Có thể nói, đây là một trong những bài thơ ra đời sớm nhất về Chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến công chói lọi nối tiếp những chiến thắng vĩ đại chống ngoại xâm của dân tộc ta, như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa…

Bài thơ của Bác không quá dài nhưng đã phản ánh đầy đủ tình hình tương quan lực lượng hai bên. Đồng thời có những dấu mốc quan trọng của cả Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lại có cả những số liệu chính xác mà các nhà sử học có thể viện dẫn. Bởi vì Bác đã theo dõi Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ khi quân ta bắt đầu: Từ khi vượt núi qua đèo/ Ta đi Bác vẫn nhìn theo từng ngày… (Tố Hữu). Vì thế nên các dấu mốc lịch sử và số liệu được vào thơ một cách cụ thể, chính xác, chi tiết:

          20 tháng 11 năm cũ,

          Giặc pháp nhảy dù Điện Biên Phủ.

          Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất

          Xe tăng súng lớn đầy chồng chất…[…]

          13 tháng 3 ta tấn công

          Giặc còn ở trong giấc mơ nồng: […]

          Hơn năm mươi ngày ta đánh đồn… […]

Và: Mười ba quan năm đều hàng nốt/ Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt/ Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây/ Đều là tù binh hoặc bỏ thây…

leftcenterrightdel
Dẫn giải hàng binh lê dương sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Có thể nói, nét độc đáo của bài thơ này chính là những số liệu cụ thể, những dấu mốc ngày tháng mà Bác Hồ với cương vị là người chỉ huy tối cao của chiến dịch đã đưa vào bài thơ rất tự nhiên, có giá trị cao về mặt tư liệu lịch sử. Bài thơ được Bác chia làm 5 phần, gồm 44 câu (dòng) thơ, có lẽ là một trong những bài thơ dài nhất của Bác mà chúng ta được biết. Bởi Bác Hồ thường làm thơ 4 câu (tứ tuyệt) hoặc 8 câu (bát cú). Các bài thơ chúc Tết của Bác Hồ trước năm 1954 có bài dài nhất làm năm 1945 gồm 21 câu, bài dài thứ 2 là Chúc Tết 1943 dài 16 câu. Còn những bài khác cũng chỉ từ 8 đến 11 câu. Trong bài thơ thuộc loại dài nhất này, Bác đã chia thành 5 phần nội dung rõ ràng. Phần 1 kể về phía địch; phần 2 kể về phía ta; phần 3 và phần 4 là các hoạt động chiến đấu của quân và dân ta; phần kết thúc là chiến thắng to lớn của chiến dịch.

Ở phần thứ nhất, người đọc gặp giọng thơ hài hước châm biếm quen thuộc của Bác từ “Nhật kí trong tù” với các bài  như: "Pha trò", "Đi Nam Ninh", "Cấm hút thuốc", "Lai Tân", v.v… Bác cho thấy kẻ thù rất chủ quan, khoe khoang quân đông, súng lớn, xe tăng chồng chất; lại có tướng Na-va “tài hoa”... Không chỉ Pháp khoe khoang, mà Các báo phản động khắp thế giới/ Inh ỏi tâng bốc Na-va tới... Quả thật là thực dân Pháp rùm beng việc xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và chúng còn thách Việt Minh dám đánh. Vậy là Bác đã “bắt bài” huênh hoang của kẻ địch.

Phần thứ hai Bác kể về lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ là bộ đội và dân công, những người dân đi phục vụ cho bộ đội trong việc vận tải lương thực, súng đạn, thuốc men… Hai lực lượng đó có quyết tâm rất cao, họ "quyết một lòng" và "quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ"... Với quyết tâm đó, chúng ta đã:

          Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông,

          Khắc phục khó khăn và hiểm trở;

          Đánh cho tan giặc mới hả dạ;

          Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày,

          Không quản gian khổ và đắng cay…

Phần thứ ba của bài thơ, Bác nói về thời điểm chúng ta tấn công. Và ở khổ thơ này, Bác nhắc lại sự chủ quan, say sưa trong “giấc mơ nồng” của giặc: Mình có thầy Mỹ lo cung cấp/ Máy bay bay cao, xe tăng thấp/ Lại có Na-va cùng Cô-nhi/ Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy/ Chúng mình chuyến này nhất định thắng/ Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng… Để cho giặc “mơ nồng” ở cuối khổ thơ thứ ba, Bác đã chuẩn bị cho thất bại nặng nề, cay đắng của chúng ở khổ thơ thứ tư. Trong khổ thơ này, Bác chỉ  sử dụng 12 câu thơ mà tóm tắt được toàn bộ diễn biến của chiến dịch, tinh thần của hai bên, đặc biệt là tinh thần của tướng tá đội quân xâm lược. Hơn 50 ngày quân ta tấn công, kết quả là đồn giặc lần lượt bị ta triệt hạ. Dù giặc chống cự mạnh mẽ nhưng không thể so sánh với khí thế quân ta: Quân giặc chống cự tuy rất hăng/ Quân ta anh dũng ít ai bằng… Tướng Na-va được báo chí phản động tâng bốc, được quân giặc tin tưởng là “tướng giỏi” nắm chỉ huy có thể khiến “Việt Minh chạy quýnh cẳng” thì bây giờ cùng với Cô-nhi đã lộ rõ bộ mặt thảm hại: Na-va, Cô-nhi đều méo mặt/ Quân giặc tan hoang, ta vây chặt. Kết quả cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ là:

