Trong đội hình các nước phương Tây trên "lục địa cũ", Hungary hiện giữ vai trò phản biện khá nhất quán trong nhiều vấn đề, đặc biệt trong quan hệ với Liên bang Nga và cách nhìn nhận cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine. Ngày 9-10, phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), Thủ tướng Orban đã thẳng thắn tuyên bố: "Châu Âu cần hòa bình, nhưng các nhà lãnh đạo EU lại muốn chiến tranh". Theo ông, nếu thực sự vì quyền lợi của EU thì cần phải thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ hơn với nước Nga để đạt được thỏa thuận về ngừng bắn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Mới đây nhất, ngày 8-10, Hungary khẳng định sẽ không ủng hộ sự thay đổi các biện pháp trừng phạt của EU đối với những tài sản bị phong tỏa của Nga cho tới khi Mỹ bầu cử xong tổng thống (ngày 5-11). Điều này có nghĩa là các nước G7 phải hoãn lại kế hoạch cho Ukraine vay 45 tỷ euro...

leftcenterrightdel

Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 9-10. Ảnh: AFP 

 

Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto phát biểu tại hội thảo khí đốt quốc tế ở Saint Petersburg ngày 10-10, đang tồn tại những sức ép chính trị đối với Budapest nhằm ngăn cản quan hệ giữa Hungary với Nga, cụ thể là với mục đích buộc Budapest thôi mua nhiên liệu từ Moscow. Tuy nhiên, Chính phủ Hungary đã xác định rằng: "Duy trì hợp tác trong năng lượng với Nga là nhằm bảo đảm lợi ích của chính Hungary". Ông Szijjarto cũng nhấn mạnh, Budapest rất hài lòng về hiện trạng quan hệ trong lĩnh vực năng lượng với Moscow: "Chúng tôi tuyệt đối thỏa mãn với những nguồn cung, với sự hợp tác đang phát triển giữa Hungary với Nga, giữa Gazprom với Hungary. Vẫn đang còn những hợp đồng, các nguồn cung đang được thực hiện... Liệu có sự lựa chọn nào khác tốt hơn không? Tôi nghĩ là không!".

Cũng trong hội thảo này, Bộ trưởng Peter Szijjarto đã lưu ý, nếu NATO kết nạp Ukraine thì tất yếu sẽ bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ ba: "Vì đường lối truyền thống của NATO, nếu Ukraine được gia nhập NATO thì trong những điều kiện hiện tại, điều đó nghĩa là bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ ba. Nhưng chúng tôi luôn chủ trương chống lại sự đối đầu giữa nước Nga và NATO"-Bộ trưởng Peter Szijjarto nhấn mạnh.

Không chỉ chủ trương hợp tác và đối thoại với Nga, chính quyền Hungary hiện còn chủ trương duy trì và phát triển những mối quan hệ đối tác lành mạnh trong lĩnh vực kinh tế với cả Trung Quốc. Thủ tướng Hungary tuyên bố rằng, Budapest muốn duy trì các mối quan hệ thương mại "với cả hai bên". Tất nhiên, ông cũng hiểu rằng, trong điều kiện đầy mâu thuẫn của trường quốc tế hiện nay, duy trì một thái độ trung lập về thương mại như thế là việc rất không đơn giản và dễ dàng.

Thủ tướng Orban cũng bày tỏ lo ngại rằng, nếu chính sách hiện nay của Brussels vẫn tiếp diễn thì sẽ dẫn tới sụp đổ EU và tương lai của toàn bộ châu Âu. Phát biểu tại một hoạt động ở thành phố Pontida (Italy), ông Orban nhấn mạnh: "Những kẻ quan liêu ở Brussels đang hủy hoại nền kinh tế châu Âu. EU đã được lập ra cho sự phồn vinh, nhưng người dân châu Âu đang ngày một khó khăn hơn trong việc nuôi dưỡng gia đình, còn các công ty châu Âu ngày càng khó chèo chống hơn...". Theo Thủ tướng Hungary, lực lượng tả khuynh ở châu Âu đã quá khuấy đảo xã hội, còn các viên chức của EU ở Brussels thì chỉ chăm chăm phục vụ cho lợi ích của chính họ. Và nếu tình hình vẫn sẽ tiếp diễn như thế thì EU sẽ sụp đổ, tương lai của châu Âu sẽ vô cùng đen tối. Ông Orban cho rằng, tình hình EU hiện nay tồi tệ hơn 10 năm trước vì nạn tội phạm gia tăng bởi dòng người nhập cư bất hợp pháp, tương lai cuộc sống ở EU sau 10-20 năm nữa đang gây nên những sự lo ngại. Trước đó, Thủ tướng Hungary cũng đưa ra dự báo rằng, tới cuối thập niên này, những quốc gia như Anh, Italy và Pháp sẽ bị loại khỏi danh sách 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới, còn Đức sẽ bị tụt từ vị trí thứ tư xuống cuối tốp 10...

Mặc dù đang tiến hành không ít chính sách tương đối độc lập so với chủ trương chung trong EU, nhưng những nhà lãnh đạo hiện nay ở Budapest không hề có ý định ra khỏi đội hình này. Ngày 9-10, Thủ tướng Hungary tuyên bố rằng, chính quyền của ông chỉ có ý định cải cách EU chứ không muốn rời bỏ nó. Ông Orban cũng lưu ý, ông muốn ý tưởng chủ đạo của EU phải là những quốc gia thành viên độc lập và hùng mạnh, chứ không phải là một "Hợp chúng quốc Âu châu".

HỒNG THANH QUANG