Tôi chỉ là lữ khách ghé qua thành phố này. Cơ quan tôi ở cạnh dòng kênh. Mỗi lần có việc tới cơ quan, tôi thường đứng bên cửa sổ trên tầng cao nhìn xuống. Trước mắt tôi, dòng kênh như dải lụa mềm, xanh biếc, uốn lượn, len lỏi qua những con đường, khu phố, làm dịu đi cảm giác nóng nực, bức bối của trùng trùng những khối bê tông cao thấp, xếp chồng, chen chúc, bị nén chặt trong vùng lõi của một đại đô thị phương Nam.

Mỗi lần nhìn ngắm dòng kênh, ký ức lại kéo tôi trở về những ngày đã xa. Gần 30 năm trước, cậu học sinh từ miền Bắc vừa rời ghế nhà trường, lần đầu vào miền Nam kiếm kế sinh nhai. TP Hồ Chí Minh ngày ấy dẫu còn nghèo và bề bộn, nhưng với một kẻ lớn lên nơi miền quê nghèo khó thì thành phố là một thế giới xa hoa, hiện đại quá sức hình dung, khiến chàng trai bước chân đi như một kẻ mộng du. Tuy nhiên, khi ngồi trên chiếc xích lô đi qua cầu Bông, một cảnh tượng hoàn toàn đối lập hiện ra trước mắt. Dưới chân cầu, dòng nước đen ngòm, đặc quánh, ngập rác rưởi cùng mùi hôi thối nồng nặc xông lên muốn tắc thở. Hai bên dòng kênh, những dãy nhà tạm bợ thò ra thụt vào, nằm chênh vênh trên những chiếc cọc và được dựng bằng đủ thứ vật liệu cũ kỹ như tôn, ván, nilon, vải bạt, tựa vô vàn khối lập thể đang đổ xuống trong một nỗ lực nhằm lấp đầy dòng kênh. Ngắm nhìn khung cảnh ấy, bất giác trong lòng lữ khách trẻ tuổi trào dâng cảm giác hẫng hụt. Thành phố hoa lệ mà hắn vừa thấy, từng thấy trên phim ảnh lại có cảnh này sao? Làm thế nào người dân có thể sống trong những căn nhà bé tin hin, nóng như lò thiêu giữa cái nắng như đổ lửa trên dòng kênh ô nhiễm nặng nề? Dường như hiểu được cảm giác của người khách trẻ, bác lái xích lô vươn mình về phía trước, còng tấm lưng gầy đen sạm nắng, dấn mạnh bàn đạp cho những vòng bánh xe quay nhanh nhằm đưa vị khách vượt qua khung cảnh mà ông-một cư dân Sài Gòn chính hiệu chẳng lấy gì làm tự hào.

Thời gian trôi qua, những lo toan, vất vả trong cuộc sống như từng lớp sóng chồng lên nhau mải miết. Ký ức về dòng kênh đen trong tôi dần phai mờ. Khi tôi trở lại thành phố này, dòng kênh đã thay áo mới. Dãy nhà tạm bợ biến mất, lòng kênh được mở rộng, bờ kênh được kè cứng khang trang. Đặc biệt, hai tuyến đường mang tên hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc là Hoàng Sa và Trường Sa như nét chấm phá đặc sắc, điểm tô cho bức tranh phố phường một vẻ đẹp vừa nên thơ, vừa hiện đại.

Sự đổi thay ấy tựa như phép màu. Tuy nhiên, dòng nước đen vẫn còn. Trong thời gian dài, nỗi ám ảnh về màu nước khiến tôi luôn giữ khoảng cách với dòng kênh dù đôi khi nó đã ở rất gần. Nhưng vì lý do công việc, tôi phải lưu lại thành phố một thời gian khá dài. Sau khi đã khám phá hết mọi ngõ ngách quanh khu vực cơ quan, tôi bắt đầu quan tâm tới dòng kênh và đã "phải lòng" từ giây phút đầu gặp lại.

Tôi đâu ngờ, quãng thời gian tôi né tránh, dòng kênh đã âm thầm thanh lọc và hồi sinh mạnh mẽ dưới bàn tay chăm chút của con người cùng khả năng tự chữa lành của chính nó. Dòng nước đen không có sự sống năm nào giờ đây đã xanh trong, lên xuống theo nhịp thủy triều, thu hút những đàn cá từ sông lớn vào bơi lội tung tăng, vui mắt. Hai bên bờ kênh, những hàng cây hoa sứ, bằng lăng, tường vi, phong linh, muồng hoa đào, lộc vừng, thiên tuế, hoa giấy... được trồng theo quy hoạch bài bản, phát triển tươi tốt, bốn mùa thay lá thay hoa, biến dòng kênh thành nơi hò hẹn, tuyến du lịch hấp dẫn và khu vực kinh doanh sôi động. Nơi đây, có một khoảng trời thành phố lam lũ mà bình yên, hiền hòa mà không kém phần hào sảng, khiến một kẻ bình dân như tôi mỗi lần ghé thăm đều có cảm giác gần gũi, thân thương đến lạ.

leftcenterrightdel

Một góc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh) hôm nay.

