Rộn ràng ngày nắng gọi...

Gặp nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) tại trụ sở cơ quan Hội trong một sự kiện văn học, tôi đem chuyện sáng tác văn học ở Cần Giờ hỏi chị. Thay cho câu trả lời, nữ nhà văn tặng cho tôi một cuốn sách mới, còn thơm nức mùi giấy. Đó là cuốn “Cần Giờ ngày nắng gọi” do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Văn học ấn hành, vừa mới xuất bản. Cuốn sách dày 218 trang, trình bày đẹp, sang trọng, tập hợp những sáng tác văn học của các cây bút quen thuộc ở Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. “Đây là những tác phẩm mới của hai đoàn nhà văn đi thực tế sáng tác tại Cần Giờ trong thời gian qua, do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức. Cần Giờ đã và đang tạo nguồn cảm hứng mới mẻ cho anh chị em văn nghệ sĩ từ những dấu ấn cổ xưa và sức sống mới của ngày nắng gọi. Cậu không khám phá, sẽ là một thiếu sót đấy!”, nhà văn Bích Ngân nói.

Tôi lật những trang sách, thấy rõ cảm xúc tự hào về một vùng đất còn nguyên sơ dấu ấn khẩn hoang và niềm hy vọng lớn lao về một vùng kinh tế biển năng động của các tác giả, được thể hiện qua từng tác phẩm: Bút ký, truyện ngắn, thơ... Cần Giờ hiện lên trong các trang sách là một vùng đất vừa gần vừa xa, vừa thân quen vừa mới lạ, vừa sôi động, hiện đại vừa trầm tích, hoang vu... Những trạng thái cảm xúc ấy là sự đan xen giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa những tầng văn hóa của các lớp người cổ xưa còn lưu dấu trong lòng đất và đường băng mới của văn minh công nghiệp, trọng tâm là những dự án mở đường cất cánh tới tương lai...

Sự hấp dẫn từ những trang viết của các đồng nghiệp và lời khích lệ của Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã hối thúc tôi phải lên đường. Đi để có những cảm nhận thật riêng và thật sâu đối với vùng đất đặc biệt ấy, dù trước đó, tôi đã đến Cần Giờ vài lần.

Cần Giờ vừa gần, vừa xa!

Gần! Vì hòn đảo ấy nằm ở thành phố năng động nhất cả nước, ba mặt giáp biển, một mặt giáp sông. Từ trung tâm thành phố, anh lái taxi công nghệ chở tôi len lỏi giữa những con đường đông nghịt người xe, dừng chân ở bến phà Bình Khánh. Vào mùa mưa, triều cường, con sông Soài Rạp đục ngầu, nước dâng xâm xấp những rặng cây rậm rì hai bên bờ. Qua phà sang bên kia sông, Cần Giờ hiện ra bạt ngàn xanh. Những dãy phố xá mới mọc lên hai bên kênh rạch và những rặng dừa nước, rừng đước ngút tầm mắt. Cần Giờ trở thành điểm “check-in” hấp dẫn của giới trẻ, là nơi người dân thành phố thư thái, an nhiên với những không gian “sống chậm” cùng thiên nhiên sông nước, cỏ cây. Con đường từ bến phà Bình Khánh xuyên thẳng vào trung tâm thị trấn Cần Giờ rộng thênh thang, là một trong những con đường đẹp nhất ở Nam Bộ hiện nay. Đất rộng. Người thưa. Đường vắng. Cần Giờ hấp dẫn ánh mắt của người lữ hành từ những làn gió phóng khoáng thổi dọc mùa đước nở hoa; từ hành động tinh nghịch của bầy khỉ tung tăng trên đường chọc ghẹo du khách; từ đàn chim rừng dặt dìu vỗ cánh gọi mặt trời; từ dáng lưng ong tần tảo trên ruộng muối trắng phau...

Gần! Vì những ai từng lớn lên bên bờ tre, gốc rạ, từng đi qua những ồn ã cuộc đời, sẽ tìm thấy nơi đây một vùng hoài niệm, dẫu đó không phải là nơi ta sinh ra. Có con rạch mùa cá ngược dòng đẻ trứng. Có trúm lươn ruộng bùn thơm hương cỏ mật. Có hình ảnh anh bộ đội khoác ba lô đi qua đầu ngõ. Có rạ rơm sau mùa gặt và thơ thếch trắng vàng phảng phất  cỏ lau...

Gần thế, nên được một quãng, tôi lại bảo anh lái taxi dừng lại bên đường để tận hưởng bầu không khí mát lành.

Xa! Vì đường đi Cần Giờ vẫn cách trở đò giang. Cách nhau một bến sông nhưng hai bên bờ sông Soài Rạp là hai không gian văn hóa riêng biệt. Ngoại trừ những khu vực đã được quy hoạch phát triển đô thị, đa phần diện tích Cần Giờ vẫn vẹn nguyên sắc thái khẩn hoang, với những dòng kênh hoang vu len lỏi giữa bạt ngàn rừng đước âm u. Cùng với đảo lớn còn có một số đảo nhỏ, nằm xa đất liền mà thoạt nghe cái tên, đã dậy lên cảm xúc hoang hoải. Đó là đảo Thạnh An, đảo Thiềng Liềng... nơi ngư dân vẫn giữ nét sinh hoạt truyền thống, gần gũi với thiên nhiên. Để đến được những nơi này và trải nghiệm cuộc sống mang sắc thái khẩn hoang ở đây, phải hành trình trên những con xuồng như thời người xưa ngược dòng khai khẩn.

leftcenterrightdel

Một góc lán trại Bộ đội Đặc công thời chống Mỹ được phục dựng ở rừng Sác, Cần Giờ. 

Lịch sử vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 325 năm hình thành, phát triển. Nhưng nhiều tài liệu sử sách đã chép rằng, Cần Giờ đã có bề dày lịch sử lưu dấu chân người đến đây từ khoảng 2.000 năm trước. Trong cuốn “Chân Lạp phong thổ ký” của Chu Đạt Quan có ghi, Cần Giờ là một trong những chiếc nôi của văn hóa Óc Eo. Từ thuở khẩn hoang, nơi đây đã hình thành mô hình cảng thị, là khu vực giao thương của những dòng người khai khẩn, lập ấp, cư trú. Từ hoạt động nghiên cứu khảo cổ ở những nơi như Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt... giới khảo cổ học đã tìm thấy ở những tầng sâu trong lòng đất các di vật, đồ tùy táng của người cổ, ở niên đại 2.000-3.000 năm trước. Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy, Cần Giờ đang lưu giữ trong lòng nó một nền văn hóa biển giàu bản sắc.

Đi. Đến. Ngẫm... mới thấy, hóa ra từ cổ đại, các thế hệ tiền nhân đã lựa chọn nơi này làm điểm đến trong hành trình di trú, khai khẩn. Thời gian càng lâu, độ lùi lịch sử càng dài, những vỉa tầng trầm tích văn hiến và văn hóa càng sâu, giá trị sống, triết lý sống, thông điệp sống của người xưa truyền cho hậu thế càng hiển linh. Nói Cần Giờ là vùng đất “linh” cũng là vì thế. Và, hóa ra, giới cầm bút chúng ta mới chỉ như con ong, cánh bướm vờn trên khóm lá, ngọn hoa, chứ nào mấy ai đã chạm đến được những vỉa tầng sâu sắc, sâu thẳm ấy. Nói Cần Giờ vừa thân quen, vừa mới lạ; vừa hiện đại, vừa trầm tích... cũng là vì thế.

Dòng lịch sử khơi nguồn cảm hứng

Cảm xúc đan xen giữa hai trạng thái cũ và mới, gần và xa, hiện đại và trầm tích... chính là những chất liệu quý giá đối với người cầm bút. Nhờ đó, những chuyến đi thực tế bổ ích đã giúp các anh chị đồng nghiệp của tôi có được những tác phẩm ưng ý. Tất nhiên, cuốn sách “Cần Giờ ngày nắng gọi” mới chỉ là sự khởi đầu. Những vỉa quặng từ tầng sâu cảm hứng chắc chắn sẽ còn được khai mở để họ tạo nên những tác phẩm xứng tầm.

