Do đặc thù nghề nghiệp và tính chất tác chiến, vị trí đóng quân, làm nhiệm vụ của các trạm radar thuộc Trung đoàn 351 thường phân tán, biệt lập trên núi cao và cách biệt gần như hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Chính vì vậy mà công tác kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ ở những vị trí làm nhiệm vụ trên thực địa đã trở thành một chế độ được lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 351 đặc biệt quan tâm.
Một ngày đầu tháng 6, sau khi vượt qua 1.438 bậc thang với những đoạn gần như dựng đứng, tôi đến nơi làm việc của Trạm Ra-đa 555, một trong những “mắt thần” của Trung đoàn 351, nằm trên đỉnh núi Ghếch, cao 338m so với mực nước biển. Chọn một chỗ thoáng sau hiên nhà của trạm, tôi nghỉ lấy sức sau quãng đường khó nhọc. Gió từ biển thổi tới mát rượi, làm khô những mảng mồ hôi thấm đẫm sau lưng. Tôi hít hà, cảm nhận không khí trong lành nơi đây. Người tôi nhẹ bẫng!
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 555, Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân trên đường lên trạm đổi ca. Ảnh: NGUYỄN THẢO
|
Hướng đôi mắt ra phía khơi xa, đường chân trời như trôi về vô định. Cho dù trời quang mây tạnh và mặt biển không bị mù nhưng đôi mắt tôi vẫn không thể xác định rõ được tàu bè đi lại trên đó.
Sáng nay, trước lúc cùng kíp chiến đấu rời khu nhà ở của trạm, Thiếu tá Lê Thanh Trúc, Trạm trưởng, đưa cho tôi cây gậy nhỏ. Trúc nói, để lên xuống các bậc thang cho dễ. Quả thật, người bạn đồng hành này đã giúp tôi rất nhiều khi vượt qua các bậc đá do những người lính radar thế hệ trước đã rất kỳ công và vất vả kiếm về để lát thành những bậc thang dài ngót 2km.
Con đường mòn dẫn từ chân núi ẩn trong tán cây rừng rậm rạp vốn trơn như đổ mỡ vào mùa mưa xưa kia, dưới bàn tay chinh phục cùng bao công sức, mồ hôi của người lính đã trở nên nhẹ nhàng như thế. Ấy nhưng, dù đã quá tiện lợi và an toàn hơn trong di chuyển gấp nhiều lần so với thời “khai sơn phá thạch” thì nó vẫn là vật cản thách thức đôi chân và ý chí của tôi trong hơn một giờ đồng hồ. Các bắp chân của tôi căng cứng, hai đùi nhức mỏi, rồi sống lưng cũng bắt đầu có dấu hiệu biểu tình. Rất may, những câu chuyện vui của các trắc thủ lên thay ca đã giúp tôi xua bớt đi bao mệt nhọc cơ bắp trên đường hành quân. Nhìn những chiếc ba lô sau lưng rung rinh mỗi khi vượt qua từng bậc thang dựng đứng, tôi lại càng cảm phục những người đồng đội trẻ tuổi.
Từ khi về nhận công tác tại Trung đoàn, mỗi lần đến với cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 555, tôi càng hiểu, càng cảm thông hơn với những khó khăn, vất vả của anh em.
Theo lời kể của Đại úy QNCN Nguyễn Văn Quân, một trong những trắc thủ gắn bó với trạm hơn 20 năm, thì khó khăn lớn nhất trong công việc là phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của các phương tiện trên mặt biển mênh mông. Như Quân, với kinh nghiệm bám trạm, bám máy liên tục thì chỉ cần liếc qua màn hình radar với những chấm xanh, chấm vàng nhấp nháy xen kẽ dày đặc là đã nhận diện được những dấu hiệu khả nghi. Tiếp đó, chỉ cần vài thao tác nhanh như chớp, anh đã xác định được những thông số cơ bản để quyết định có nên đưa vào diện quản lý, theo dõi hay không.
Quân nói, trong điều kiện sóng, gió không có gì bất ổn, một chiếc tàu vận tải hoạt động bình thường trên biển sẽ đi với vận tốc rất đều trong thời gian dài. Nhưng cũng chiếc tàu ấy, nếu ở điều kiện thời tiết sóng yên biển lặng mà di chuyển không theo lộ trình cố định, tốc độ luôn thay đổi thì cần phải theo dõi. Đối với tàu cá của ngư dân, chiếc nào chở nặng thì tốc độ di chuyển sẽ chậm hơn. Tùy vào điều kiện di chuyển hướng ra ngoài khơi hay vào bờ mà có thể phán đoán ý đồ, mục đích. Ấy nhưng, điều kiện lý tưởng như Quân nói không nhiều. Những người lính radar thường ví biển như một thiếu nữ mới lớn, đỏng đảnh, kiêu căng. Những lúc biển dỗi hờn nổi sóng gió và có mưa lớn thì công tác rà quét, phát hiện, quản lý mục tiêu của các trắc thủ radar cũng trở nên khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Khó là bởi các yếu tố kỹ thuật bị chi phối nên tính chính xác trong tính toán các tham số sẽ giảm đi đáng kể. Việc phát hiện ra mục tiêu khả nghi sẽ kém hơn.
Nhưng chưa hết, trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, đua theo cánh sóng, có lúc người lính radar vấp phải những tình huống không mong muốn. Một trong những tình huống khó xử lý chính là sự cố mất điện lưới.
Khi mất điện, toàn bộ hệ thống sẽ dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến việc quan sát, quản lý mục tiêu, thậm chí ảnh hưởng đến tuổi thọ của khí tài. Cái khó ló cái khôn, không chờ cấp trên chỉ đạo, những người lính ở trạm kỹ thuật thuộc Ban Hậu cần-Kỹ thuật Trung đoàn đã nghiên cứu và chế tạo ra chiếc “Tủ tự động chuyển điện ATS”. Thiết bị này cho phép tự động chuyển mạch điện khi có sự cố mất điện mà không ảnh hưởng gì đến tình trạng kỹ thuật của hệ thống. Đây là một thiết bị đáng giá, khẳng định tình yêu của người lính với công việc và với sức sống của những cánh sóng.
Lại có những tình huống bất khả kháng mà người lính radar phải rời vị trí. Tháng 2, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đang đêm, tôi nhận được điện từ Trạm Ra-đa 555, bố của Đại úy QNCN Nguyễn Văn Quân mất. Ngay lập tức, tôi chỉ đạo cho chỉ huy Trạm Ra-đa 555 tổ chức đưa người lên thay thế và đưa Quân trở về vị trí dưới chân núi. Sáng hôm sau, đơn vị tạo điều kiện cho Quân về nhà tận Nghệ An để chịu tang. Xong công việc của gia đình, hơn một tuần sau, Quân lại trở về với đỉnh núi mây mù để tiếp tục chạy đua cùng cánh sóng.
Đối với người lính radar làm việc và trực trên núi cao, các phương án bảo đảm an toàn luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng, không chỉ tại chỗ mà còn có sự hỗ trợ từ xa. Trong khi đồng đội làm việc trên trạm 24/24 giờ thì ở dưới khu nhà nghỉ, Thiếu tá QNCN Lê Khắc Hưởng, y tá của trạm, cũng phải trong tư thế sẵn sàng. Tuy trên trạm đã có những phương tiện sơ cứu ban đầu và trang bị cần thiết nhưng anh Hưởng vẫn có một chiếc túi cấp cứu cất tại phòng làm việc. Trong túi ấy của anh được tích hợp đầy đủ trang bị, phương tiện và cơ số thuốc để xử lý các tình huống đơn giản nhất như rắn cắn, ngộ độc thức ăn, đau bụng... Chỉ cần có thông tin cấp cứu và chỉ huy cho phép là anh lập tức phóng như bay lên với đồng đội làm nhiệm vụ trên đó. Anh Hưởng bảo tôi, dưới mặt đất có điều kiện đi lại và yếu tố khác thuận lợi mà còn xảy ra những tình huống đau ốm bất ngờ trong đêm, nữa là trên núi cao. Anh phải chuẩn bị trong đầu các tình huống để sẵn sàng đối phó. Thực tế đã diễn ra nhiều tình huống bất ngờ phải giải quyết thì mới bảo đảm được sức khỏe cho bộ đội làm nhiệm vụ.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng trong điều kiện nào thì những người lính radar Trung đoàn 351 cũng luôn cố gắng để làm chủ khí tài. Với chúng tôi, máy móc, trang bị, khí tài chính là “cánh tay”, “đôi tai”, “đôi mắt” để nghe rõ và nhìn xa.
Hiện nay, việc học tập nâng cao trình độ đã trở thành mệnh lệnh và nhu cầu bắt buộc trong quản lý, khai thác, sử dụng khí tài mới. Từ khi Trạm Ra-đa 3511 được trang bị khí tài mới, Trung đoàn đã chỉ đạo thành lập các tổ học tiếng Anh và dịch tài liệu để phục vụ việc học tập được tốt hơn. Chính nhờ tinh thần chủ động ấy mà cán bộ, chiến sĩ của trạm đã nhanh chóng tiếp cận, nhận chuyển giao trang bị, khí tài an toàn, đưa vào hoạt động, khai thác hiệu quả.
Thời bình, trong bản nhạc cuộc sống muôn màu và nhiều cung bậc, âm hưởng, những người lính radar chúng tôi tạm xa những ồn ào, náo nhiệt; tạm gác những hạnh phúc riêng tư để đi theo những cánh sóng điện từ. Với chúng tôi, những cánh sóng không màu, không mùi, không vị và không thể nhìn thấy ấy có sức hút kỳ lạ. Làm bạn với những cánh sóng, đua cùng cánh sóng điện từ, chúng tôi sẽ thu được những thông tin hữu ích để cung cấp cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp, qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đại tá NGUYỄN HỮU HÙNG
Chính ủy Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân