Du lịch xanh tăng sức hút cho rừng ngập mặn

Huyện Cần Giờ cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 40km. Khoảng cách ấy không quá gần và không quá xa so với một khu vực trung tâm thành phố vốn là hạt nhân đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển năng động, đầy sức sống. Vậy mà, chừng 5-10 năm trước đây, Cần Giờ vẫn được ví như một ốc đảo miệt biển, cách biệt bởi những cánh rừng tràm, sú, vẹt xanh mướt, bạt ngàn, chằng chịt kênh rạch và diện tích ngập nước rộng lớn hàng chục nghìn héc-ta. 

Để đến thị trấn Cần Thạnh, trung tâm của huyện Cần Giờ, du khách đi qua con đường nhựa độc đạo được xây dựng từ nhiều năm trước với hàng chục cây cầu vượt sông. Đường đẹp, rộng thoáng nhưng có một thực tế là người và phương tiện đi lại rất ít. Những ngày cuối tuần, trên tuyến đường này đông đúc hơn thường ngày nhờ khách du lịch từ trung tâm thành phố về Cần Giờ khám phá rừng ngập mặn, thăm đảo Khỉ, thưởng thức đặc sản miền biển. Sự thưa vắng ấy được nhiều người lý giải rằng, Cần Giờ nằm ở phía biển như là điểm cuối, thiếu sự kết nối, du lịch dù giàu tiềm năng nhưng chưa được phát triển, kinh tế biển Cần Giờ chỉ ở hoạt động đánh bắt hải sản quy mô nhỏ, ven bờ...

Nhiều nhà khoa học cũng như chuyên gia du lịch cho rằng, Cần Giờ có quá nhiều tiềm năng du lịch sinh thái với những nét văn hóa đặc trưng, di tích lịch sử nhưng dường như chưa được "đánh thức". Công cuộc khôi phục rừng sau chiến tranh hơn 30 năm qua được TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đã giúp Cần Giờ giữ lại được những nét hoang sơ, đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Huyện có diện tích tự nhiên khoảng 70.435ha; trong đó, diện tích rừng ngập mặn khoảng 34.813ha, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên toàn huyện.

leftcenterrightdel

Một góc trung tâm huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, vị trí giáp biển. Ảnh: HOÀNG MẾN 

Những năm gần đây, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cùng chính quyền huyện Cần Giờ đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nhất là du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh. Tiêu biểu nhất là Đề án phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng đã hình thành những tour du lịch đến với cộng đồng cư dân, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân. Các tour tham quan rừng Sác hay Chiến khu rừng Sác, đảo Khỉ... cũng dần đông khách du lịch tham quan, khám phá.

Anh Nguyễn Văn Dũng, 54 tuổi, ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ là người được giao khoán giữ một khu vực rừng Cần Giờ, hằng tuần thường dùng ghe chở khách du lịch đi sâu vào trong những luồng lạch của rừng ngập mặn, ghé các bè nổi thưởng thức thủy sản tự nhiên và giới thiệu cho khách hiểu về rừng ngập mặn, cũng như quá trình khôi phục, giữ gìn. Mỗi chuyến đi như thế đều mang đến sự hài lòng và tạo cảm giác thích thú đối với du khách. Anh Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: "Cần Giờ vẫn còn rất nhiều tiềm năng du lịch, như một viên ngọc quý chưa được mài giũa. Hoạt động du lịch mới chỉ dừng lại với các tour đi về trong ngày, chỉ đủ tham quan một số điểm du lịch nổi bật chứ chưa thực sự hòa mình để hiểu sâu về hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng, độc đáo của rừng ngập mặn".

Chia sẻ của anh Nguyễn Văn Dũng rất thực tế vì hiện nay, cơ sở hạ tầng du lịch ở vùng đất này vẫn còn thiếu, khó thu hút những khách du lịch có yêu cầu chất lượng cao về dịch vụ, tiêu chuẩn nghỉ dưỡng, đi lại. Trong khi rừng ngập mặn vô cùng rộng lớn có khung cảnh rừng, nước đặc trưng, nguồn tài nguyên cực kỳ phong phú với 157 loài thực vật, 70 loài thuộc hệ động vật không xương sống, 137 loài thuộc khu hệ cá, 19 loài khu hệ thú, 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam...

