Nước Nga sẽ coi bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào mình từ phía một quốc gia không sở hữu VKHN nhưng được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là sự xâm lược có thể bị kiềm chế bằng VKHN. Theo lời ông Putin, đó có thể là những máy bay chiến lược và chiến thuật, những tên lửa có cánh, những máy bay không người lái, những vật bay siêu âm và các loại vật bay khác. VKHN có thể được sử dụng nếu đối phương tạo ra một nguy cơ sinh tử đối với chủ quyền của nước Nga ngay cả chỉ bằng loại vũ khí thông thường.

leftcenterrightdel

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

 

Thêm vào đó, Moscow sẽ giữ cho mình quyền sử dụng VKHN trong trường hợp đối tượng bị tấn công (kể cả bằng vũ khí thông thường) là Belarus, quốc gia thành viên của liên minh hai nước Nga-Belarus. Tháng 6 vừa qua tại Belarus diễn ra một cuộc tập trận với VKHN không chiến lược giữa quân đội hai nước Nga và Belarus. Theo nhận xét của phóng viên quân sự Nga Sergey Chemekov, học thuyết hạt nhân của Hoa Kỳ mang tính tấn công còn học thuyết hạt nhân của LB Nga vốn mang tính phòng thủ. Tuy nhiên, từ nay, sau những thay đổi mới, nếu nước Nga bị tấn công bởi những tên lửa tầm xa từ một quốc gia không có VKHN nhưng nhận được sự viện trợ quân sự từ một siêu cường hạt nhân thì cả hai quốc gia đó đều có thể bị đáp trả bằng đòn hạt nhân.

Những tin tức trên lập tức gây sự chú ý đặc biệt trong dư luận ở phương Tây. Tờ New York Times dẫn lời chuyên gia phân tích về VKHN từ Thụy Sĩ Pavel Podvig, cho rằng, đó là sự cảnh báo bổ sung đối với những ai muốn cho phép bắn tên lửa tầm xa vào sâu lãnh thổ Nga. Những thay đổi mới trong học thuyết hạt nhân của Nga cho phép mở rộng biên độ của những lập luận trong việc xác định thế nào là một cuộc xâm lược để có thể sử dụng VKHN... Còn theo kênh truyền hình Mỹ CNN đã gọi tình huống này là “sự đối đầu nghiêm trọng nhất giữa nước Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng vịnh Caribe tới nay”, khi hai siêu cường hạt nhân chỉ còn cách cuộc chiến tranh nguyên tử “nửa bước chân”. Còn theo báo Đức Der Spiegel, học thuyết hạt nhân mới của Nga đã làm gia tăng nguy cơ trở thành đối tượng giáng trả từ phía Nga đối với những cường quốc hạt nhân ở phương Tây, trước hết là Pháp và Mỹ. Và đối với tất cả quốc gia đang hỗ trợ cho đối thủ của Moscow trong cuộc xung đột Nga-Ukraine... Theo báo Pháp Le Figaro, kể từ nay coi như Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức cảnh báo rằng, nếu các nước NATO cho phép bắn tên lửa tầm xa vào sâu trong lòng nước Nga thì hành động đó sẽ được coi như là dấu hiệu chính thức về việc NATO trở thành đối tượng trực tiếp tham chiến và có thể sẽ bị tấn công giáng trả bằng VKHN từ phía Moscow... Còn nhớ, cách đây không lâu, chính ông Putin đã có lời nhắc nhở các nước châu Âu rằng, các vùng lãnh thổ của họ rất gần gũi, rất chật chội và mật độ dân số rất cao.

Bình luận về quyết định của Tổng thống Putin thay đổi học thuyết hạt nhân của nước Nga, Trung tá Daniel Davis, cựu binh Mỹ và nay là chuyên gia phân tích thời sự quốc tế cũng cho rằng, điều này buộc NATO phải đưa ra một thái độ mới đối với cuộc xung đột ở Ukraine: “Ở thời điểm hiện tại, Moscow không giấu giếm thông điệp rất thẳng thắn về việc NATO hoặc phải đứng ra ngoài lề hoặc sẽ vấp phải nguy cơ bị tấn công bởi VKHN”. Trên kênh YouTube Deep Dive, Trung tá Davis nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ đó là những lời đe dọa hữu danh vô thực”. Chuyên gia Mỹ cũng cho rằng, phương Tây hiện nay đã phải đối mặt với một sự lựa chọn phức tạp và bắt buộc phải quyết định xem mình có nên tham gia vào cuộc xung đột Nga-Ukraine hay không để buộc Moscow phải sử dụng VKHN hay đơn giản là từ bỏ Kiev. Theo Trung tá Davis, ý tưởng về việc Moscow dễ dàng buông bỏ vũ khí, quay về nhà và để cho mình bị đánh bại chỉ là sự hoang tưởng. Và chắc chắn người dân ở Liên minh châu Âu hay Mỹ sẽ đứng về phía những ai không biến họ thành nạn nhân.

Người phát ngôn chính thức của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cũng đã thẳng thắn tuyên bố rằng, những thay đổi mới trong học thuyết hạt nhân của Nga là tín hiệu cảnh báo tới những quốc gia không thân thiện. Và các vị nguyên thủ tư duy tỉnh táo đều biết rõ là họ cần phải làm gì để tránh một hiểm họa nhỡn tiền: “Trạng chết, chúa cũng băng hà”, lụt thì cả làng cùng lút.

HỒNG THANH QUANG