          Giặc kéo từng loạt ra hàng ta

          Quân ta vui hát “khải hoàn ca”

          Mười ba quan năm đều hàng nốt

          Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt

          Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây

          Đều là tù binh hoặc bỏ thây…

Và:

          Thế là quân ta đã toàn thắng

          Toàn thắng là vì rất cố gắng.

Trong hai câu thơ trên, Bác hai lần nhắc từ “toàn thắng”, cùng với từ “toàn thắng” ở nhan đề bài thơ như một điệp khúc nhấn mạnh chiến thắng trọn vẹn, to lớn của quân và dân ta. Điều thú vị là Chiến thắng Điện Biên Phủ xảy ra vào ngày 7-5, tức là trước sinh nhật của Bác Hồ (19-5) chỉ 12 ngày. Vì vậy, chiến thắng vĩ đại này có thể coi là món quà ý nghĩa mừng sinh nhật của vị chỉ huy tối cao, như nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”: Tin về mừng thọ đêm nayChắc vui lòng Bác giờ này đợi trông… Còn Bác Hồ thì trích thư chiến sĩ để kết thúc bài thơ:

           Chiến sĩ viết thư dâng Cụ Hồ:

          “Xin Bác vui lòng mà nhận cho

          Món quà chúc thọ sinh nhật Bác,

          Chúng cháu cố gắng đã sắm được!

Một kết thúc khá bất ngờ mà hợp lý, lại rất vui. Quân ta toàn thắng, một chiến sĩ thay mặt đồng đội với lời lẽ bình dị, đậm tính khẩu ngữ, nói với lãnh tụ về món quà chúc thọ giàu ý nghĩa. Lối kết thúc đột ngột, bất ngờ như thế, chúng ta đã từng thấy trong thơ Bác ở các bài "Tức cảnh Pác Bó", "Cảnh khuya", "Không đề"... Bài thơ viết về một sự kiện lịch sử trọng đại mà Bác dùng toàn những lời lẽ bình thường của ngôn ngữ thường nhật, có những từ mang tính khẩu ngữ như: Biết tay, inh ỏi, hả dạ, mơ nồng, thầy Mỹ, nắm chỉ huy, quýnh cẳng, méo mặt, bị nhốt, giặc Tây, nhận cho, sắm được... Thật tự nhiên và sinh động. Sau tất cả các chi tiết là nụ cười của những người chiến thắng!

 

Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ

            20 tháng 11 năm cũ,
            Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ.
            Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất
            Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất.
            Chúng khoe rằng: "Kế hoạch Na-va
            Thật là mạnh dạn và tài hoa.
            Phen này Việt Minh phải biết tay
            Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!"
            Các báo phản động khắp thế giới
            Inh ỏi tâng bốc Na-va tới.
                                       *
            Bên ta thì: Bộ đội, dân công quyết một lòng
            Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông
            Khắc phục khó khăn và hiểm trở
            Đánh cho giặc tan mới hả dạ
            Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày
            Không quản gian khổ và đắng cay
            Quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ
            Đã hứa với Bác, Đảng, Chính phủ.

                                     *
           13 tháng 3 ta tấn công
            Giặc còn ở trong giấc mơ nồng:
            "Mình có thầy Mỹ lo cung cấp
            Máy bay bay cao, xe tăng thấp
            Lại có Na-va cùng Cô-nhi
            Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy
            Chúng mình chuyến này nhất định thắng
             Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng".
                                          *
             Hơn 50 ngày ta đánh đồn
             Ta chiếm một đồn, lại một đồn…
             Quân giặc chống cự tuy rất hăng
             Quân ta anh dũng ít ai bằng.
             Na-va, Cô-nhi đều méo mặt
             Quân giặc tan hoang, ta vây chặt
             Giặc kéo từng loạt ra hàng ta
             Quân ta vui hát "khải hoàn ca".
             Mười ba quan năm đều hàng nốt
             Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt.
             Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây
             Đều là tù binh hoặc bỏ thây.
                                         *
             Thế là quân ta đã toàn thắng
             Toàn thắng là vì rất cố gắng.
             Chiến sĩ viết thư dâng Cụ Hồ:
             "Xin Bác vui lòng mà nhận cho
             Món quà chúc thọ sinh nhật Bác,
             Chúng cháu cố gắng đã sắm được!".

                                                                  CB

           (Hồ Chí Minh toàn tập (tập 7), NXB Chính trị quốc gia, H.2000)     

PGS, TS VŨ NHO