Những lúc rảnh rỗi, tôi thường chạy xe máy xuôi theo dòng kênh, từ cầu Lê Văn Sỹ xuống tận Thảo Cầm Viên, nơi con nước hòa vào sông Sài Gòn cạnh nhà máy đóng tàu Ba Son cũ. Đôi khi ghé lại quán ven đường, gọi ly cà phê sữa đá, nhìn dòng người qua lại và thả hồn mình trôi dạt về miền ký ức của dòng kênh từng đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn-Gia Định. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, viết khoảng năm 1820 ghi chép về kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè với tên gọi sông Bình Trị. “Tục gọi là sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị về phía Bắc trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu ngang, ngược dòng lên Tây 4 dặm rưỡi đến cầu Cao Miên, chảy về Tây Bắc độ 2 dặm đến chợ Chiểu, chảy về Nam độ 4 dặm đến Phú Nhuận, 6 dặm rưỡi đến cầu Huệ...".

Sách của Trịnh Hoài Đức còn viết: "Bà Nghè là con gái đầu của Khâm sai Chánh thống Vân Trường hầu, tên tục là Nguyễn Thị Khánh, có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi bà khai khẩn đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện đi lại, dân gọi tên là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè”.

Năm 1859, giặc Pháp dùng tàu Arroyo de l'Avalanche chở quân lính từ sông Sài Gòn tiến vào kênh Thị Nghè để thám thính thành Gia Định. Sau khi đánh chiếm xong 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ, chúng đổi tên kênh Thị Nghè thành kênh Arroyo de l'Avalanche-tên của con tàu xâm lược. Tuy nhiên, cái tên này chỉ xuất hiện trong các văn bản hành chính của chính quyền thực dân mà chưa bao giờ được người dân địa phương thừa nhận.

Từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, do không được quản lý tốt nên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè cùng với nhiều sông, rạch khác của Sài Gòn bắt đầu bị nhà dân lấn chiếm, xây nhà và xả rác thải, dần bị ô nhiễm nặng. Những tá điền cùng khổ chạy trốn chiến tranh, nợ nần và lũ cường hào ác bá ở quê; những cô gái làng chơi đã qua thời xuân sắc, ế ẩm phấn hương, tìm nơi nương náu; những kẻ bụi đời, giang hồ tứ chiếng dạt về; những kiếp người yếu thế, mặc cảm, bất cần dắt díu về đây, tụ lại, tạo nên một "tiểu khu" đói nghèo, tệ nạn. Từ một dòng kênh xanh trong, thơ mộng, "thủy lộ" quan trọng của Sài Gòn, Nhiêu Lộc-Thị Nghè biến thành dòng kênh đen, kênh chết. Nó là mảng màu tối của bức tranh đô thị, nỗi bức xúc của người dân và trăn trở của các cấp lãnh đạo thành phố trong nhiều năm liền. 

Đến năm 2002, TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè với tổng vốn đầu tư 316,79 triệu USD. Công trình được khánh thành vào tháng 8-2012. Được thực hiện vào giai đoạn kinh tế của thành phố còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến nên không tránh khỏi thiếu sót, nhưng có thể khẳng định, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè là kỳ tích đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh, là hình mẫu của dự án nâng cấp, cải tạo môi trường và hạ tầng đô thị. Từ thành công của dự án cải tạo dòng kênh này, rất nhiều dòng kênh, rạch ô nhiễm khác của thành phố như Tân Hóa-Lò Gốm, Tàu Hủ, Xuyên Tâm, Tham Lương... đã hoàn thành hoặc đang được triển khai, góp phần cải thiện môi trường, bộ mặt đô thị và đời sống của hàng trăm ngàn hộ dân.

Ông Bảy Hòa năm nay đã 70 tuổi, nhà ở miết quận Tân Phú, trong một lần ngồi chung cà phê có kể rằng, nhà ông trước đây cũng ở cạnh dòng kênh, gần cầu Kiệu. Năm 2000, gia đình ông nhận hỗ trợ của Nhà nước và chuyển đi nơi khác sống. Dù đã về nơi ở mới hơn 20 năm, nhưng tuần nào ông cũng đôi lần chạy xuống khúc kênh nơi gia đình từng sinh sống để gặp gỡ, cà phê, lai rai vài ly với bạn cũ. “Ngày trước, dù có nằm mơ tui cũng không thể hình dung dòng kênh thúi lại có ngày sạch đẹp, đang được "ướp" hương thơm như hôm nay. TP Hồ Chí Minh mấy năm trở lại đây phát triển nhanh, nhiều công trình lớn mọc lên, để lại dấu ấn sâu sắc. Tuy nhiên, nếu được chọn một công trình mang tính biểu tượng cho sự đổi thay và phát triển của thành phố, tôi vẫn chọn dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Với tôi, công trình này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế-xã hội mà còn chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc", ông Bảy khẳng định.

Cách đây vài năm, một người bạn của tôi chẳng may qua đời. Tro cốt của anh gửi nhờ nơi cửa Phật tại ngôi chùa nhỏ nằm cạnh dòng kênh. Mỗi lần có việc trở lại thành phố, tôi đều cố gắng thu xếp tới thắp hương cho bạn. Đi dọc cạnh dòng nước phồn sinh, tôi tin linh hồn bạn đã siêu thoát và tái sinh trong một kiếp khác an yên và hạnh phúc hơn. Giống như dòng kênh đã tái sinh đẹp đẽ trước thời gian và sự sám hối của con người.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG