Những ngày cuối năm tất bật chở mùa qua chuyến tàu thời gian hối hả. Ngoài phố, mùa đông vàng óng ả, trong cái nắng lạ lẫm. Lạ lẫm bởi chưa bao giờ đông lại ấm dai dẳng đến thế. Tôi tất bật công việc cơ quan, gia đình, viết lách, cuối tuần có khi gác lại mọi điều để nhấc mình khỏi ngôi nhà bình an, “về” với hai con ở chốn ồn ào phố thị. Vẫn biết, khi xe đi qua ngôi nhà thân thuộc có một cành hoa giấy tốt um xum, đỏ rực bốn mùa, là vụt qua bóng dáng hao gầy của bố, lướt qua di ảnh mẹ. Nhưng vẫn phải đi thôi, vì “nước mắt chảy xuôi”, vì cách chừng 50 cây số là hai con tôi trong nỗi mong mẹ.

Tôi dành cho bố một buổi chiều chủ nhật để dọn dẹp, quét tước, trò chuyện. Mình bố trong căn nhà rộng thênh thang, gió cuối năm từ vườn ao mang cái xào xạc, cựa quậy của những gốc cây đã mốc thếch rêu phong. Ngoài đường lớn, từng dòng xe vun vút, hướng về sân ga đoàn viên. Đổ rượu cúng vào chậu nước lá thơm, nhúng chiếc khăn sạch vào, tôi mải miết lau ban thờ. Vừa lau vừa nhìn sâu vào mắt mẹ.

Tôi không quên được ngày đưa mẹ đi khám ở bệnh viện tuyến cuối. Mẹ bị khớp đã bao năm. Bà phải làm bạn với cái chân đau. Bố tôi bảo: "Con đưa mẹ đi khám để xem bác sĩ có mổ được cho mẹ con không. Hết bao nhiêu tiền cũng được, cho mẹ con đi lại đỡ vất vả". Mẹ gạt đi: "Thôi, tôi già rồi, mà phẫu thuật cũng có phần rủi, để tiền đó cho các con, mình ạ".

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Mẹ là vậy, co mình tối giản nhất, yêu thương chi chút, tận tụy cho chồng con. Nhưng bố vẫn quyết tâm thực hiện ca phẫu thuật thay khớp gối cho mẹ. Tuy nhiên, một biến cố lớn xảy đến với gia đình tôi khiến mẹ nhất định từ chối cơ hội với đôi chân của mình.

Cái nắng hanh hao hào phóng reo trên mọi nẻo, đọng lại rất nhiều ở ngôi nhà mẹ tôi. Khoảng sân gạch nho nhỏ vẫn còn cái giếng đào từ ngày chưa có nước máy, bố tôi đã cẩn thận úp cái nắp gỗ chắc chắn lên miệng giếng vì sợ nguy hiểm cho bọn trẻ. Cạnh đó là cây roi, đến mùa lại rắc hoa trắng xóa, quả hồng hào, mọng nước. Cứ sau mỗi mùa xuân là vuông sân lại thêm những chậu quất, đào. Hình như người già có thói quen gìn giữ thứ phong dấu những khoảnh khắc thời gian quý giá.

Ngày nắng, mẹ đem ra phơi những tấm áo lạnh. Bố tỉa bớt những cành đào phai lòa xòa để tích nhựa chờ bật mầm trước đêm trừ tịch. Mẹ phơi đỗ xanh trong hai chiếc nia lớn, hứa hẹn những tấm bánh cuối năm xanh mướt, ngầy ngậy nếp dẻo quánh vào chân răng và thịt mềm thoảng mùi tiêu. Ấy là bức tranh hạnh phúc của gia đình tôi vào mỗi cuối năm, để trong những khoảng nhớ lặng tờ, niềm thương bao mùa ấm đã qua khiến tôi trào nước mắt. Tôi như vẫn mường tượng ra mẹ, trong tấm áo len đỏ, giữa cái nắng hanh vàng.

Chiều cuối năm, bố tôi trịnh trọng trong bộ quân phục là tinh tươm, kính lễ tổ tiên trên ban thờ, mời ông bà và mẹ về sum họp. Mâm cơm đầy ắp sắc xuân. Chỉ thiếu mẹ thôi, chắc giờ này mẹ đang chơi cùng mây trắng, hay ở đó đâu trong ngôi nhà ấm cúng, lặng ngắm gia đình, ánh mắt lấp lánh niềm vui và sự bình yên. Tôi càng day dứt vì việc bố mẹ cứ thích tổ chức những bữa ăn quây quần gia đình, trong khi tôi hay kiếm cớ đi làm về muộn mà lười về ăn...

 Đến một lúc thấu tỏ được mọi điều thì tình thương không còn có ích cho ai đó nữa. Tôi đã đi qua những bã bời dông, thanh xuân đã đầm đìa gió sương, để ngộ ra rằng đủ đầy vật chất hôm nay, hay ăn năn đến kiệt cùng cũng không thể lấp hết khoảng trống vắng của mỗi mùa xuân vắng mẹ.

Tản văn của NGUYÊN TÔ