Âm nhạc gồm hai thành phần chính là thanh nhạc và khí nhạc. Thanh nhạc hiểu đơn giản là phần lời bài hát được ca sĩ thể hiện để diễn tả, bày tỏ ý tưởng, cảm xúc, tâm tư tình cảm. Khí nhạc là âm thanh thuần túy của những loại nhạc cụ nên khá trừu tượng, gây cảm xúc và sự liên tưởng cho thính giả. Trong thực tế, thanh nhạc gắn với khí nhạc đã gây tác dụng mạnh với người nghe, người xem. Biểu diễn khí nhạc mà đặc trưng là nhạc thính phòng thường kén người nghe, ít được phổ biến hơn.

Trải qua thời gian, với khả năng sáng tạo không giới hạn, con người đã cho ra các dòng âm nhạc khác nhau, như: Pop, rock, country music (nhạc đồng quê), EDM (nhạc dance điện tử), jazz, blues, dance (nhạc sàn), acoustic, ballad. Ở Việt Nam, trong lịch sử âm nhạc có các dòng nhạc chính, gồm nhạc dân gian với nhiều loại hình khác nhau và ở thời hiện đại đã tiếp thu ảnh hưởng của nhạc phương Tây. Theo thời gian, dòng nhạc phát triển thành nhiều hướng với các trường phái khác nhau, trong đó có dòng nhạc tiền chiến, nhạc cách mạng và nhạc nhẹ hiện đại với tên gọi quen thuộc là nhạc xanh hay nhạc trẻ. Hiện nay, từ dòng nhạc trẻ cũng xuất hiện nhiều phong cách sáng tác, biểu diễn khác nhau, hòa trộn giữa các thể loại pop, rock, EDM, jazz và blues.

leftcenterrightdel

Đoàn Văn công Hải quân luyện tập một tiết mục nghệ thuật với. Ảnh: LÊ THÔNG

Từ lâu, âm nhạc đã là một trong những nguồn giải trí không thể thiếu của con người. Các loại nhạc có tiết tấu nhanh như disco, chachacha, pop... giúp chúng ta tỉnh táo, năng động và nhạy bén hơn. Những bản nhạc không lời, piano, baroque... còn giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống. Thường xuyên nghe nhạc giúp con người nâng cao sự tập trung, rèn luyện trí não, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp.

Một trong những tác dụng của âm nhạc mà các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, đó là phản ánh trí tuệ, tư tưởng, cũng như tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến cảm xúc. Âm nhạc làm rung động tình cảm lắng đọng trong tâm hồn của mỗi con người; chắp cánh cho sức tưởng tượng được bay bổng; giúp mọi người nhận thức, yêu đời và yêu cuộc sống hơn. Tôi rất đồng tình với nhận định của một số nhà nghiên cứu khi cho rằng, âm nhạc tác động lớn đến quá trình hình thành, phát triển tâm hồn, nhân cách và thậm chí là nhận thức và chính trị của mỗi người. Âm nhạc cũng được xem là phương diện hiệu quả để giáo dục con người phát triển toàn diện.

Cảm xúc của con người là một trạng thái ẩn sâu trong tâm hồn mà ta không thể nghe, nhìn, ngửi, chạm, nếm được. Mỗi người đánh thức cảm xúc của mình qua một bài hát, một khúc nhạc không chỉ bằng giai điệu, ca từ mà còn bởi cảm giác mà bài hát đó mang lại. Âm nhạc giúp chúng ta cảm nhận được từng ngõ ngách sâu thẳm nhất trong tâm hồn. Khi tâm hồn hòa nhịp vào những giai điệu, ca từ của bản nhạc sẽ giúp con người xoa dịu những nỗi thống khổ, buồn phiền, hành động nhân văn. Nói một cách khác, đây chính là phương diện truyền tải cảm xúc trọn vẹn và tuyệt vời nhất...

leftcenterrightdel
 Tiết mục nghệ thuật của Binh chủng Hóa học tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT, học sinh, sinh viên lần thứ X, Khu vực 3, tại Hà Nội. Ảnh: THỊNH HOÀNG 

Là thế hệ sinh ra trong hòa bình, khi tiếp xúc với nền âm nhạc Việt Nam một cách bài bản và chuyên nghiệp, nhất là khi trực tiếp hát phục vụ khán giả, khi nghiên cứu những bản nhạc cách mạng mà nhiều người vẫn gọi là nhạc đỏ, tôi thấy rằng dòng nhạc này có điểm chung. Về nội dung, các bản nhạc ấy thường rất chặt chẽ về tư tưởng và mang tính cộng đồng, ít mô tả cái tôi cá nhân. Trong mỗi bản nhạc, tình yêu cá nhân luôn gắn bó với tình yêu quê hương, đất nước, cộng đồng; gắn với chiến đấu, lao động, học tập, công tác. Nhạc ca ngợi tình yêu đôi lứa trong sáng, thủy chung chứ không ủy mị, bi ai, thất tình, yếu đuối.

Những ca khúc tôi yêu thích và hay biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân, như: “Tổ quốc gọi tên mình”, “Tôi là người thợ lò”, “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”, “Người chiến sĩ ấy”, “Đêm tuần tra cùng sóng gió”, “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Lá đỏ”, “Đất nước tình yêu”... thường được đông đảo khán giả hưởng ứng nhiệt tình.

Tôi nhớ, trong một lần đi biểu diễn phục vụ hội nghị, một cựu chiến binh đã gặp và xúc động nắm chặt tay tôi. Ông chia sẻ rằng, trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đơn vị của ông ở ngay sát nách quân địch và liên tục bị chúng truy quét, thiếu gạo, thiếu muối, bị sốt rét hành hạ chết đi sống lại. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn đó, những ca khúc cách mạng đã cho ông và đồng đội thêm sức mạnh để vượt qua gian khó, hy sinh. Cũng chính những ca khúc ấy đã giúp ông có thêm nghị lực vượt qua khó khăn của cuộc sống sau này, có điều kiện xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Cũng chính từ những ca khúc trên, chính sự yêu mến của khán giả đã giúp tôi nuôi dưỡng tâm hồn mình và có bước tiến trong âm nhạc. Đến nay, tôi đã sáng tác được nhiều ca khúc về người lính, trong đó về Bộ đội Hải quân chiếm tỷ lệ lớn. Đối với tôi, âm nhạc là lẽ sống, là nguồn nuôi cảm xúc bất tận.

Cuối năm 2023, tôi đến với Trường Sa. Vào đêm sau khi biểu diễn, tôi lang thang ra bờ kè. Ở đó, tôi nghe tiếng sóng rõ hơn lẫn trong âm thanh của gió biển mặn mòi; tôi nhìn thấy ánh trăng hạ tuần chênh chếch tỏa ánh sáng mờ ảo xuống mặt biển đen thẫm. Ở đó, tôi thấy hình ảnh người chiến sĩ đứng gác với cây súng trên vai. Về nhà, lên giường ngủ nhưng tôi không thể chợp mắt vì những âm thanh của gió, của sóng biển và hình ảnh người chiến sĩ đứng gác cứ quấn chặt trong tâm tưởng tôi. Và tôi bật dậy viết thành ca khúc theo âm hưởng dân ca có tên “Yêu anh người lính đảo”, trong đó có những ca từ da diết, nhưng không mất đi vẻ đẹp kiêu hùng, lãng mạn và ý chí của người lính giữ đảo: “Trường Sa ơi! Trường Sa cơn sóng dữ vẫn ngày đêm thét gào, tiếng quê hương gửi gắm các anh đó, mỗi tấc đất là máu xương Tổ quốc, súng chắc trong tay hiên ngang gìn giữ đảo quê hương”. 

Hiện nay, do điều kiện kinh tế-xã hội phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng, thị hiếu âm nhạc của các đối tượng trong xã hội đa dạng hơn. Bên cạnh những người yêu thích dòng nhạc cách mạng truyền thống và nhạc trẻ thì các bạn trẻ hiện nay tìm đến dòng nhạc trẻ sôi động pha trộn bởi nhiều thể loại nhạc khác nhau. Nhưng thật đáng buồn là nhiều bạn không biết chọn lọc và hưởng thụ âm nhạc phù hợp, đã làm mất đi cái hay, cái đẹp của âm nhạc.

Trong một buổi giao lưu gần đây tại một trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, một “ca sĩ nhí” đã xung phong giao lưu với một bài hát của tác giả mà tôi không nhớ nổi tên, theo phong cách nhạc hiện đại, sôi động. Nhưng đáng buồn là lời bài hát ấy chẳng ăn khớp gì với hoàn cảnh, thậm chí còn hết sức phản cảm. Kết thúc phần biểu diễn, nhiều bạn trẻ vỗ tay tán thưởng. Lúc ấy, tôi hơi "AQ" một chút để khỏa lấp nỗi buồn. Tôi cho rằng, những tràng pháo tay ấy chỉ là sự lây lan nhất thời có ý cổ vũ cho sự mạnh dạn của người biểu diễn mà thôi.

Từ nhiều năm trước, ở nước ta xuất hiện, tồn tại một thứ nhạc thị trường giống như loại “thức ăn đường phố” không được kiểm soát về vệ sinh, an toàn thực phẩm mà truyền thông vẫn gọi là “nhạc bẩn”. Đó là những bản nhạc đầy chất nhảm nhí, phản cảm. Tuy không được coi là một sản phẩm nghệ thuật vì sự ra đời nhằm thỏa mãn thú vui cá nhân, lấp đầy thói hư danh ích kỷ, nhưng lại được nhiều người đón nhận. Có thể khẳng định, những sản phẩm ấy tác động tiêu cực đến văn hóa, nghệ thuật, tâm lý, cảm xúc của khán giả.

Đáng buồn là dù bị phê phán kịch liệt nhưng những ca khúc “nhạc bẩn” vẫn ra đời, thậm chí ngày càng nhiều hơn. Có hiện tượng đó là bởi vì cái lợi trước mắt trong thu tiền quảng cáo từ YouTube và sự ham thích nổi tiếng mà nhiều người đã lao vào sáng tác thể loại nhạc này rồi bung lên truyền thông, mạng xã hội, khiến thị hiếu âm nhạc lành mạnh bị vấy bẩn. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là giới trẻ, những người chưa có khả năng và tâm lý ổn định để phân biệt lợi hại từ việc quen nghe, xem “nhạc bẩn”. 

Tôi cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ và quyết liệt trong việc phát hiện, ngăn chặn thể loại nhạc này xuất hiện trên không gian mạng và trong công chúng. Bởi nếu không được kiểm soát chặt chẽ, nó sẽ như một loại ma túy, làm vẩn đục tâm hồn giới trẻ. Đây chính là căn nguyên khiến tình yêu âm nhạc và niềm cảm hứng từ âm nhạc bị thui chột và phát triển què quặt. 

Ca sĩ THANH TRÚC, Đoàn Văn công Hải quân