- Năm nay nhà mình chơi lớn! Ra tới Phú Thọ thăm Đền Hùng luôn!
Bà vợ kêu trời:
- Ông sao tính chuyện tào lao vậy? Tiền đâu mà đi?
Tám Hùng thủng thỉnh:
- Tui chặt mía thuê, có hai chục triệu bạc đây nè!
- Không được! Để dành mua chiếc xe mới mà đi!
Suốt từ cuối năm ngoái tới tháng Ba năm nay, Tám Hùng quần quật trên đồng cùng tổ chặt mía thuê của ấp. Họ ra đồng lúc hai giờ sáng và về nhà lúc mặt trời xuống khuất sau núi. Nghề chặt mía thuê tuy cực nhưng có tiền. Năm nay các chủ vườn trúng vụ mía, người làm công có thu nhập cao. Xong vụ, ai cũng rủng rỉnh bọc tiền, tự nhiên nảy ra ý thích mua cái nầy, sắm cái kia.
Tám Hùng cười nhạt. Đúng là “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Về Báo Quốc từ cũng chỉ là bái vọng thôi. Nhớ hồi đi bộ đội, có cậu A trưởng quê Phú Thọ vẫn hay kể chuyện về Lễ hội Đền Hùng. Lúc ấy anh nghe cũng chỉ biết vậy, sau thì hằng năm đều xem trên ti vi, báo đài đưa tin. Nhưng năm nay anh bỗng muốn được đi một chuyến đến tận nơi. Anh giải thích với vợ, rằng ngoài Đền Hùng họ làm lễ hội bài bản lắm, không khí lễ hội cũng khác. Cả nước kéo về cơ mà! Anh rỉ tai vợ:
- Trên đền có cái giếng cổ, tương truyền ngày xưa công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái Vua Hùng hay ra soi gương, gội đầu. Giờ phụ nữ ai có được chai nước giếng, về gội đầu ba tuần là tóc dài, óng mượt như hồi mới yêu.
Bà vợ cứ nghe chồng say sưa kể thì cũng thấy ham, ưng bụng liền. Nhưng biết đường nào mà đi?
Tám Hùng bĩu môi:
- Đúng là...! Giờ có xe giường nằm từ bến xe Tây Ninh chạy tuốt ra ngã ba Đền Hùng! Khỏe re!
Mấy ngày sau, không biết mụ vợ Tám Hùng rỉ rả sao đó, mà có gần hai chục người xin đi theo. Tám Hùng chợt nghĩ, sao không thuê một chuyến xe cho khỏe. Thằng Út Chương chạy xe Nam Bắc cũng là người trong ấp, tuyên bố:
- Bà con đi xe giường nằm từ đây ra Đền Hùng, vé cũng triệu bạc một lượt. Ra vô hết hai triệu. Giờ tui thu mỗi người một triệu trọn gói. Đi đường ăn gì cho tui ăn với!
Tiếng vỗ tay rần rần.
Út Chương và cậu em rể thay nhau lái, chạy suốt ngày đêm, chỉ dừng lại lúc ăn cơm hoặc đổ xăng. Lên xe lúc chiều muộn, mờ sáng ngày mốt đã qua địa phận Hà Nội, chớm đất Vĩnh Phúc. Chạy một hồi lâu lâu, tới cầu Việt Trì. Qua khỏi cầu, Út Chương chỉ về phía xa xa, nơi có một ngọn núi xám mờ, chùm ngang một tấm mền sương khói màu xám trắng. Đền Hùng ở trên núi đó! Nhìn vậy, chớ còn cách mấy chục cấy số nữa. Có tiếng ai xuýt xoa.
- Nhìn thấy giống núi Bà phía Tân Biên đi sang hén!
Dọc đại lộ Hùng Vương chạy giữa thành phố Việt Trì, cờ hoa, băng rôn rực rỡ hai bên đường. Tiếng loa truyền thanh rộn rã những tiết tấu lạ. Vẫn là Út Chương giải thích:
- Người ta hát xoan đó! Nghe nói điệu xoan này có từ thời Vua Hùng!
- Ủa! Sao thứ gì cũng hay vậy Út Chương?
- Thì năm nào tui cũng có một hai chuyến ra Đền Hùng! Hồi tháng Giêng, mới chạy một chuyến khai xuân đó.
Út Chương chỉ hai trụ cổng bằng đá, lối Quốc lộ 2 rẽ vô Đền Hùng:
- Cái cổng đá này mới làm mấy năm nay, trước không có! Đền Hùng giờ thay đổi nhiều lắm!
Người, xe đông nghịt ngay từ ngoài cổng. Út Chương nói, bà con xác định là lội bộ từ bãi gửi xe vô cổng đền nha.
Dòng người đông đúc, chen chân tiến dần về phía cổng đền. Mấy bà trong đoàn mệt đừ, thở ra đằng tai. Vợ Tám Hùng là người lanh lẹn, thấy cái nhà bự chà bá ghi “Bảo tàng Hùng Vương” liền kéo cả đoàn vô trong, vừa tham quan vừa nghỉ ngơi chút đã.
Mụ vợ Tám Hùng nhéo vai chồng, nhắc vụ tới giếng xin nước gội đầu.
- Từ từ đã má!
Mụ phụng phịu như con nít.
- Không lẹ chân, người ta xin hết nước còn đâu?
- Trời ơi! Bà ngồi múc cả tháng giếng cũng không hết nước!
Sau một chặng hành hương, lên đến đỉnh Nghĩa Lĩnh, cuối cùng đoàn đã xuống tới Đền Giếng. Mấy bà bảo nhau ngồi dưới mấy gốc cây si xanh mát, buông rễ như tấm mành. Thấy mấy cô gái mời chào nhiệt tình quá, một bà mua gói bánh chè lam ăn thử. Thứ bánh dẻo màu nâu trộn trong bột gạo nếp trắng mịn, ăn xong cảm nhận vị gừng cay lẫn trong vị ngọt.
- Bánh chi lạ hè! Lại ngon quá! Mình mua về làm quà đi! Không có tủ lạnh, có mang về tới Tây Ninh được không ta?
- Dạ! Đã có bột nếp bảo quản bên trong, các cô chú để cả tháng cũng được ạ!
Vậy là giành nhau mua. Cô bán hàng phải kêu bạn mang thêm bánh tới. Tám Hùng cầm miếng chè lam, ngó quanh định đưa cho vợ mà không thấy bả đâu.
- Ủa! Chớ mụ vợ tui đâu?
Mọi người nháo nhác. Ủa chớ vợ Tám Hùng đâu? Lúc thăm mộ Tổ, thấy bả còn thắp nhang khấn vái chi đó, lâu lắm mà. Coi chừng lạc nhen. Gọi điện thoại coi. Chuông điện thoại reo trong túi Tám Hùng.
- Trời ơi! Bả sợ mất, nên đưa điện thoại tui giữ. Bà con ngồi chờ tui chút nhen!
Út Chương khuyên:
- Lội ngược kiếm nếu không thấy bả, anh nhờ người ban tổ chức gọi loa thông báo tìm người lạc nhen!
Tám Hùng quày quả quay lên Đền Trung, chạy nhảy qua hai bậc đá một lượt. Vợ ơi là vợ! Anh cắm đầu nhìn xuống đất, chen bừa qua những đôi chân đang bước từ phía trên xuống.
Tám Hùng vẹt đám đông, chạy gấp, hơi thở cố nén lại mà vẫn bật ra khỏi lồng ngực phà phà. Mồ hôi chảy ròng ròng từ trán xuống mặt. Điện thoại rung trong túi quần, anh dừng lại xem, thấy số lạ hoắc:
- A lô! Xin lỗi có phải số anh Tám Hùng không ạ?
Giọng một người đàn ông miền Bắc.
- Dạ! Tui là Tám Hùng đây! Có việc chi vậy anh?
- Chị vợ anh nhờ tôi gọi cho anh. Anh nghe máy nhé.
