Giàn trầu của bà tôi lá to, dày và thơm được gọi là trầu mỡ, khác hẳn với loại trầu lá mỏng, nhỏ mà dân gian gọi là trầu hôi và cũng khác với loại trầu quế lá xanh sẫm thường leo tít lên thân cau mà không cần giàn. Trầu mỡ thường dùng trong yến tiệc, đám cưới hỏi nên thường xuyên có người tìm mua. Những thứ bà tôi ăn kèm với trầu là vôi, cau, vỏ chay và thuốc lào. Vôi thì do anh em tôi xin của các bác kéo xe trâu chở qua đường làng về tôi đầy một cái bình đá đủ để bà ăn trầu nửa năm mới hết. Cau từ những cây bà trồng trong vườn mà anh tôi đeo tròng vào chân trèo lên hái xuống. Cau để ăn tươi thì có thể non một chút, chứ cau để phơi thì phải khi hạt đã đông lại, không non quá mà cũng không già quá. Bà tôi chọn những ngày tháng mười nắng rát, đêm sương sa để bổ cau phơi. Những miếng cau nằm trên nong, sát vào nhau như những con thuyền nhỏ dưới bến sông. Bà tôi còn rắc lá mần tưới lên cau để chống mốc. Sau khoảng bốn nắng, cau khô hẳn thì bà cho vào lọ gốm, bịt kín nắp để ăn dần. Vỏ cây chay trong vườn nhà được bà cạo sạch lớp ngoài cứng, ngâm qua nước cho bớt nhựa rồi cắt nhỏ từng miếng vừa ăn, phơi khô...
Thường thì sau khi bỏ miếng trầu vào miệng nhai giập rồi bà mới thêm cau và vỏ chay. Khi cau, trầu và vỏ chay quyện vào nhau thì bà lấy ra một nhúm thuốc lào trong túi bóng, vo bằng hạt ngô, chà lên những cái răng cửa cho sạch quyết trầu rồi mới bỏ vào miệng nhai cùng miếng trầu. Đấy là khi bà tôi ăn trầu tự bà têm. Còn khi được ai đó mời trầu hoặc trầu đem về từ đám cưới, bà cẩn thận giở miếng trầu ra xem lại lượng vôi, rồi thêm, bớt cho vừa vặn.
|
|
Bộ trầu dân gian. Ảnh: ĐỨC LONG |
Những năm sương muối đổ dày, bà tôi làm mái lều lá cọ để che cho giàn trầu nhưng trầu vẫn trút non hết. Bà vừa tiếc vừa xót, cứ ngẩn ngơ đứng bên giàn trầu mà buồn bã trách ông trời. Không có lá trầu, bà cắt một đoạn thân dây trầu nơi cách ngọn khoảng hai gang tay để ăn thay lá. Bà bảo không ngon bằng lá nhưng có còn hơn không. Năm nào trời thuận, tháng Chạp, trầu vàng dần nhưng không trút, bà vui mừng bảo năm nay có trầu ăn Tết rồi. Qua Tết ông Công ông Táo, bà tôi bắc ghế ra giàn trầu, hái xuống một rổ đầy những lá trầu đẹp nhất đem vào nhà, tỉ mỉ ngồi xếp từng kiêu trầu. Mỗi kiêu ba chục lá, kẹp lại bằng lá dong. Bà tôi xếp đến chục kiêu trầu như thế rồi bưng lọ cau khô ra thềm, nghiêng lọ, đổ ra mẹt nhặt lấy những miếng cau đẹp nhất còn nguyên cả hạt. Bà cũng chia số cau ấy thành chục gói giấy, mỗi gói hai chục miếng cau khô. Xếp cau, trầu vào làn, bà dặn tôi đem đi biếu quà Tết. Thời ấy, ở nông thôn, quà Tết người ta thường biếu nhau là mấy quả cam, cây mía, nải chuối hay ít rau cải ngồng để muối dưa. Quà Tết của bà dành cho các cụ ăn trầu trong làng là trầu và cau. Ngày thường các bà vẫn sang nhà tôi xin trầu nhưng Tết thì không ai xin, bà tôi biết thế nên đã gửi biếu. Tôi thường ngậm ngùi nhìn những lá trầu vẹo, rách còn lại trên giàn, nhìn những cái chũm cau cứng kếu bé tí hoặc đã rơi hạt ra. Tôi biết, bà tôi sẽ ăn những thứ đó.
Tám tuổi tôi đã được đón nhận niềm vinh dự thay bà nội mang quà Tết đi biếu những cụ già mà bà quý trọng trong làng. Nhìn những nụ cười thắm màu quyết trầu, những nụ cười móm mém, những ánh mắt lấp lánh vui mừng khi nhận quà, tôi vui quên hết cả rét mướt, gió mưa. Có cụ khen “Trầu nhà bà Hào lúc nào cũng ngon nhất vùng”. “Quý hóa quá, lại còn cho cả cau nữa...". Tôi về nhà hỏi bà: "Trầu, cau năm nay đắt hả bà?". Bà nội tôi mỉm cười: “Khi người ta tặng quà cho nhau, không ai để ý đến giá trị món quà đâu, nhất là quà Tết. Cứ làm cho nhau vui là được".
Hôm qua, đi chợ, nhìn người ta bán trầu không. Tôi nhớ bà nội và những lần thay bà đi biếu quà Tết. Nhớ đến nao lòng!
Tản văn của TỐNG NGỌC HÂN