Còn tôi, đi thực tế một mình, cảm giác lẻ loi nhưng lại có cơ hội để thẩm thấu cuộc sống theo cách của mình. Tôi lựa chọn con đường xuyên rừng Sác để khám phá, trải nghiệm. Chiếc xuồng máy do tài công Ngô Văn Thắng điều khiển rẽ sóng lướt trên dòng kênh cong vút như nửa vầng trăng thu, đưa tôi vào rừng sâu. Càng vào sâu trong rừng ngập nước, nhiệt độ càng thấp. Bên ngoài trời nắng nóng, nhưng dưới tán rừng nguyên sinh, trên dòng nước mát lành, tiết trời bỗng dịu nhẹ, mát mẻ lạ kỳ. Rừng toàn đước là đước. Toàn nước là nước. Hiếm có loài cây nào đặc thù và đặc biệt như cây đước. Gốc cây toàn rễ là rễ. Rễ to như nắm tay, vươn dài ra rồi cắm thẳng đứng xuống bùn giống như thế chân kiềng. Thân cây vươn cao đến vài chục mét. Tán cây đan cài như giăng lưới. Lướt xuồng dọc dòng kênh, ngửa mặt nhìn trời chỉ thấy nắng le lói như những đốm sao đêm. Anh Đặng Văn Hiệp, hướng dẫn viên du lịch dẫn tôi đi thực tế từng là một quân nhân công tác trong ngành hậu cần ở Quân khu 7. Xuất ngũ, anh gắn bó với rừng Sác làm công việc hướng dẫn khách tham quan đã gần 20 năm nay. Anh nói: “Đặc công Rừng Sác bám trụ Cần Giờ đánh giặc trường kỳ nhưng địch không thể phát hiện được, chính là nhờ đặc điểm “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” của đước. Thời chiến tranh, giặc Mỹ cho các phi đội trực thăng bay vè vè như đàn ong trên ngọn đước, sử dụng các thiết bị trinh sát hiện đại nhất lúc bấy giờ nhưng đành bó tay. Chiến thuật và chiến công đánh giặc của Đặc công Rừng Sác là điển hình của nghệ thuật quân sự Việt Nam”.

Giữa lòng rừng Sác hôm nay là một quần thể di tích lịch sử văn hóa. Ở đó có tượng đài tưởng niệm liệt sĩ Đặc công Rừng Sác, có hệ thống các công trình chiến đấu, lán trại của Đặc công Rừng Sác được phục dựng để phục vụ khách tham quan. Những câu chuyện ngỡ như huyền thoại của Bộ đội Đặc công “xuất quỷ nhập thần” được tái hiện thông qua các mô hình sống động như thật.

Cần Giờ như lá phổi xanh của TP Hồ Chí Minh, nơi dự trữ sinh quyển quan trọng, nơi lưu giữ những dấu tích của hành trình khai khẩn, đấu tranh chống ngoại xâm, và nay đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành nơi có cảng biển hiện đại tầm châu lục.

Trong chuyến khảo sát, làm việc tại Cần Giờ vào tháng 7-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thị sát vị trí xây cảng biển Cần Giờ. Người đứng đầu Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đối với chiến lược phát triển Cần Giờ, trong đó có công trình được dư luận đánh giá là “siêu dự án” cảng biển. Thủ tướng giao TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan trình đề án báo cáo Thủ tướng vào quý IV năm 2023.

Tôi đứng bên bờ biển nhìn ra mênh mông sóng nước và hình dung, một ngày không xa, nơi đây sẽ trở thành cảng biển sầm uất, hiện đại, tạo đường băng rộng lớn cho kinh tế biển của TP Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam Bộ cất cánh.

Bình minh lên. Ngày nắng gọi Cần Giờ bừng sáng. Cảm hứng dâng lên những đợt sóng trào.

Bài và ảnh: NGUYỄN PHAN