Tháng 5 vừa rồi, tại Hà Nội, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Chương trình văn nghệ chào mừng mở đầu bằng màn hát múa tập thể với ca khúc “Hào khí Trường Sơn” của Đào Hữu Thi, một nhạc sĩ rất quen thuộc với hàng vạn cựu chiến binh Trường Sơn. Bởi những bài hát viết về Trường Sơn, viết về người lính của anh luôn dạt dào cảm xúc, nhiều bài có sức lan tỏa rộng rãi.

Tôi cũng từng dàn dựng các nhạc phẩm của anh như: “Tình em gửi trọn con đường”, “Đường Trường Sơn trăm ngả”, “Em là cô gái Trường Sơn”... không chỉ vì những bài hát đó gắn với thời kỳ chiến tranh khói lửa trên tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh, mà giữa chúng tôi còn có rất nhiều kỷ niệm khi cùng là thành viên tổ sáng tác của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn, rồi tiếp tục cùng theo học hai khóa sáng tác hệ trung cấp và đại học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Từ năm 1971, Đào Hữu Thi là Đội trưởng Đội Văn nghệ Sư đoàn 473, còn tôi là nhạc công, cán bộ sáng tác của Đội Văn nghệ Sư đoàn 471, cùng thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn. Đào Hữu Thi sinh năm 1944 tại Hà Nội. Sau cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quân năm 1974, hai anh em được điều về tổ sáng tác của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn.

leftcenterrightdel

 Nhạc sĩ Đào Hữu Thi. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ngày 10 và 11-3-1975, hai sư đoàn của Bộ tư lệnh Trường Sơn là Sư đoàn Bộ binh 968 được giao nhiệm vụ đánh nghi binh, Sư đoàn Công binh 470 mở đường bí mật cho xe tăng bất ngờ xuất hiện, góp phần cùng quân chủ lực của ta tiến công giải phóng hoàn toàn thị xã Ban Mê Thuột (sau giải phóng năm 1975 đổi là Buôn Ma Thuột), thủ phủ quan trọng bậc nhất vùng Tây Nguyên. Sáng 14-3-1975, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn đang đóng quân ở Gio Linh (Quảng Trị) nhận lệnh lên đường đi biểu diễn. Lúc này đội kịch của đoàn đang dựng vở tại Hà Nội chưa vào. Đội chèo và đội ca múa chia làm hai mũi, đi phục vụ các đơn vị cả hai phía Đông và Tây Trường Sơn. Tôi và anh Đào Hữu Thi là hai nhạc sĩ đi với nhóm phía Tây. Tất cả 36 người hành quân bằng xe tải theo Đường 9 vượt Cửa khẩu Lao Bảo sang đất Lào. Vừa đi vừa biểu diễn phục vụ bộ đội, ngày 23-3-1975, tôi và Hữu Thi được lệnh tách khỏi đoàn, đi theo xe chở hàng chi viện cho chiến trường miền Trung. Từ Ban Mê Thuột, theo sau những trận đánh của quân giải phóng, chúng tôi xuống Nha Trang, qua dọc các tỉnh Nam Trung Bộ, cùng Sư đoàn bộ Sư đoàn 471 vào trú tại Tổng kho Long Bình. Sau đó, chúng tôi hội nhập với Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn từ Quảng Trị hành quân vào biểu diễn ở khu vực Sài Gòn vừa giải phóng. Rất nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm đẹp gắn bó giữa hai anh em trong những ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước này.

Giữa năm 1976, tôi và Hữu Thi cùng một đồng đội trong tổ sáng tác được cử ra dự thi vào Nhạc viện Hà Nội. Trong thời gian học, hai anh em vừa học, vừa đi sáng tác, dàn dựng chương trình ca nhạc cho các nhà máy, xí nghiệp, công ty, cửa hàng. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp hệ đại học sáng tác chính quy 5 năm, Đào Hữu Thi trở lại Binh đoàn 12 công tác, sau đó, chuyển ngành ra làm giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. 

Năm 1999, trong cuộc họp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày mở đường Trường Sơn, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, các cựu chiến binh Trường Sơn từ nhiều tỉnh, thành phố trở về, gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Có người tay chân không còn lành lặn cứ ríu ran hỏi thăm nhau, bạn bè, đồng đội ai mất, ai còn... Chứng kiến cảnh xúc động đó, Đào Hữu Thi đã viết thành ca khúc “Nỗi nhớ cựu chiến binh” với lời ca chân thành, giản dị: "Gặp lại nhau đây/ Những cựu chiến binh, tưởng như năm tháng ngày xưa hiện về/ Gặp lại nhau đây, ai còn? Ai mất?/ Để lòng tôi xao xuyến bồi hồi”...

Giai điệu như kể chuyện ban đầu, khi nhắc đến “Ai còn? Ai mất” bỗng vút lên thành nỗi nhớ trong hồi tưởng thiết tha: “Ôi! Những tháng năm mà ta không thể nào quên/ Những tháng năm cùng nhau chia bom sẻ đạn” để rồi: “Gặp nhau hôm nay/ Lòng sao bâng khuâng không nói nên lời”.

Bài hát như nói hộ tâm tình những người cựu chiến binh không quên bao tháng năm gian khổ ác liệt nơi chiến trường, nay trở về quê hương, vẫn luôn nhớ và mong gặp lại những đồng đội thân thương. Có lẽ vì thế mà bài hát có sức lan tỏa rộng rãi, được dàn dựng biểu diễn ở nhiều nơi. Và cho dù là đơn ca hay hát tập thể, bài hát vẫn gây xúc động cho người nghe.

Tháng 12-2012, bằng tấm lòng, tình cảm của một cựu chiến binh đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp-vị tướng chỉ huy lỗi lạc tài ba, nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã hoàn thành ca khúc “Anh Văn của đồng đội”, trong đó có đoạn: “Cả cuộc đời đã dâng trọn nước non/ Đã vượt lên những tháng năm dẫu thăng trầm lịch sử/ Trong trái tim ôi thiết tha thắm nghĩa tình đồng đội/ Cả đời Anh, cả đời Anh luôn giữ trọn niềm tin”...

Bài hát ngợi ca vị tướng của Quân đội ta, vị tướng của lòng dân, nhưng nhạc sĩ không viết theo thể tụng ca ngân nga rộng dài thường thấy, mà viết theo thể hành khúc của người lính. Vẫn phong cách lời ca giản dị, ngắn gọn, súc tích, cùng giai điệu ấm áp, tràn đầy tin tưởng, yêu thương, qua bài hát hiện lên hình ảnh một vị tướng huyền thoại mà vô cùng gần gũi, không chỉ với những người lính mà với cả mọi tầng lớp nhân dân: "Như vì sao tỏa sáng khắp muôn nơi/ Mỗi ánh sao là chiến công huyền thoại"... Khi Đại tướng vĩnh biệt cõi trần, bài hát này đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam gây xúc động sâu sắc cho người nghe.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Đào Hữu Thi (ngồi thứ nhất, từ phải sang) cùng các nữ nghệ sĩ cựu chiến binh Trường Sơn. 

Cả hai tác phẩm “Nỗi nhớ cựu chiến binh” và “Anh Văn của đồng đội” cùng ca khúc "Huyền thoại con đường" sáng tác trước đó đều đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được nhiều đơn vị dàn dựng biểu diễn. Đặc biệt tác phẩm "Nhớ về Trường Sơn" của anh từng đoạt Giải thưởng văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng giai đoạn 1999-2004. Mới đây, ca khúc "Em là cô giáo vùng cao" của nhạc sĩ Đào Hữu Thi được trao giải nhất cuộc thi "Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Hàng chục ca khúc viết về Quân đội, về các ngành nghề, về thiếu nhi và một số tác phẩm khí nhạc của anh đã trở thành tiết mục phát sóng trên các kênh VTV, VOV, HTV... 

23 năm trong quân ngũ và tiếp sang nghề giảng dạy âm nhạc ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Đào Hữu Thi đã sáng tác hàng trăm bài hát, trong đó phần lớn về đề tài Quân đội và Trường Sơn, một số bài về đề tài thầy cô giáo và học sinh, thiếu nhi... Từ khi về hưu đến nay, nhạc sĩ Đào Hữu Thi không chỉ tiếp tục sáng tác hàng chục ca khúc mới mà còn tham gia dàn dựng, đạo diễn chương trình ca múa nhạc cho nhiều xí nghiệp, trường học, câu lạc bộ văn nghệ, nhất là văn nghệ cựu chiến binh Trường Sơn. Anh chính là người đứng ra thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ cựu chiến binh Trường Sơn để góp phần giáo dục truyền thống đường Trường Sơn anh hùng. Anh cũng từng tổ chức rất thành công hai đêm nhạc riêng nhân kỷ niệm 55 năm và 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (tháng 5-2014 và tháng 5-2019)... 

Hiện nay, nhạc sĩ Đào Hữu Thi là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn. Với những thành tích xuất sắc, những cống hiến về văn nghệ cho Hội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Đào Hữu Thi đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2019. Anh thật xứng đáng với danh hiệu mà đồng đội thường gọi là “nhạc sĩ của Trường Sơn”, hay là "người kể chuyện Trường Sơn bằng âm nhạc", xứng đáng là nhạc sĩ trưởng thành từ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà giáo Ưu tú, nhạc sĩ VŨ MINH VỸ