Vẫn tinh khôi màu trắng thuở ban đầu

Trùng điệp cỏ lau chắn che bờ cõi

Nhắn nhủ gì mà rì rào không mỏi

Sáu mươi năm tiếp nối bốn ngàn năm”...

Đó là những khổ thơ mở đầu trong bài thơ dài “Lau trắng Điện Biên” của nhà thơ quân đội Mai Nam Thắng viết về chiến công “chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Bài thơ đã được đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần số chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2014) và đã được công chúng yêu nghệ thuật dành tặng nhiều lời khen; như TS Đoàn Minh Tâm (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhận xét: “Bài thơ dài, mang âm hưởng của một bản trường ca. Đã có rất nhiều bài thơ hay viết về Điện Biên Phủ, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Là người đi sau, nhưng Mai Nam Thắng đã chọn được cho mình một cách tiếp cận mới: Lấy cây lau làm hình tượng nghệ thuật để từ đó khơi nguồn cảm xúc về Điện Biên nói riêng, về đất nước nói chung. Cây lau trong “Lau trắng Điện Biên” không đơn thuần là cây lau mọc nơi núi rừng Tây Bắc, mà là biểu tượng thơ đa nghĩa”.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH

Khi bắt đầu ngồi bên bàn để chuẩn bị sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, nhất là đối với thơ, tác giả cần trước tiên hai điều kiện: Xúc cảm và hình ảnh. Xúc cảm là lẽ đương nhiên. Điều đáng bàn là chất liệu cụ thể của hiện thực đời sống phải được nghệ thuật hóa, đó là hình ảnh. Đã có trăm bài thơ viết về Điện Biên. Người viết sau tránh trùng lặp về hình ảnh của người viết trước, là việc không dễ dàng. Trước tiên, tránh hình ảnh bậc 1 (hình ảnh đời sống đã và đang diễn ra) để đến với hình ảnh bậc 2 (hình ảnh liên tưởng, ẩn dụ, hàm ngôn, trừu tượng…). Với “Lau trắng Điện Biên”, Mai Nam Thắng đã sử dụng hình ảnh bậc 2 và không lặp lại người đi trước. Độc giả từng được biết tới những cảnh mây trắng, hoa ban, đèo cao, dốc thẳm, những đoàn dân công, các anh bộ đội kéo pháo vào trận địa v.v.. Mai Nam Thắng chọn hình ảnh lau trắng, ngàn lau. Nhà thơ từng tâm sự: “Tôi đã nhiều lần lên Điện Biên. Mỗi lần lên lại thấy cảnh vật thay đổi không ngừng, duy những đồi lau, những bãi lau miên man bạt ngàn dọc đường lên Điện Biên thì không thay đổi. Đó như là những chiến binh ngàn đời chắn che bờ cõi, như cờ lau reo mừng tin thắng trận, như bạt ngàn những nghĩa trang liệt sĩ vô danh, như mái tóc của những lão tướng và cựu chiến binh đi qua mấy cuộc trường kỳ kháng chiến, như mây trắng Ba Đình, như sóng bạc đầu thao thức với Hoàng Sa và Trường Sa” (Báo Văn nghệ Công an, ngày 7-7-2014).

Cây lau, ngàn lau, với sắc trắng của hoa và dáng hình cao cao, nghiêng nghiêng cùng cộng đồng, đã được tác giả xem như là vật chứng, nhân chứng của lịch sử và ông đã nâng chúng lên thành hình tượng, làm biểu trưng cho đất nước, con người, nhân dân, dân tộc… tươi đẹp, quả cảm, hào hùng. Lau là bạn, lau là đồng đội, lau là phên giậu đất đai, lau là nhân dân, lau là hồn tiên tổ, lau là Tổ quốc. Bời bời lau trắng bạt ngàn lau đã đồng hành với dân tộc, nhân dân không chỉ từ Điện Biên mà từ nghìn xưa: Vẫn tinh khôi màu trắng thuở ban đầu/ Trùng điệp cỏ lau chắn che bờ cõi/ Nhắn nhủ gì mà rì rào không mỏi/ Sáu mươi năm tiếp nối bốn ngàn năm… Và: Ôi những hồn lau từ Pác Bó cội nguồn/ Một sớm Nguyên Bình xếp thành đội ngũ/ Bữa cơm nhạt thay những lời tuyên thệ/ Nên Nà Ngần, Phai Khắt buổi xuất quân… Lau điệp điệp trùng trùng ở khắp mọi nơi trên đất Việt, được nâng lên tầm cao khái quát hóa: Dẫu đất trời còn lắm bão dông/ Vẫn lau trắng như Bạch đầu Nguyên lão/ Vẫn vằng vặc Tâm quang Khuê Tảo/ Lau Vũng Chùa - Đảo Yến rợp Đèo Ngang…

Ngàn lau trắng còn là văn hóa. Đây là một ý mới. Nói hoa ban mang yếu tố văn hóa thì thuận lý, nhưng nói ngàn lau trắng thì cần sự liên tưởng xa hơn. Và, nói rộng ra, chính bởi có một nền văn hóa mà dân tộc ta trải qua nghìn năm đã đánh thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh: Cờ lau reo rạo rực đêm xòe/ Áo cóm, khăn piêu, điệu chèo, hò sông Mã…/ Ngàn lau đung đưa quanh bập bùng bếp lửa/ Nhịp “Kết đoàn” nối nhịp ngàn lau./ Đêm hội xòe còn canh cánh niềm đau/ Sông Bến Hải những bờ lau xơ xác/ Hai mươi năm nở bừng một Mùa Xuân thần tốc/ Ngàn lau liền một dải non sông…

Chắc chắn độc giả nào cũng muốn dừng lại lâu ở hai khổ cuối cùng khép lại bài thơ. Tại đây, mức độ khái quát hóa ý tưởng được nâng lên một bước và được bổ sung tính thời sự của bài thơ:

“Ôi diệu kỳ lau trắng Điện Biên

Hóa mây trắng Ba Đình soi cỏ biếc

Hóa lớp lớp sóng bạc đầu thao thiết

Vỗ đêm ngày Hoàng Sa, Trường Sa…

 

Như nỗi niềm ký thác của ông cha

Như Đất nước trường sinh tươi tốt

Như người lính ngàn đời bên cột mốc

Lau vĩnh hằng trong cõi Nhân Dân!”

Đọc hết câu cuối cùng, dường như dư âm của trường ca thu nhỏ này còn vang vọng mãi. Cảm hứng ngợi ca và anh hùng có thể đã được tác giả nuôi dưỡng từ lâu, nay có dịp thăng hoa bởi những câu thơ cuộn trào bời bời lau trắng bạt ngàn lau. Năng lực khái quát hóa vững vàng của tác giả khiến bài thơ dài mà như ngắn. Tác giả không chủ ý tạo dựng một trường ca theo cách làm quen thuộc. Tuy nhiên, chỉ 44 câu thôi, sự dồn nén xúc cảm và thi ảnh có thể lại làm cho sức bật của những ưu điểm sẽ đi xa hơn mong đợi.

Nhà thơ PHẠM ĐÌNH ÂN