Đông hết xuân sang, sau một năm bận rộn, vất vả, Tết là dịp đoàn tụ sum họp gia đình, cũng là thời gian được thảnh thơi bên người thân yêu và bày tỏ sự kính trọng, biết ơn, yêu thương, trân quý. Những món quà người Hà Nội tặng nhau dịp Tết cũng luôn được lựa chọn kỹ càng, tinh tế. Quà không cần quá đắt tiền mà nó thể hiện lòng thành của người đem tặng và sự quan tâm đến người được tặng.

Quà Tết có thể chỉ là lạng trà búp Thái Nguyên hảo hạng loại một tôm, hai lá được ướp hương sen bởi những nghệ nhân làng Quảng Bá. Những lá trà kết tinh mạch nguồn từ lòng đất với nắng sớm sương mai của vùng trung du, được biến hóa thành những chiếc móc câu bé xíu xanh đậm, ủ với những hạt gạo sen nhỏ xíu trắng tinh khôi, thanh tao. Cái thú nhấm nháp chén trà sen chát nơi đầu lưỡi nhưng ngọt nơi cuống họng, hương sen thoảng qua cánh mũi khi rót trà nhưng sau khi nhấp một ngụm nhỏ lại thấy dư vị lẩn khuất trong vòm miệng khiến người ta cảm thấy thư thái.   

leftcenterrightdel

 Trà sen là món quà được người Hà Nội trân quý.  Ảnh: LÊ HOÀNG  

Quà Tết cũng có thể là mấy quả bưởi Diễn vàng ươm, thơm nức mũi để trưng ban thờ gia tiên. Thứ bưởi trồng trên đất Phú Diễn, trái không to nhưng nặng, vỏ mỏng nhưng nhiều tinh dầu, tôm bưởi se nhỏ nhưng ngọt đậm đà, ăn xong rồi mà hương vị còn luyến lưu nơi đầu lưỡi.

Cốm Hà Nội là một thức quà trang trọng của người Hà Nội trong những dịp lễ lạt, đặc biệt là sêu tết, đã đi vào thơ ca “Để anh mua cốm, mua hồng sang sêu”. Ngày xưa, để bảo quản cốm được lâu, cốm được tãi trên mâm đồng và sấy kỹ bằng hơi nước sôi rồi cất trong thùng sắt tây kín để không bị mốc. Cốm thu hoạch và chế biến từ mùa thu, đến Tết, các chàng rể mang đến sêu tết bố mẹ vợ thì quả là thức quà trân quý. Ngày nay, cốm được sấy và bảo quản bằng nhiều công nghệ nên không còn hiếm hoi nhưng vẫn là món quà Tết đặc sắc mang hương vị riêng của Hà Nội. Nhất là gửi đi phương xa, cân cốm mộc hay những món được cụ Vũ Bằng coi là “hương thừa của cốm” như chả cốm, bánh cốm vẫn là thức quà Hà Nội luôn được ưa chuộng.

Trong các món quà Tết, trang nhã và thanh quý nhất là giò hoa thủy tiên được gọt tỉa công phu với những dáng thế đặc sắc. Trong tiết đông lạnh căm đầu tháng Chạp, củ thủy tiên sau khi được bóc bỏ đất, lột lớp bẹ khô, xén hết rễ đen rồi đem ngâm nước vài ngày. Cứ vài giờ, củ hoa lại được lật giở để cọ nhớt, thay nước cho thân trắng, rễ không thâm mà nhú đều các hướng. Từ lúc ngâm đến lúc gọt đã là bao tâm sức đêm ngày. Tùy vào thời tiết mà củ hoa được cắt, lượn, khía, tỉa, móc, xén một cách cực kỳ tỉ mẩn. Sau khoảng thời gian chăm chút và chờ đợi, những củ thủy tiên nõn nà, lá xanh khỏe khoắn với ngồng hoa hàm tiếu chỉ chờ đợi giây phút Giao thừa để trao đến chủ nhà một lời chúc tân xuân như ý. Những bông hoa thủy tiên cánh trắng muốt như ngọc ôm lấy vành nhụy vàng vương giả tỏa hương thơm ngát, mang lại cho những ngày đầu năm mới cảm giác thanh tao, thư thái sau cả một năm vất vả, bận rộn. Bát hoa thủy tiên ngày Tết không chỉ là món quà tặng để trưng, chơi Tết mà còn thể hiện sự trân quý, tâm ý một cách rất tinh tế, sâu sắc của người tặng.  

leftcenterrightdel

Giò hoa thủy tiên là món quà Tết tinh tế của người Hà Nội. Ảnh: LÊ HOÀNG

Sau thời gian dài, những món quà Tết “công nghiệp” được đóng túi, hộp, giỏ với đầy đủ bánh, mứt, rượu, trà... được ưa chuộng vì nhanh, dễ mua; gần đây, những món quà truyền thống lại được nhiều người Hà Nội quan tâm và khôi phục giống nếp xưa.

TS VŨ HOÀI ĐỨC