Tôi vốn là một chiến sĩ văn nghệ sư đoàn trong chiến trường, trở thành cán bộ sáng tác của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi về học tập 8 năm tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ra trường, trải qua 10 năm chỉ đạo nghệ thuật, lãnh đạo hai đoàn văn công chuyên nghiệp: Đoàn Nghệ thuật Quân khu 3 rồi Đoàn Ca múa nhạc Hà Nam Ninh (từ năm 1992 là Đoàn Ca Múa nhạc Nam Hà); tiếp đó làm giảng viên, Trưởng khoa Âm nhạc và phụ trách Nhà hát thực nghiệm Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Suốt quá trình đó, tôi có sự gắn bó mật thiết và rất nhiều kỷ niệm với ca khúc đặc biệt này.

Với nhạc sĩ Phạm Tuyên, ngay trong thập niên 60, nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi từng biểu diễn, dàn dựng nhiều tác phẩm rất hay của ông như "Bài ca người thợ rừng", "Những cánh chim Hồng Gấm", "Hà Nội-Điện Biên Phủ"... và được chúng tôi biểu diễn nhiều nhất là tốp ca nam với bài "Đêm trên Cha Lo".

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ sáng tác tại bờ sông Thanh (Quảng Nam) năm 1974. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Tháng 3-1975, ngay sau Chiến thắng Buôn Ma Thuột, tôi được cử đi thâm nhập thực tế chiến trường để viết bài hát cho Đoàn. Lúc đầu là đi cùng với các diễn viên, vòng qua đất Lào, vừa đi vừa biểu diễn cho các đơn vị bộ đội đang chốt giữ dọc tuyến đường từ cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị đến ngã ba biên giới tỉnh Kon Tum. Sau đó, tôi được lệnh tách ra, đi cùng Sư đoàn 471 chở hàng tiếp viện từ miền Bắc vào Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung đang lần lượt được giải phóng. Những ngày đó, việc đón nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin chiến thắng trên khắp các mặt trận khiến tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ tiền phương vô cùng nao nức, càng tăng thêm nhiệt huyết và ý chí tiến tới, quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Khi quân ta tiếp tục đánh lớn tại Xuân Lộc (nay thuộc Đồng Nai), theo lệnh của cấp trên, tôi vẫn cắm chốt tại Sư đoàn 471. Dự cảm về ngày toàn thắng sẽ đến, tôi bắt đầu nghĩ đến việc viết bài hát nói lên niềm vui sướng của những người lính Trường Sơn khi được đặt chân đến Sài Gòn. Bài hát còn đang dang dở thì chiều 30-4, sau bản tin đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam phát trên loa truyền thanh công suất lớn treo gần cổng Sư đoàn 23 quân ngụy cũ ở thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), vang lên bài ca hào hùng; như tiếng reo tưng bừng, nao nức của toàn dân tộc Việt Nam, tiếng kèn chiến thắng oai phong, ngạo nghễ mà bình dị đến lạ thường: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm Dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công...". Và đoạn điệp lời "Việt Nam-Hồ Chí Minh" vang lên hòa với tiếng hò reo hân hoan, vui sướng không sao tả xiết của tôi cùng hàng trăm bộ đội và người dân.

Ngay ngày hôm sau, được lệnh cấp trên, tôi theo xe đơn vị xuống Nha Trang, trở về với đội hình Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn. Chúng tôi nhanh chóng biên tập, dàn dựng chương trình chuẩn bị vào Sài Gòn biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Bài hát "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" trở thành tâm điểm để mở đầu và cũng dùng kết thúc chương trình. Trong những tối biểu diễn ở vùng Gò Vấp, Củ Chi ven đô Sài Gòn, khi sân khấu vang lên lời ca "Việt Nam-Hồ Chí Minh" thì không chỉ có toàn đơn vị bộ đội ngồi xem, mà hàng trăm người dân có mặt, dù còn đang ngần ngại, e dè trước sự biến đổi quá nhanh của cuộc chiến, vẫn cùng hớn hở vỗ tay theo nhịp điệu bài ca.

Trong 10 năm chỉ đạo nghệ thuật và lãnh đạo một số đơn vị nghệ thuật cả trong và ngoài Quân đội, mỗi dịp kỷ niệm ngày 30-4 rồi 19-5, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, với hàng nghìn buổi diễn trên địa bàn vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vào cả Thanh Hóa, Nghệ An, bài hát ấy thường xuyên là màn kết thúc chương trình. Người dẫn chương trình của chúng tôi sẽ mời tất cả khán giả hát hòa theo, tạo nên bầu không khí vô cùng vui tươi, thân mật giữa người diễn với người xem.

Khi chuyển về công tác tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, bài hát ấy lại đem đến những kỷ niệm mang màu sắc mới. Chả là công tác tuyển sinh hằng năm, ngoài tiêu chuẩn về văn hóa, thí sinh phải thi hai môn năng khiếu múa và âm nhạc. Trong môn năng khiếu âm nhạc, mỗi thí sinh phải thi lấy điểm về thẩm âm (bắt chước cao độ), về tiết tấu (bắt chước gõ các dạng tiết tấu từ đơn giản đến phức tạp) do giảng viên chấm thi làm mẫu và cuối cùng là hát biểu diễn một bài ca ưa thích. Đa số em có năng khiếu múa tốt thường không giỏi về ca hát. Vì thế, nhiều em chọn bài hát ngắn gọn, dễ hát, dễ thuộc. Và một lựa chọn tốt chính là bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng". Cuộc thi chung khảo cho hệ 7 năm năm ấy, có thí sinh nữ, người dân tộc Sán Dìu, quê ở huyện Bát Xát (Lào Cai). Sau khi thi thẩm âm và tiết tấu, em quên chưa tự giới thiệu sẽ biểu diễn bài gì, đã hắng giọng hát luôn: "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng...". Hình như em nói tiếng Kinh chưa sõi nên nhiều từ phát âm lơ lớ, ngọng nghịu, nhưng nghe lại rất cảm tình. Đến đoạn điệp lời, em hát "Việt Nam-Hồ Chí Minh" câu thứ nhất rồi vung nắm tay hô rất to: "Việt Nam!" thay vào chỗ ngân cuối câu. Hát hết câu thứ hai, em lại vung nắm tay hô to không kém: "Hồ Chí Minh!". Tôi với một giám khảo chấm thi, lúc đầu nghe em hô xen giữa các câu hát còn ngạc nhiên vì bất ngờ, nhưng rồi hiểu rằng, em đang biểu diễn hết mình với bài ca. Đến câu hát nhắc lại "Việt Nam-Hồ Chí Minh" lần thứ ba, không ai bảo ai, rất tự nhiên, cả hai thầy cô giám khảo cùng hô với thí sinh: "Việt Nam!" và sau câu điệp lời lần thứ tư, lại cùng hô: "Hồ Chí Minh!".

leftcenterrightdel

 Khối rước ảnh Bác Hồ trong Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2024. Ảnh: TUẤN HUY

Chắc việc giám khảo cùng hô hưởng ứng đã làm em bất ngờ nên có phần hơi hoảng hốt. Tôi ngồi vào đàn piano rồi động viên em: "Rất tốt. Em hát lại đi". Trong phòng thi, đàn piano dùng để giám khảo “ra đề”, lấy điểm thẩm âm. Phần biểu diễn bài hát, thí sinh tự hát, tự diễn, không có đệm đàn. Nhưng hôm ấy, hát hết lần một là thí sinh đã hoàn thành bài thi, đạt yêu cầu tốt rồi. Còn sau đó, thí sinh hát, tôi đệm đàn piano, cô giáo gõ nhịp bằng thước lên mặt bàn, hòa với tiếng hát của em nhỏ người dân tộc Sán Dìu quê tận miền núi cao xa xôi là ngẫu hứng ngoại lệ. Bài hát vô cùng quen thuộc, em thiếu niên với ánh mắt ngây thơ vừa hát, vừa hô, lời ca còn ngọng nghịu và hai giám khảo cùng hòa với tiếng hô của em vang lên hào hùng, sôi nổi. Hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng giám khảo đang ngồi chấm năng khiếu múa ở phòng bên nghe thấy lạ, vội chạy sang xem xảy ra chuyện gì, đúng lúc thí sinh vừa hát, hai giám khảo vừa đàn, vừa gõ say sưa cùng hô lên: "Hồ Chí Minh". Nhìn cảnh đó, bà chợt hiểu mọi chuyện. Thế là bà bước đến, thân mật ôm chầm lấy em thí sinh bé nhỏ và khen: "Em giỏi lắm! Giỏi lắm!".

Tuy đã về hưu nhiều năm, tôi vẫn tham gia sáng tác, dàn dựng các chương trình ca nhạc. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Câu lạc bộ nghệ thuật Phong lan Trường Sơn do tôi làm Chủ nhiệm đang luyện tập một chương trình ca nhạc đặc biệt, biểu diễn tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Chương trình có các tiết mục hát múa tưng bừng mang không khí ngày vui toàn thắng, có bài hát lắng sâu ca ngợi công ơn Bác Hồ, rồi ca ngợi chiến sĩ Trường Sơn... có cả các tiết mục chào mừng những vị khách Đại sứ quán các nước: Lào, Campuchia, Cuba cùng đến dự. Và tất nhiên, sẽ kết thúc chương trình bằng bài hát "Như có Bác trong ngày vui đại thắng", để tất cả sẽ lại cùng hòa nhịp hát vang lên lời ca mang niềm tự hào, niềm kiêu hãnh cũng là thông điệp hòa bình của dân tộc ta: "Việt Nam-Hồ Chí Minh. Việt Nam-Hồ Chí Minh".

Nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú VŨ MINH VỸ