Khi góp ý vào định hướng quy hoạch, phát triển Cần Giờ, PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, Cần Giờ có nhiều tiềm năng để ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với các lĩnh vực: Nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; du lịch xanh và bền vững; năng lượng tái tạo; nông nghiệp, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe; khoa học cộng đồng; đô thị thông minh; gắn kết cộng đồng; giám sát cộng đồng.

leftcenterrightdel

 Các cựu chiến binh tham gia hoạt động du lịch về nguồn thăm rừng Sác, huyện Cần Giờ. Ảnh: MINH BẢO

Động lực từ những dự án hàng tỷ USD

Xung quanh câu chuyện giải pháp, định hướng đánh thức tiềm năng Cần Giờ có một điều sâu xa hơn khiến địa danh này nhiều năm chưa thực sự phát triển xứng tầm là do đang thiếu những động lực phát triển và cần một cú huých, thúc đẩy để xây dựng một đô thị biển hiện đại, xứng tầm tiềm năng, vị trí, giá trị đô thị biển đặc thù gần trung tâm TP Hồ Chí Minh. Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Vinh, Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, với tiềm năng, lợi thế độc đáo, Cần Giờ cần được định hướng chiến lược phát triển với sự lựa chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn; phát triển các khu đô thị lấn biển kết hợp với du lịch, dịch vụ và thương mại; kết hợp với đẩy mạnh khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời; thúc đẩy hoàn thành dự án cảng trung chuyển và kết nối giao thông để phá vỡ thế ốc đảo hiện tại.

Nhằm tạo động lực giúp Cần Giờ phát triển, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh xây dựng quy hoạch, kêu gọi đầu tư những dự án, tìm những giải pháp để thực hiện chủ đề “Cần Giờ xanh-Hướng tới đô thị sinh thái ven biển”.

Ngày 5-9 vừa qua, những tin vui đến với Cần Giờ khi UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định bổ sung hai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (nguồn vốn đầu tư 4,8 tỷ USD) và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (nguồn vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD) vào kế hoạch triển khai năm 2025 và trở thành hai dự án tiêu biểu cấp thành phố thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ chia sẻ: Việc triển khai hai dự án có ý nghĩa rất lớn sau nhiều năm Thành ủy, TP Hồ Chí Minh có chủ trương, hoạch định để đề nghị Chính phủ phê duyệt. Trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá, bổ sung quy hoạch, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và hội tụ quyết tâm chính trị rất lớn của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và Huyện ủy, UBND huyện Cần Giờ để hiện thực hóa hai dự án. Đây chính là động lực giúp phát triển mạnh mẽ đô thị biển Cần Giờ.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được triển khai thuộc cửa sông Cái Mép, quy mô ước tính khoảng 571ha, cầu cảng chính dài hơn 7km, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải 250.000DWT. Dự kiến, cảng Cần Giờ sẽ hoàn tất, đi vào hoạt động vào năm 2027 với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên 2,1 triệu Teu. Đây là cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế lớn nhất Đông Nam Á, dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.

leftcenterrightdel
 

Rừng ngập mặn Cần Giờ nhìn từ trên cao. Ảnh: BẢO MINH

Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ sau khi hoàn thành sẽ đưa Cần Giờ thành một đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế với quy mô 2.870ha, dân số hơn 228.000 người, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo hơn 36.000 việc làm.

Những dự án, công trình được khởi động sẽ tạo động lực đưa Cần Giờ thành đô thị biển hiện đại, giao thương cảng biển quốc tế, kết nối với tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu trong hoạt động dịch vụ hàng hải bằng những cung đường, tuyến hàng hải liên vùng, kết nối khu vực và quốc tế. Trong tương lai, con đường xuyên qua cánh rừng ngập mặn xanh ngát của Cần Giờ sẽ đông đúc người-xe, sôi động, thể hiện sức sống mới, trở thành cực phát triển năng động của Thành phố mang tên Bác.

QUỐC MINH