Ai đến Điện Biên Phủ hôm nay chắc không khỏi xao lòng trước thung lũng Mường Thanh xanh biếc vào độ lúa thì con gái hay vàng ruộm khi mùa gặt về. Không thể không say ngắm những vòm hoa ban trắng rung rinh giữa mùa xuân Tây Bắc. Và đây nữa, những cô gái Thái áo cóm, khăn piêu duyên dáng trong điệu xòe truyền thống có thể làm ai đó ngẩn ngơ quên cả đường về. Tự hào thay, một Điện Biên đang đổi mới mạnh mẽ vẫn không làm khuất mờ những dấu tích lịch sử bi tráng như đồi A1, đồi Him Lam, đồi Độc Lập, cầu Mường Thanh, hầm tướng Pháp bại trận De Castries và bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm khét tiếng thời đó... Cuộc đối mặt ngoan cường, mưu trí của những người lính Cụ Hồ, của nhân dân Việt Nam với kẻ thù xâm lược vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1953-1954) thực sự là bản anh hùng ca còn lưu dấu trong bảo tàng, trong câu chuyện của người Điện Biên và mặc nhiên tỏa sáng trong thơ ca. Những vần thơ về Điện Biên Phủ phần lớn mang âm hưởng trữ tình sử thi dù tác giả có thể sống cùng thời hoặc không cùng thời với những chiến sĩ, đồng bào ta trong giai đoạn chiến tranh tàn khốc ấy.
Trước hết, xin được nhắc tới bài “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm không có cái huyền ảo, đậm chất cổ thi như bài “Cảnh khuya” mà Bác Hồ sáng tác ở Chiến khu Việt Bắc năm 1947: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” là lời khen mộc mạc, gần gũi của lãnh tụ với chiến sĩ, dân công ta: ... Bộ đội, dân công quyết một lòng,/ Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông... để giành được thắng lợi cuối cùng ở Điện Biên Phủ. Có một chi tiết thật và cảm động được tác giả kể lại khi kết thúc bài thơ: Chiến sĩ viết thư dâng Cụ Hồ:/ “Xin Bác vui lòng mà nhận cho/ Món quà chúc thọ sinh nhật Bác/ Chúng cháu cố gắng đã sắm được". Món quà mừng sinh nhật Bác chính là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bởi thế, ta không lấy làm lạ khi Điện Biên Phủ được gắn liền với tên gọi “Việt Nam-Hồ Chí Minh”.
Liền sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tố Hữu viết ngay bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” (tháng 5-1954). Theo tài liệu tôi đọc được thì bài thơ này in trên trang nhất Báo Nhân Dân vào ngày 11-5-1954. Chỉ 4 ngày sau khi lá cờ chiến thắng của ta tung bay trên nóc hầm bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bài thơ đã được công bố và làm lay động mạnh mẽ trái tim của hàng chục triệu người đọc. Tôi xem bài thơ này như một trường ca thu nhỏ về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Âm hưởng hân hoan đi suốt bài thơ, bởi dân tộc ta đã làm nên điều kỳ diệu là đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hết sức kiên cố và mang tầm chiến lược của thực dân Pháp-nơi mà tướng giặc ngạo mạn cho rằng “bất khả xâm phạm”. Khí thơ mạnh mẽ, dồn dập như nước cuốn, như gió tràn. Bài thơ như bức phù điêu kỳ vĩ bằng phù sa và lửa Việt đắp tạc nên hình tượng chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu".
Trải qua gần 70 năm, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu vẫn được coi là thi phẩm hàng đầu viết về chiến thắng vĩ đại này. Hình ảnh người lính Cụ Hồ trên mặt trận Điện Biên Phủ vừa cụ thể vừa khái quát, trên tiết điệu thơ dồn dập, chắc khỏe mà không hề khô cứng, trần trụi: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão,/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.../ Những bàn tay xẻ núi, lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện...
|
|
Những đổi thay trên thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) hôm nay. Ảnh: HÀ KHÁNH
|
Đến với chiến trường Điện Biên là những đoàn dân công đi từ hậu phương nghèo khó nhưng vẫn dốc lòng, dốc sức cho tiền tuyến: Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh ... Trong bom đạn, trong gian khó, những chiến sĩ, những người dân vẫn luôn hướng về ngày mai tươi sáng. Đấy là sức mạnh của tình yêu đất nước hòa bình, của lòng lạc quan phơi phới, của những con người sống có lý tưởng cao đẹp: Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...
Nhà thơ Xuân Diệu cũng góp vào dòng thơ Điện Biên bài “Mộ Bế Văn Đàn”. Không chứa đựng hào khí ra trận và chiến thắng như “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, thi phẩm này lắng sâu với những câu thơ giản dị về người anh hùng lấy thân mình làm giá súng. Câu chuyện về Bế Văn Đàn đã được kể bằng văn xuôi nhưng vào thơ lại có một sự rung cảm khác: Thời gian ngừng bước, lặng im/ Bên mồ liệt sĩ, trái tim ta dừng/ Trái tim ta cũng ngập ngừng,/ Nửa chừng giọt lệ, nửa chừng lời ca/ Ánh ngày nghiêng xuống cùng ta/ Nghẹn ngào đặt một vòng hoa tinh thần...
