Chuyến đi về vùng trung du của gia đình bà Duệ diễn ra đầy "tính toán". Chả là, cậu quý tử của dòng họ Lê sau vô vàn hối thúc, giục giã của cha mẹ, anh em, họ hàng, thì đã quyết định cuối năm nay cưới vợ. Tuy nhiên, không thấy nói chuyện yêu đương bao giờ mà đùng cái tuyên bố cưới vợ thì cũng phải xem xét. Chưa kể, còn nghe nói là yêu qua mạng và mới có ba tháng giời hẹn hò. Vì thế, gia đình phải bàn bạc cho thấu đáo. Và để chắc ăn, để không bị cho leo cây, là phải đi một chuyến. Đến tận nơi, nhìn tận mặt, xem tình hình cụ thể như thế nào đã.
Cầm lái chính là Toàn, chú rể tương lai, chàng sĩ quan biên phòng tuổi ba mươi. Ngồi ghế phụ là bác ruột của Toàn. Các ghế phía sau gồm bố, mẹ, em gái Toàn và vợ chồng người chú ruột của Toàn. Bảy người vừa vặn một chiếc xe bảy chỗ. Trên xe, mọi người chuyền tay nhau điện thoại của bà Duệ khi bà vừa kết nối Facebook thành công với cô con dâu tương lai tên Bạch Liên. Em gái Toàn vừa liếc qua ảnh đại diện đã chê: "Chả biết mắt anh Toàn để đâu nữa, thế cũng tán". Bà Duệ nhanh tay ấn vào kho ảnh, rồi moi kính trong túi xách ra, đeo vào. Cô em thím ngồi cạnh, vàng treo đầy người, liếc qua tấm ảnh một cách hững hờ nhưng vẫn góp lời: "Đây chắc là ông bà thông gia, trông quê quá chị nhỉ. Nhà thì bé tin hin ra, còn lợp bờ lô, nóng chết". Đứa em gái lại chêm vào: "Thuở nào rồi vẫn dùng cái ti vi lồi ra thế kia...". Cuối cùng, bà Duệ chốt: "Chúng ta cứ đến nhà đã. Vì đã hẹn người ta rồi. Nhưng nếu thấy tình hình không khả quan thì nước rút. Tuyệt đối không cơm nước gì, phiền toái người ta. Cái gu của mày thật kém Toàn ạ. Có khi nào ở rừng núi lâu quá nên bị lạc hậu không?".
Toàn từ lúc lên xe chỉ tập trung lái xe, thấy mọi người chê người yêu nhiều quá, biết là tranh luận không lại nên không nói gì thêm. Chưa đến hai trăm cây số thôi mà, làm gì xa quá. Nhưng giờ là lúc phải mềm mỏng thì mới được việc.
Từ quốc lộ, xe rẽ vào một chiếc cổng làng khá bề thế. Đây là một làng trung du nằm ngay ven quốc lộ, giống như rất nhiều làng khác ở vùng này. Hai bên cổng làng là hai rặng ngũ sắc nom như hai tấm thảm trải dài, rất bắt mắt. Loài cây cuối mùa lá rụng gần hết, chỉ còn lại những bông hoa xinh xắn rực rỡ như những chiếc bông tai vàng lựng ken sát vào nhau. Vì đã từng tới nhà người yêu nên Toàn cho xe chạy chậm về phía hồ nước giữa làng, cốt để mọi người có thời gian ngắm nghía cảnh sắc. Bà Duệ thậm chí kéo cả kính xuống và thốt lên: “Làng này giàu nhể, toàn biệt thự to đẹp”. Em thím thì cắc cẩm: "Đường bê tông rộng rãi, nhà còn có số nữa kìa, đúng kiểu nông thôn mới. Cả cái chùa cũng to đẹp quá đi, ở đây không khí dễ chịu hơn dưới mình chị nhỉ". Sau khoảng chục phút lượn quanh làng thì xe rẽ vào một con ngõ nhỏ hai bên là hai rặng trúc quân tử được xén chuốt cầu kỳ, vừa thanh bình vừa sang trọng. Xe lọt vào một chiếc sân gạch lớn và một ngôi nhà rất đẹp hiện ra trước mắt. Xe vừa dừng thì một người phụ nữ tuổi trạc năm mươi ăn vận gọn gàng bước ra. Mái đầu hơi cúi. Bà chìa tay về phía người bác của Toàn và nói: "Xin cảm ơn các anh chị, các cháu không quản ngại đường sá xa xôi tới thăm gia đình. Mời tất cả vào trong nhà ạ!".
Mọi người trên xe ùa cả xuống, ai nấy đều ngạc nhiên, thậm chí còn ngỡ mình đi nhầm nhà. Thế những hình ảnh nhà cửa, bữa ăn, con đường lầy lội con bé Liên đăng lên trang cá nhân là sao nhỉ?
Khi tất cả đã yên vị quanh bàn trà nước trong phòng khách thì Liên, bạn gái Toàn, mới từ bếp bưng lên đĩa trái cây gọt sẵn. Liên mời mọi người ăn trái cây và nói, tất cả đều lấy từ vườn nhà nên rất lành. Vợ chồng bà Duệ dường như không nói được lời nào. Bởi con bé trong những tấm ảnh mà bà vừa xem và con bé bằng xương bằng thịt ngay trước mặt mọi người đây như chẳng liên quan gì nhau cả. Liên cao ráo, trắng trẻo và mang vẻ đẹp khỏe khoắn của đứa con gái quê. Nhà đất rộng rãi như thế này, có vườn rau, có ao cá. Có đất trồng bonsai. Cuộc trò chuyện vừa mới bắt đầu, bà Duệ đã nóng lòng hỏi thăm gia cảnh thông gia. Lúc đó, bà Hồng, mẹ của Liên, mới nói. Bà là cán bộ ngân hàng nhà nước. Còn bố của các cháu là bộ đội, cũng là thủ trưởng của Toàn. Chẳng biết ưu ái ra làm sao mà lại quyết tâm mối lái con gái mình cho Toàn. Vì công tác đột xuất nên rất tiếc là ông không về kịp đợt này. Đợi bà Hồng nói xong thì Toàn xin phép đính chính. Thật ra, trước khi được thủ trưởng đề cử vị trí con rể thì Toàn đã từng gặp Liên. Khi ấy, Liên trong đoàn thanh niên tình nguyện đi cứu trợ ở một bản miền núi nọ đã được Toàn và các đồng đội của anh giúp đỡ, dùng xe đơn vị đưa đồ cứu trợ vào bản. Hai người sau đó không có liên hệ gì ngoài một tấm ảnh chụp chung với cả nhóm tình nguyện. Một lần, Toàn đăng bức ảnh đó lên Facebook và tình cờ thủ trưởng xem được, ông nói: "Cái con bé tóc búi lên cao ấy là con gái tớ, cậu nào muốn làm con rể tớ thì phải phấn đấu". Thế là cả đám sĩ quan trẻ nhao nhao lên gọi thủ trưởng là bố vợ và nhờ bố mai mối cho. Cuối cùng, Đại úy Toàn may mắn lọt mắt xanh thủ trưởng và bắt đầu hành trình chinh phục con gái ông.
Liên học tài chính, sau khi ra trường thì làm việc tại một doanh nghiệp ở thành phố. Dưới Liên có một em trai đang học tại Học viện Quân y. Bà Hồng, mẹ Liên, còn chưa nghỉ hưu. Nhưng nhìn nhà cửa, sân vườn gọn gàng, sạch sẽ, cây cối tốt tươi thế này, vợ chồng bà Duệ đâm hoài nghi mà cũng không dám hỏi. Lúc ấy, Liên mới giải thích. Được như thế này là nhờ ông nội cháu cả đấy. Ông cháu vừa ở đám cưới ngoài làng, giờ đang về. Ông nội cháu là thương binh chống Mỹ, còn một chân thôi, nhưng ông cháu làm được hết mọi việc như người bình thường. Phái đoàn nhà trai ngạc nhiên vô cùng khi Liên vừa dứt lời thì thấy một ông già khoảng tám mươi với chiếc nạng đang đi vào sân. Không những thế, ông còn khoan thai, nhẹ nhàng từng bước đi lên những bậc thềm cao mà không cần phải cúi nhìn. Bác cả của Toàn cứ ngây người ra. Bởi thứ khiến ông choáng ngợp từ lúc đặt chân vào đây không chỉ là điều kiện kinh tế của gia đình bạn gái Toàn, còn là sự đón tiếp nồng nhiệt nhưng hết sức lịch sự, bặt thiệp của mẹ con Liên. Nói như thế nào nhỉ? Nó giống như một thứ văn hóa giao tiếp có nền tảng, có truyền thống. Và con người ta chỉ việc cư xử với nhau đúng như thế, không cần phải màu mè gì cả mà người đối diện vẫn cảm nhận được hết sự trân quý. Ông cụ bước vào đến nhà là cất tiếng cười. Tiếng cười sang sảng của ông cụ khiến không khí buổi gặp mặt phấn chấn cả lên. Chuyện trò thêm mới biết, những ngôi nhà trong trang cá nhân trên Facebook của Liên là nhà của đồng bào vùng bão, lũ, nơi đoàn thanh niên tình nguyện tới giúp đỡ. Lát sau, Toàn và Liên kéo nhau xuống bếp chuẩn bị bữa cơm. Trong khi chờ đợi, ông nội Liên tự hào dẫn khách đi thăm nhà thờ, cũng là nhà truyền thống của họ. Bà Duệ chợt nghĩ trong lòng, không biết tại sao lại còn có kiểu nhà truyền thống của họ. Truyền thống gì không biết? Nhưng cũng không ai hỏi, chỉ tăm tắp đi theo ông cụ.
Nhà thờ họ Nguyễn nằm ở vị trí cao nhất của khu đất hương hỏa. Đó là ba gian nhà cấp bốn xây theo lối cổ, khung gỗ, ngói âm. Hiên rộng, cửa thấp, ba gian thông nhau nhưng là ba không gian tách biệt. Gian giữa là nơi thờ tự và thực hiện các nghi lễ cúng bái, vinh danh, khuyến học. Trên chiếu có một mâm cơm vừa được dọn lên, ông cụ thắp hương rồi rì rầm khấn vái. Chiếc án gian chất đầy hoa trái, bánh kẹo, chắc của con cái trong họ đi xa về gần tới dâng lễ. Vả lại, mới hôm trước là mồng Một âm lịch. Sau khi thắp hương thì ông cụ dắt mọi người về phía gian trái của nhà thờ họ và nói, vùng này có ba họ Nguyễn thì họ nhà tôi nhiều đinh nhất. Nhiều đinh nhất nên trong ba cuộc chiến tranh, số thương binh, liệt sĩ cũng nhiều nhất. Tôi bị thương nhưng toàn mạng trở về, nhận nhiệm vụ từ tổ tiên, thay ông cụ thân sinh ra tôi coi sóc nơi thờ cúng của tiên tổ, hay nói cách khác, tôi là trưởng họ Nguyễn. Họ nhà tôi giàu truyền thống cách mạng. Sau khi xây nhà thờ này vào hơn chục năm trước, anh em chúng tôi quyết định dành không gian này làm phòng truyền thống của dòng họ. Nói rồi, ông chỉ lên khoảng tường lớn có treo những bức ảnh và giới thiệu lần lượt. Từ ông cụ thân sinh ra ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Rồi đến ông chú ruột là liệt sĩ chống Pháp. Tới các bà trẻ, bà cô từng là dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Rồi đến lớp chống Mỹ, ai thương binh, ai liệt sĩ, phần mộ nằm ở đâu. Rồi đến thế hệ tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Và tính đến thời điểm hiện tại, những người con của dòng họ đang tham gia các lực lượng vũ trang và cả các lĩnh vực khác đều được ông thuộc vanh vách. Bên trong hai chiếc tủ kính là những kỷ vật của các liệt sĩ, cựu chiến binh đã khuất và cả những người đang sống được các gia đình thành viên gửi tới trưng bày, lưu giữ. Tất cả đều được đặt ở những vị trí trang trọng, dễ quan sát. Hàng loạt bằng khen, huân, huy chương, huy hiệu, cờ thi đua, giấy chứng nhận được gắn trên tường cho thấy ông cụ hoàn toàn có lý do để tự hào.
Rời gian truyền thống, ông cụ chỉ sang gian trái của nhà thờ. Ông nói, gian này là nơi cất giữ những đồ đạc, trang thiết bị, sổ sách, giấy tờ liên quan đến họ tộc từ nhiều đời. Sổ sách khuyến học, khen thưởng, quyết định bổ nhiệm, hồ sơ lý lịch... Rồi ông chỉ lên tấm gia phả rất lớn treo trên tường, giới thiệu cho mọi người. Sau đó ông nói, tôi biết cháu Toàn nhà anh chị rất là ưu tú, bản thân tôi cũng quý cháu lắm dù cháu chỉ về đây đúng một lần cùng bố cháu Liên. Thế nhưng tôi biết, chúng nó có duyên, có phận với nhau đấy. Với lại, nói thật chứ, cháu Toàn mà không ưu tú, thì ngài Đại tá nhà tôi cũng không duyệt đâu. Tất cả từ chủ tới khách đều bật cười sảng khoái vì sự hài hước của ông cụ.
Khi mọi người quay xuống nhà chính thì ba mâm cơm thịnh soạn đã được dọn ra và các bậc tiền bối trong họ cũng đã được mời tới để cùng nhau giao lưu vui vẻ. Ai cũng bất ngờ vì đây là lần đầu tiên Liên tuyên bố có người yêu, lại là một chàng sĩ quan phong độ và còn sắp làm đám cưới. Đúng là trời sinh một cặp. Mẹ Liên thông báo, sắp tới, kỷ niệm Ngày truyền thống của Quân đội, làng tổ chức long trọng lắm. Bố các cháu cũng về. Khi ấy, rất mong các anh chị dưới đó lên dự ạ. Bà Duệ mừng ra mặt và cam kết sẽ đúng hẹn, đó cũng là dịp để hai gia đình bàn bạc ngày cưới cho các cháu.
Vui thế rồi cũng đến lúc phải nói lời từ giã. Trên đường về, khi xe qua cổng làng, bà Duệ thò tay qua vai con trai, véo tai con một cái và nói, mẹ cứ thấy chuyện con lấy vợ giống như một giấc mơ vậy. Toàn bật cười. Ơ, mẹ hay thế. Mẹ phải véo tai mẹ thì mới biết mình có mơ hay không chứ. Sao mẹ lại véo tai con!
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN