Chắc chỉ những quyển lịch giấy mới khiến người ta có cái cảm giác chùng lòng quay quắt đến vậy. Quyển lịch giấy treo tường ngày xưa là vật không thể thiếu trong mỗi gia đình, và nó được chọn để treo ở vách tường dễ nhìn nhất, không thì cũng phải được đóng đinh lên cây cột nào gần bàn thờ nhất. Cái vị trí danh dự và trang trọng không kém vị trí của các bằng khen, nhưng quyển lịch thì treo ở vị trí thấp hơn một chút. Cái tầm treo của quyển lịch là vừa tầm tay của người lớn để tiện cho việc xem ngày và xé lịch, cái tầm này cao hơn tay trẻ để đám trẻ đỡ táy máy tay chân mà nghịch ngợm xé lịch...

leftcenterrightdel
 

Những tờ lịch treo tường (Ảnh mang tính chất minh họa)

Nhưng sẽ chẳng có chuyện đứa trẻ dám xé trộm lịch đâu, vì đấy là cái quy tắc bất thành văn mà đứa trẻ nào cũng biết. Dường như quyển lịch là chiếc chìa khóa nhiệm màu, nắm trong tay quyền lực vô hình để xoay chuyển thời gian, có tờ lịch thì ngày hôm sau mới có thể hiện ra cho lũ trẻ nô đùa. Quyển lịch còn xứng đáng với vị trí trang trọng vì lý do nó để mặc con người xé từng ngày, chấp nhận hao mòn từng ngày để con người cảm nhận được vòng quay của thời gian mà “mau lên chứ, vội vàng lên với chứ”.

Rồi khi những ngày lễ, tết, tờ lịch đổi thành màu đỏ chót thì đám trẻ lại nhảy cẫng lên, vui mừng vì không phải tới trường, để ào ra ngoài sân gọi chúng bạn đến nô đùa. Cái việc chào ngày mới bằng cách chạy đến góc nhà, chỗ treo quyển lịch mà rối rít gọi cho bố đến xé lịch nó mới rộn ràng và vui vẻ làm sao, nó như là một thủ tục để đón chào một ngày mới, khiến căn nhà nhỏ xôn xao và rộn ràng hơn. Chao ôi, cái cảm giác bắt đầu ngày mới bằng cách ra đứng nhìn bố tự tay xé đi tờ lịch cũ mới thấy ngày trôi qua như thế nào, để rồi lại vui vẻ chạy đi bắt đầu ngày mới của ngày xưa mới trong trẻo làm sao.

Những ngày cuối năm, sờ tay vào quyển lịch thấy mỏng đi theo từng ngày mới cảm nhận hết được sự rưng rưng rung động của thời gian. Cái kẽ đếm khẽ khàng từng ngày mà cũng có thể bào mòn cả quyển lịch dày nhường ấy đúng là một kỳ tích. Rồi những quyển lịch dày cộp dần được thay thế bằng các tờ lịch tháng to đùng với hình các diễn viên, người mẫu, phong cảnh hay tĩnh vật đẹp. Ban đầu, đám trẻ háo hức với những tờ lịch màu mè ấy, bỏ mặc quyển lịch nơi góc nhà, bỏ mặc thời gian lặng lẽ trôi... Tờ lịch tháng to đó, mẹ phải nắn nót đánh dấu riêng từng ngày giỗ chạp bằng dấu khoanh tròn mực đỏ dường như tiện dụng hơn, chỉ có bố vẫn âm thầm xé lịch, vẫn trù trừ xem thử có nên mua hay không một quyển lịch về treo ở phòng khách. Cái bộ đếm cũ kỹ ấy chỉ còn mình bố nhớ tới để lui cui xem ngày tháng bằng đôi mắt đã bắt đầu đục khói, nhưng nó mất đi sự vui vẻ, rộn ràng của những ngày tháng cũ.

Những đứa trẻ lớn lên, cắm đầu vào điện thoại để nhìn ngày tháng, để chạy đua với thời gian, dần quên mất có một cách đếm ngày đếm tháng xưa cũ bằng những tờ lịch nhỏ, ngôi nhà chỉ còn bố mẹ già và quyển lịch đang mỏng dần để vợi bớt tháng ngày. Những tờ lịch được hai bàn tay già run run xé xuống để nhìn ngóng ngày tháng trở lại, bố mẹ đang đếm từng ngày, từng tháng, để mong mau đến mùa sum vầy như những ngày xưa.

Tản văn của LÊ THỊ KIM SƠN