Hòa bình được lập lại trên miền Bắc, thung lũng Mường Thanh chín những mùa lúa mới. Nhà thơ Chế Lan Viên lên Điện Biên Phủ bắt gặp hình ảnh người dân phơi thóc ở nghĩa trang liệt sĩ. Thi nhân tài danh này bắt được một tứ thơ hay và bài "Thóc mới Điện Biên" ra đời: Nhà dân chật/ Dân lên đây phơi thóc/ Thóc của dân/ Che kín mộ anh hùng/ Nhớ ngày nào/ Các anh đi đánh giặc/ Bảo vệ mùa/ Về sống ở trong dân./ Tô Vĩnh Diện, Trần Can/ Mộ anh Giót, anh Đàn/ Năm trăm mộ anh hùng ngời chói thóc/ Dưới đồi xa/ Pháo thù gục mặt/ Lúa đã chín/ Chỗ tầm câu đại bác/ Lúa chín thơm/ Đầy một sắc trưa vàng...
Yếu tố anh hùng ca và chất trữ tình lãng mạn quấn quyện trong nhiều bài thơ viết về Điện Biên. Phải nói cảnh sắc thiên nhiên và con người Điện Biên rất gợi hút. Không chỉ người Việt Nam mà du khách nước ngoài cũng mong một lần đến với Điện Biên. Đây là cảm xúc của nhà thơ Văn Thảo Nguyên khi trải lòng với vùng đất lừng danh này: Mỗi thước đất gặp một dòng tráng sử/ Từ trong nỗi nhớ/ Lại hồi âm tiếng đại pháo ta gầm/ Giữa hiện tại nông trường lẫn vào mùa quả chín/ Ta nhận ra đường hào vây lấn tháng năm/ Ta gặp vẹn nguyên từng nụ cười đồng đội/ Cả mắt người chỉ huy chỉ nhìn không nói/ Vừng mặt trời mọc dậy giữa khói bom... ("Hai mươi năm múa điệu xòe hoa").
|
|
Một góc TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) hiện nay nhìn từ trên cao. Ảnh: HÀ KHÁNH
|
Nhà thơ Anh Ngọc cảm nhận Điện Biên xưa và nay thông qua màu cỏ biếc non tơ, những làn mây trắng và nhành hoa phượng đỏ... Trong đó chứa chất bao nhiêu điều cần nghĩ; là sự biết ơn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, là khát vọng bình yên của dân tộc này: Chỉ thấy một vùng cỏ biếc non tơ/ Mây trắng bay, mây trắng đến không ngờ/ Cành phượng rủ một chùm hoa đỏ chót/ Chỉ có thế thôi ư/ Mà chính là A1/ Mà chính là Him Lam... ("Trở lại Điện Biên"). Nguyễn Hòa Bình có cái nhìn về Điện Biên hôm nay thật trong trẻo, mới mẻ, những hy sinh, mất mát đã được đâm chồi nảy lộc như là sự đền đáp xứng đáng cho người ngã xuống trên chiến hào ám khói đạn bom và sũng nước năm xưa: Thị xã ngày nào, thành phố tuổi ban mai/ Chim vẫn hót trên nóc hầm Đờ Cát/ Hoa ban nhuộm những mái đầu ngả bạc/ Tháng năm kìa, tôi giờ đã Điện Biên"... ("Giờ đã Điện Biên"). Với Cẩm Giang thì tác giả có cảm nhận về quê hương máu mủ của mình thế này: Tôi-người con của rừng núi Điện Biên/ Mảnh rau chôn giữa đồi A1/ Chân chưa đi ra ngoài nửa bước/ Nhưng quê tôi đã đi khắp hoàn cầu/ Mang cả lòng người hoài vọng ước ao...("Quê tôi Điện Biên Phủ")...
Còn tôi, Nguyễn Hữu Quý, cũng dành cho Điện Biên Phủ những tình cảm sâu lắng, những hình ảnh đẹp trong bài thơ “Điện Biên gọi tôi lên” được nhiều bạn đọc biết tới: Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên/ hay ban trắng triền xuân còn đang đợi/ Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến/ Mường Thanh xanh líu ríu câu mời/ Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi/ mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi/ qua chót vót đỉnh rừng thăm thẳm suối/ mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay...
Vâng, “mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay”. Mây Tổ quốc bay qua lòng chảo Mường Thanh, bay qua đồi A1, đồi Him Lam... bay qua những mùa màng tươi tốt, bay qua đêm xòe ngỡ như bất tận trên đất Điện Biên. Mảnh đất này còn lấp lánh trong thi ca với những tự hào và yêu dấu khôn nguôi.
Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