Những lần đầu tiên

Ngay sau khi thay thế Tổng thống Joe Biden tham gia cuộc đua tổng thống, Phó tổng thống Kamala Harris đã nhanh chóng củng cố được sự ủng hộ trong Đảng Dân chủ, từ các nhà tài trợ lớn và ngày càng chứng tỏ là đối thủ đáng gờm đối với ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa. Gần đây, trong một cuộc thăm dò, bà Harris đã vươn lên dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump tới 7%. Trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ Nhà Trắng kỳ này, đây là lần đầu tiên ứng cử viên Đảng Dân chủ vươn lên dẫn xa so với ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Giai đoạn Tổng thống Joe Biden còn đại diện cho Đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Donald Trump thường xuyên dẫn trước. 

leftcenterrightdel

 Bà Kamala Harris. Ảnh: NPR 

 

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình người nhập cư (cha là người da đen gốc Jamaica, mẹ là người Ấn Độ), bà Kamala Harris trở thành tấm gương của sự vươn lên. Bà đã làm nên lịch sử khi trở thành phó tổng thống nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Vào ngày 19-11-2023, bà Kamala Harris trở thành người phụ nữ đầu tiên từng nắm giữ vị trí quyền lực nhất nước Mỹ, trong vòng 1 giờ 25 phút, khi Tổng thống Joe Biden tạm chuyển giao quyền lực cho bà để gây mê nội soi đại tràng.

Danh sách những danh hiệu “đầu tiên” của bà Kamala Harris còn rất dài. Không chỉ là nữ phó tổng thống đầu tiên, bà còn là phó tổng thống da màu đầu tiên và phó tổng thống gốc Nam Á đầu tiên của nước Mỹ.

Trước đó, năm 2004, bà Kamala Harris là người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên được bầu làm công tố viên quận ở thành phố San Francisco. Giai đoạn 2011-2017, bà lại là người phụ nữ da màu đầu tiên làm tổng chưởng lý của bang California. Bà cũng là thượng nghị sĩ da màu và người Mỹ gốc Ấn đầu tiên của bang.

Tại đại hội mới đây của Đảng Dân chủ, bà Kamala Harris trở thành người phụ nữ da màu và gốc Á đầu tiên được trao lá phiếu đại diện cho đảng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Cơ hội dành cho bà Harris?

Ngày 20-1-2009, chính trường nước Mỹ chứng kiến một dấu ấn ngoạn mục. Lần đầu tiên có một người Mỹ gốc Phi trở thành chủ nhân của Nhà Trắng. Không chỉ thế, Tổng thống Barack Obama còn tái đắc cử ở nhiệm kỳ thứ hai, làm Tổng thống Mỹ liên tiếp 8 năm.

Ở cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm nay, liệu bà Kamala Harris có làm nên lịch sử?

Theo giới phân tích, Phó tổng thống Kamala Harris đang có nhiều lợi thế. Trước hết là sự ủng hộ cao trong nội bộ Đảng Dân chủ. Ngoài Tổng thống Joe Biden, các nhân vật chủ chốt, có ảnh hưởng lớn trong đảng như cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton, vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama, các lãnh đạo đảng tại Hạ viện và Thượng viện đều bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Kamala Harris.

Lợi thế tiếp theo là kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy tỷ lệ cử tri da màu ủng hộ bà Kamala Harris đang vượt trội so với ứng cử viên Donald Trump. Khi Tổng thống Joe Biden chưa rút khỏi cuộc đua, tỷ lệ cử tri da màu ủng hộ ứng viên của Đảng Dân chủ là 60%. Khi bà Kamala Harris thay thế, có tới 77% số cử tri da màu được hỏi nói rằng họ sẽ bỏ phiếu hoặc có xu hướng ủng hộ bà Harris. Đặc biệt, tỷ lệ cử tri da màu có bằng cấp và trẻ tuổi ủng hộ bà Harris cũng tăng mạnh so với thời điểm trước khi bà trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, với tỷ lệ 84% trong tháng 8 so với mức 74% hồi tháng 5.

Một lợi thế không thể chối cãi nữa là vấn đề tuổi tác. Kết quả một cuộc thăm dò cho thấy, 60% người Mỹ cho rằng ông Donald Trump 78 tuổi-đã quá cao tuổi để phục vụ đất nước thêm một nhiệm kỳ nữa. Trong khi bà Kamala Harris mới 59 tuổi-độ tuổi chín muồi của con đường sự nghiệp chính trị.

Bên cạnh nhiều lợi thế, ứng cử viên Kamala Harris vẫn phải đối mặt với những bất lợi đáng kể. Trong đó, yếu tố giới vẫn có thể được xem là rào cản tới ghế tổng thống của bà. Một cuộc thăm dò mới đây của Economist/YouGov cho thấy, 54% người tham gia đã sẵn sàng để có một nữ tổng thống. Dù đây là tỷ lệ quá bán nhưng thực tế lại thấp hơn tới 9% so với kết quả khảo sát vào năm 2015, thời điểm bà Hillary Clinton tuyên bố ra tranh cử. Khi đó, 63% người tham gia khảo sát tin rằng nước Mỹ đã sẵn sàng cho một nữ tổng thống và bà Hillary Clinton đã không giành được chiến thắng!

Vài số liệu thăm dò khác cho thấy những bất lợi đối với ứng cử viên Kamala Harris. 41% người được khảo sát sẽ không muốn bỏ phiếu cho một phụ nữ thay vì một người đàn ông nếu hai ứng cử viên có trình độ ngang nhau. Ngay trong nhóm cử tri trung thành với Đảng Dân chủ vẫn có 37% sẽ không bỏ phiếu cho một người phụ nữ có trình độ ngang nhau với nam giới.

Vấn đề giới từng là một nguyên nhân lớn khiến bà Hillary Clinton thất bại vào năm 2016. Khi đó, Đảng Dân chủ từng đặt nhiều hy vọng bà sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Tuy nhiên, ở kỳ bầu cử lần này, chiến lược của bà Kamala Harris đã có nhiều thay đổi so với bà Hillary Clinton. Theo Politico, chiến lược của bà Kamala Harris có sự tương đồng với chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Barack Obama. Vào năm 2008, ông Obama đã tránh nói nhiều về chủng tộc của mình ngay cả khi ông được hưởng lợi từ sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Thay vào đó, ông giành phần lớn thời gian để trao đổi, tiếp xúc với những cử tri đoàn rộng hơn, ví dụ những nhóm cử tri da trắng ở các bang chiến trường như Pennsylvania, Wisconsin và Michigan. Tại đây, ông thuyết phục họ bằng cam kết và chương trình nghị sự rõ ràng, hơn là sử dụng lá bài da màu. Trong khi đó, bà Harris không né tránh bản sắc cá nhân của mình là một phụ nữ gốc Á-Phi nhưng bà tránh biến nó thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử, mà tập trung vào những giá trị bà cam kết sẽ mang lại.

Chỉ còn hơn hai tháng nữa cuộc bầu cử thu hút sự quan tâm của cả thế giới sẽ hạ màn. Vẫn còn quá sớm để dự đoán chính xác kết quả cuộc đua. Thế nhưng, với những lợi thế, với nhiều thay đổi, khả năng về một người phụ nữ da màu bước vào Nhà Trắng đang ngày càng hiện hữu.

TRẦN LONG