửa”; để bạn đọc trẻ nhẹ nhàng đến với trận “quyết chiến chiến lược” Điện Biên Phủ, bên cạnh những bài thơ “tả trận" nổi tiếng từ mấy mươi năm nay như: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" (Tố Hữu), “Giá từng thước đất" (Chính Hữu)... tôi đặc biệt chú ý đến nội dung “đời thường chiến sĩ”.

leftcenterrightdel
Nhà thơ Cầm Giang.  Ảnh tư liệu Hội Nhà văn Việt Nam  

Điểm mới của thơ viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và quê hương Điện Biên nói chung lúc bấy giờ là sự xuất hiện của các cây bút người dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc. Họ làm thơ bằng tiếng dân tộc, theo phong cách dân tộc họ, rồi tự dịch ra tiếng phổ thông. Họ là những trí thức người Thái, người Mông, người Tày, Nùng, hay người Kinh đã “Tây Bắc hóa”, “Tày, Thái hóa”, như: Nông Quốc Chấn, Cầm Biêu, Lò Văn Cậy, Lương Quý Nhân, Lò Văn Sĩ, Cầm Trọng, Cầm Biêu... Thơ họ nói những điều thật giản dị, thật đời thường trong chiến tranh, là bản năng con người, như bài: “Em tắm” của Bạc Văn Ùi hay bài “Nhớ vợ” của Cầm Vĩnh Ui.

Hai bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm” so với thơ dân tộc Thái, tôi nhận thấy có những câu thật thà đến trong sáng, hồn nhiên đến độ đáng yêu, nhưng lại toát lên chất thời đại, rất hiện thực; được viết với bút pháp, tay nghề khá chuyên nghiệp. Nhưng tôi có băn khoăn tại sao bao nhiêu năm, "hai" tác giả là Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi cứ biệt tăm, im hơi lặng tiếng tạo nên một sự hoài nghi của người đọc!?

leftcenterrightdel

 Bìa cuốn sách "Điện Biên chiến thắng, Điện Biên thơ". Ảnh tư liệu Hội Nhà văn Việt Nam  

“Nghi án văn chương” này mãi về sau được nhà văn Hoàng Bình Trọng giải mã. Thì ra, Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi không phải là hai tác giả người dân tộc Thái mà là một tác giả... người Kinh. Đó là nhà thơ Cầm Giang, tên thật là Lê Gia Hợp, tên khác là Lương Cầm Giang.

Theo hồ sơ của Hội Nhà văn Việt Nam thì ông sinh ngày 2-5-1931 tại xóm 3, thôn Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau lấy vợ và định cư tại thôn Khánh Nhi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 10-1950 vào bộ đội, lên Tây Bắc, sang Lào và bắt đầu làm thơ với bút danh Cầm Giang (sau này thành bút danh của ông). Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Ông có rất nhiều bài thơ nổi tiếng. Những bài thơ được bạn đọc biết đến như: “Em tắm”, “Nhớ vợ”, “Núi Mường Hung, dòng sông Mã”, “Em là con gái Châu Yên” ,"Mộ bên đường”... Ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Cống hiến năm 2017 cho các tập thơ: “Gió núi Biên phòng”, “Rừng trắng hoa ban”. Ông mất ngày 29-6-1989 tại Vĩnh Phúc.

Thơ Cầm Giang, cụ thể là hai bài “Em tắm” và “Nhớ vợ” đã như một luồng gió mát, như cơn mưa mùa hạ thổi vào cái không khí ngột ngạt, oi nồng của một chiến trường máu lửa! Nó như một bông hoa lê, hoa ban Tây Bắc bên cạnh những đóa hoa lửa “Giá từng thước đất” nở trên đồi A1, trong thung lũng Mường Thanh của Điện Biên ngút trời khói lửa và máu xương năm nào...

Chất trữ tình, lãng mạn của văn hóa Thái, văn hóa Mông trong thơ ông và các nhà thơ dân tộc Tày, Thái “chính danh” khác đã nói thêm một điều về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa. Ấy là chiến thắng của chính sách đại đoàn kết dân tộc, của văn hóa văn minh Việt Nam!

BẠC VĂN ÙI

Em tắm

Sao anh lại rình,

Trộm xem em tắm?

Da của em ngần trắng,

Da cha mẹ cho em.

Tay của em lấm lem,

Tay của than của bụi,

Tay của rừng, của núi,

Tay của đất, của nương.

Em tắm xong lại sạch,

Vẫn ngát thơm hoa rừng,

Da của em trắng ngần,

Là của anh tất cả.

Không phải người xa lạ,

Việc gì mà trộm xem.

Em tắm suối giữa mường,

Tắm trong mối yêu thương,

Có anh đang đứng giữ,

Chớ để Tây đến mường.

-------------------

 

CẦM VĨNH UI 

Nhớ vợ

Tôi nhớ vợ tôi lắm

Xin được về hai ngày

Nhà tôi ở Mường Lay

Có con sông Nậm Rốm

Ngày kia tôi sẽ đến

Lại cầm súng được ngay

Tôi càng bắn đúng Tây

Vì tay có hơi vợ

Cho tôi đi, đừng sợ

Tôi không chết được đâu

Vì vợ tôi lúc nào

cũng mong chồng mạnh khỏe

Cho tôi đi, anh nhé

về ôm vợ hai đêm

Vợ tôi nó sẽ khen

chồng em nên người giỏi

Ngày kia tôi về tới

Được đi đánh cái đồn

Hay được đi chống càn

Là thế nào cũng thắng

Nếu có được trên tặng

cho một cái bằng khen

Tôi sẽ dọc đôi liền

Gửi cho vợ một nửa...

--------------------