Vợ Tám Hùng nói quên mất là không cầm điện thoại nên nhờ gọi báo cho chồng biết đỡ lo. Anh dặn vợ đứng yên chỗ ấy đợi anh đến, rồi cảm ơn người đàn ông, thở phào. Anh đoán ngay, sống chết gì mụ vợ cũng tới Giếng Rồng để xin nước gội đầu. Khổ thiệt ông trời ơi! Cái tật thích làm đẹp của đàn bà, chị em nào cũng vậy thôi, nhưng sao vợ mình ngố quá, đi cũng không nói một câu.
Giữa đám đông vây quanh cái giếng cổ, không thấy mụ vợ đâu, Tám Hùng đang định gọi lại cho người đàn ông lạ, bỗng giật mình vì có người nhảy lên, ôm choàng sau cổ. Ngoảnh lại, thấy màu áo tím trĩu trên lưng, anh cười, la lên:
- Mụ mập hả? Đi đứng kiểu gì ác nhơn vậy bà?
- Híc! Em muốn kiếm chai nước! Em xin lỗi...!
Tám Hùng nở từng khúc ruột, khi nghe vợ xưng em ngọt ngào. Ngày thường mụ cứ lạnh tanh ông, tui. Có lúc còn nghiến răng, trợn mắt thấy ớn.
- Xin được nước chưa?
- Rồi!
Mụ quay sang người đàn ông bên cạnh:
- Dạ con cảm ơn thầy!
- Có gì đâu chị! Chị tìm thấy chồng là mừng rồi ạ!
Tám Hùng lúc đó mới để ý đến người đàn ông bận đồ đà, đầu cạo trọc, đứng sau lưng mụ vợ. Nụ cười hiền lành thấy sao quen quá. Người này chắc cũng chỉ trạc tuổi anh. Ông ta cầm chai nước cho vợ Tám Hùng, cười:
- Chuyện gội đầu bằng nước giếng tóc đẹp ra chỉ là tương truyền thôi.
- Ô! Cái nhà ông này sao giống người bạn của tôi hồi bộ đội? Trời đất! Đây không phải cậu “Tiến gọng” A trưởng của mình hay sao! Tôi Tám Công đây-Tám Hùng reo lên.
- Đồng chí Huỳnh Tấn Công đúng không? Nhưng sao lại hóa ra tên Tám Hùng nào?
Mọi người tò mò nhìn hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau. Tám Hùng vỗ lên lưng người bạn cũ, hỉ hả:
- Ha ha. Tám Công hay Tám Hùng cũng là tui cả. Còn A trưởng sao lại vô chùa đi tu như vậy?
- Tôi làm thủ từ một năm thôi! Lệ làng tôi có từ lâu rồi, mỗi năm chọn một người lên đền làm thủ từ, có nghĩa là trông nom, quét dọn, hương khói ở đền. Sang năm chọn người khác. Mà chọn người không dễ đâu, phải là gia đình còn nguyên cặp vợ chồng, là người cao tuổi mẫu mực, con cháu ngoan ngoãn thảo hiền.
Cuộc chia tay bịn rịn, xúc động. Ông thủ từ bận trăm thứ việc trong mấy ngày lễ hội, không thể tiếp đón vợ chồng Tám Hùng được.
- Thôi lo công chuyện đi! Có số điện thoại rồi, ta bố trí gặp nhau lần khác! Giờ tui đưa mụ vợ về nơi tập kết không mọi người lo lắng.
Từng bậc đá lại dẫn những bước chân xuống núi. Nắng tháng Ba rực rỡ và nóng hổi. Tám Hùng đi đằng sau, bất chợt thấy mái tóc vợ như dài thêm ra, đen nhánh.
    |
 |
Tác giả Phùng Phương Quý. |
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Lễ hội Đền Hùng nhằm ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch, được tổ chức trọng thể hằng năm tại núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lễ Giỗ Tổ đặc biệt chỉ có ở Việt Nam để nhắc nhở người dân nhớ về cội nguồn dân tộc, thể hiện tinh thần thương yêu, đoàn kết của người Việt chung một cội nguồn. Không khí linh thiêng, tưng bừng của lễ hội, tấm lòng thành kính của người dân trăm miền được tác giả Phùng Phương Quý khắc họa qua truyện ngắn "Sương khói tháng Ba" tạo nhiều cảm xúc cho người đọc. (Nhà văn ĐỖ XUÂN THU) |
Truyện ngắn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