Hơn 30 năm làm việc ở bệnh viện huyện, mẹ chỉ tất bật với việc cơ quan, việc nhà, bố tôi đi công tác xa nên chẳng mấy khi mẹ dành thời gian cho mình.

Tôi nhớ, đầu năm đó, cái rét Giêng Hai cứa những vết ngọt ngào vào da thịt, tôi đã cùng mẹ trong chuyến hành hương về xứ Phật. Hành lễ vào mùa xuân là phong tục truyền thống hằng năm của dân tộc ta, đi để thanh tẩy, tìm trong lánh đục, có những phút giây tạm rũ bụi trần, thấm vào mình những điều trong veo, nhiệm màu. Mẹ tôi vốn tính cẩn thận nên chuẩn bị cho chuyến đi ấy kỹ càng lắm. Mẹ mặc bộ quần áo tối màu. Chiếc áo khuôn lấy tấm lưng đã hơi đẫy của mẹ, khoác ngoài một chiếc áo lạnh, quần đen là thẳng thớm vừa chạm tới đôi giày bata màu xanh. Hành lý mẹ mang là cơm nắm, muối vừng, ít hoa quả và vài chai nước. Mẹ bảo: “Đi xa là để thưởng cảnh, ăn uống nhẹ nhàng cũng là cơ hội thanh lọc cơ thể con ạ”. Mẹ đưa tôi túi đồ ăn, còn túi đựng đồ lễ, mẹ ôm khư khư.

Tôi biết, từ chiều hôm trước mẹ đã ra vườn lựa nải chuối đẹp nhất, quả bưởi vàng đầy như trăng rằm, ít táo ngọt, thẻ hương thơm và nấu xôi oản. Mẹ thường dạy chị em tôi: Không phải cứ mâm lễ to, đắt tiền mới quý, cốt ở tấm lòng. Nên vườn nhà tôi, mùa nào thức nấy, cứ tuần rằm, mồng một là mẹ bứt quả vào thắp hương trên ban thờ. Nhìn dáng mẹ cúi xuống, bái lạy thành kính, những làn hương quấn quýt trên mái đầu đã nôn nao sợi bạc của mẹ, trong tôi vừa nhẹ nhõm vừa mơ hồ một niềm âu lo.

Chúng tôi đến Chùa Hương từ sớm, mẹ rất dễ chịu, dù phải đi một chuyến xe đường dài. Khuôn mặt người khoan hòa, dường như những nếp tuổi đã vụt tan biến khi bàn chân vừa lẫn vào dòng người tham dự lễ hội. Chùa Hương được thiên nhiên ân điển cho một nguồn “gien” quý, không biết tự bao giờ, đến đây là du khách nhập vào màu trắng miên man của hoa mơ. Mơ sinh trưởng trên những dãy núi đá vôi. Cái xù xì, mốc thếch bề ngoài để dâng cho đời loài hoa thanh quý, tặng cho tục khách những khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.

leftcenterrightdel

Một góc thắng cảnh Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN HUY 

Lẫn vào dòng người, mẹ tôi bước những bước nhẹ nhõm, lòng lành. Tôi không còn trông thấy vẻ tất bật hằng ngày. Ở Chùa Hương, mẹ dường như đã cởi bỏ mọi lo toan, say sưa với khung cảnh thiên nhiên và lẫn vào bầu xuân trong lành của đất trời. Mẹ đặt lễ rồi rì rầm khấn vái... Thời gian trôi đi rất chậm, chờ tàn hương, mẹ sẽ sàng xin chút lộc Phật. Khi ấy, nở trên môi mẹ một nụ cười hiền...

Tôi nhớ quãng đi thuyền dọc suối Yến. Mẹ ngồi ở mũi thuyền, tôi kế bên, e mẹ mỏi còn có chỗ dựa lưng. Nhưng thật ngạc nhiên, mẹ không hề kêu mỏi. Người quan sát hai bên bờ suối, có lúc cao hứng còn chỉ cho tôi những khoảnh khắc đẹp khi mùa khởi lên màu sinh sôi bất tận. Hai bên bờ, cây cối trỗi dậy trong mùa bật mầm mãnh liệt. Những vầng cỏ xanh non, làm những ánh nhìn như dịu đi, thi thoảng điểm những cánh hoa dại trắng đến ngơ ngác hay vàng chấp chới như một vạt nắng trời mà mùa hạ đánh rơi.

Xuân này, mẹ không còn khỏe như 10 mùa cũ, tôi vẫn cùng người trẩy hội. Mẹ bên tôi, người nương vào tôi, còn tôi thì dựa vào sự bình thản của mẹ. Đường xuân nao nức, mẹ đã mở đường cho tin yêu, hy vọng trổ vào tim tôi. Ngẫm ra, mỗi mùa đào phai hé cười với gió đông, được bên mẹ, trong mùa lễ hội của đời, ấy là hạnh phúc lớn lao nhất của mỗi người con.

Tản văn của NGUYỄN QUYÊN