Tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam là một bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam, được kết tinh từ nhiều giá trị trí tuệ và đạo lý Việt Nam. Cụ thể hơn, đó là kết quả tổng kết từ kinh nghiệm dựng nước, đánh giặc giữ nước phong phú của dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm.

Lý Thường Kiệt đã vận dụng tài tình chủ trương “tiên phát chế nhân”, chiến tranh tự vệ chống quân Tống. Thời Trần, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy quân, dân đẩy lui 3 cuộc xâm lược của quân Nguyên bằng vận dụng linh hoạt, sáng tạo kế “dĩ dật đãi lao” - lấy gần chờ xa, lấy khỏe chờ mệt, lấy no chờ đói để sau đó khái quát thành tư tưởng “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh". Trần Quốc Tuấn đã đúc kết nguồn gốc sâu xa tạo nên sức mạnh chiến thắng là "vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức", là "chúng chí thành thành" (ý chí của dân chúng là bức thành giữ nước). Lê Lợi và các sĩ phu cùng quân sĩ đã trường kỳ kháng chiến chống quân Minh trong 10 năm và giành thắng lợi. Sau đó Nguyễn Trãi tổng kết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân", "lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn" (Đại cáo bình Ngô).

leftcenterrightdel

 Áp giải tù binh Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Tư tưởng nhân nghĩa của quân và dân ta đã được thể hiện bằng chính sách khoan hồng đối với tù binh ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới bắt đầu và làm nổi rõ tinh túy văn hóa quân sự Việt Nam. Trong bức thư gửi nhân dân Nam Bộ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã viết: "Đối với những người Pháp bị bắt trong cuộc chiến tranh, ta phải canh phòng cho cẩn thận, nhưng phải đối đãi họ khoan hồng, phải làm cho thế giới, trước hết cho dân Pháp biết rằng chúng ta chỉ đòi quyền độc lập, tự do, chứ chúng ta không vì tư thù, tư oán; làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc thông minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước".

Trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt, rất nhiều lính Pháp bị thương đã được nhân dân Việt Nam chăm sóc, giúp đỡ. Trong cuốn hồi ký “Khép lại quá khứ đau thương”, tác giả Kỳ Thu đã dẫn lời viên quan năm thầy thuốc trong số bị thương đó: "Tôi đã được chứng kiến điều sau đây mà tôi sẽ không thể tin tí nào nếu không được tận mắt trông thấy: Những thương binh quan trọng Pháp và Bắc Phi được phụ nữ Việt Nam khiêng cáng trên những đường núi hiểm trở”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một bước kế thừa và phát triển tất cả những truyền thống chống ngoại xâm cùng với di sản tư tưởng và nghệ thuật quân sự, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nhận định khái quát và ở tầm cao này đã được nhiều học giả trong nước chứng minh, đánh giá qua nhiều công trình nghiên cứu. Tinh thần tất cả vì độc lập, tự do, tất cả cho chiến thắng để xây dựng một đất nước hòa bình, tự chủ đã kích hoạt lòng yêu nước, tinh thần nhân nghĩa của cả dân tộc.

Điều này thể hiện rất rõ trong các số liệu huy động nhân lực, vật lực vào chiến dịch. Theo đó, Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động tới 261.453 dân công với 18.301.570 ngày công, 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn lương thực khác, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 mảng nứa và hàng nghìn con ngựa thồ. Ngoài ra, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ còn có hàng chục nghìn thanh niên xung phong và nhân dân tại chỗ. So với các chiến dịch khác trước đó kể từ ngày 19-12-1946, số ngày công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng hơn 62% tổng số ngày công của các chiến dịch và số lượng lương thực, thực phẩm thì nhiều hơn gấp 5,6 lần tổng số cho các chiến dịch đã thực hiện.

Đáng nói là, trong chiến dịch này, đồng bào các dân tộc thiểu số, không kể là ở Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Hòa Bình hay miền Tây Thanh Hóa... cũng không kể là người Thái, Hà Nhì, Mường, Thổ hay Dao, Mông, Nùng... đều thi đua đem sức mình, đem sức kéo của trâu, ngựa, đem gạo, rau, thịt vượt hàng trăm ki-lô-mét đường đèo dốc đến tận những nơi trú quân rồi giao tất cả cho Bộ đội Cụ Hồ. Điều này cho thấy, nếu không có một chủ trương, đường lối đúng đắn, nếu không có tinh thần “tất cả vì độc lập, tự do dân tộc” thì khó lòng quy tụ sức mạnh.

Chưa hết, nếu không có sự nhân nghĩa, nếu không có tinh thần dân tộc quật khởi thì chẳng có việc vận động hơn 32.000 ngụy binh trở về với kháng chiến, làm phá sản kế hoạch bắt lính, nâng số quân ngụy lên 29 vạn vào năm 1953-1954 của tướng Henri Navarre.

Bất chấp việc quân Pháp và Mỹ coi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “máy nghiền”, đè bẹp Việt Minh thì tư tưởng nhân nghĩa ấy vẫn được thể hiện ngay trong chủ trương của Bộ chỉ huy chiến dịch đối với kẻ thù cuồng bạo.

Trong bài viết “Người đại đội trưởng dẫn tù binh Pháp năm xưa”, tác giả Nguyễn Văn Triện đã kể về những việc đối xử với tù binh của ta hết sức nhân nghĩa.

Trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đội của Nguyễn Thịnh nằm trong đội hình chiến đấu Đại đoàn 304 nhận được lệnh dừng tham gia chiến đấu, chuyển sang làm nhiệm vụ thu dung, quản lý tù, hàng binh và dẫn về phía sau. Ông và các đồng đội được huấn luyện, tập huấn điều lệnh, kỷ luật, quy chế quản lý tù binh và cả một số từ tiếng Pháp thông dụng. Sau khi mở màn chiến dịch, tù binh liên tục được đưa về ngồi đầy lán trại, bãi trống và bìa rừng. Lấy thông tin xong, Đại đội trưởng Nguyễn Thịnh chia tù binh thành nhiều Giúp (tổ). Khi chiến dịch đang diễn ra ác liệt, Đại đội của Nguyễn Thịnh dẫn giải 500 tù binh từ Điện Biên về căn cứ Việt Bắc trên đường mòn nhỏ hẹp, quanh co, uốn khúc, đá tai mèo lởm chởm, dài 600km. Tác giả viết, trên đường đi, nhiều lần cấp đồ ăn cho tù binh xong đến lượt bộ đội ta thì hết, hôm đó cán bộ, chiến sĩ phải ăn rau rừng, quả sung để qua bữa. Có lần do mâu thuẫn trong ăn uống, một bộ phận tù binh xảy ra xô xát, đánh lộn nhau. Đại đội trưởng Thịnh trực tiếp can thiệp mới yên. Sau đó Đại đội trưởng Thịnh lấy khẩu phần ăn của mình đưa cho tên tù binh bị thương và nói với người đó bằng tiếng Pháp “cố lên”. Cả bọn trố mắt nhìn người chỉ huy Việt Minh đầy thán phục.

Trong cuốn hồi ký: “J'étais médecin à Dien Bien Phu” (Tôi là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ), Thiếu tá, bác sĩ quân y Pháp Paul Grauwin kể lại: “Vài tên lính bị thương nhẹ vừa lần được từ cứ điểm Beatrice về, cặp mắt giương to đầy vẻ kinh hoàng. Một trung úy bị thương ở chân, gọi tôi, báo cáo: "Tôi bị Việt Minh bắt làm tù binh 3 giờ. Rồi họ thả cho tôi về, bảo đưa cái thư này cho Đại tá De Castries". Tôi liền báo cáo lên sở chỉ huy. Trong thư, Việt Minh định rõ địa điểm chính xác trong ngày hôm đó, để chúng ta có thể chuyển một số lính bị thương về. Lơ Đamany được lệnh đi thu nhận số đó. Khoảng giữa trưa, anh ta đội mũ kê pi chỉnh tề, đeo băng chữ thập đỏ vào cánh tay trái, đi lên xe "gíp" tải thương đến chỗ quy định để nhận số lính bị thương do Việt Minh thả”.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta bắt được nữ y tá của Pháp làm tù binh. Cô này đã viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xin ân xá. Thư của cô được chấp thuận, cô đã cùng với các bác sĩ Việt Nam chăm sóc cho số tù binh bị thương. Sau này khi được phóng thích, cô đã vô cùng vui mừng, cảm ơn chính sách khoan hồng của những người bạn Việt Nam.

Hòa bình, trong nhiều hồi ký, các bài viết của các sĩ quan Việt Nam đã tả chi tiết việc đối xử nhân đạo của ta với tù binh, đặc biệt là De Castries khi bị “nhốt” tại nhà sàn ở Na Hang, Tuyên Quang. Trước tình trạng sức khỏe không tốt của vị tướng thất trận, các cán bộ hỏi cung của ta đã lấy gạo rang, say như cà phê để ông ta sử dụng, tránh phù thũng. Có cán bộ còn vào bản mua dứa tươi để đãi De Castries. Nhờ thế mà De Castries đã ghi ra giấy ý định tác chiến của quân Pháp nếu chiến tranh tiếp diễn. Theo đó, để tiêu diệt Việt Minh và Chính phủ Cụ Hồ, quân Pháp và đồng minh sẽ cho quân nhảy dù, bịt đường từ Lạng Sơn của Việt Nam sang Trung Quốc; bịt đường từ khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình sang Lào để vào Nam; tiếp tục củng cố các căn cứ quân sự của quân Pháp ở Đồng bằng Bắc Bộ.

Khó có thể nói hết những việc làm, thái độ nhân nghĩa của Bộ đội Cụ Hồ đối với tù, hàng binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc Quân đội ta trao trả cho quân Pháp toàn bộ tù, hàng binh sau khi đã giúp họ chữa trị và ổn định tinh thần là minh chứng sinh động về một dân tộc yêu chuộng hòa bình, coi nhân nghĩa là văn hóa gốc và luôn "Lấy chí nhân để thay cường bạo".

Đại tá, ThS TÔ XUÂN MÃ