Trong lời phát biểu trên truyền hình trước toàn dân, ông Yunus đã nhấn mạnh: “Ngày mai, cùng ánh mặt trời mọc, một nền dân chủ, công bằng, nhân quyền và một sự tự do đầy đủ của quyền được thể hiện quả cảm sẽ đến với tất cả, không phụ thuộc vào đảng phái. Đó chính là mục tiêu của chúng tôi”. Trước đó, khi trở về Dacca sau một thời gian chữa bệnh tại Paris, ông Yunus đã tuyên bố rằng, ông sẽ điều hành đất nước dưới sự lãnh đạo của những sinh viên đã ủng hộ ông trong việc trở thành người điều hành chính phủ lâm thời.
Ông Yunus từng nhận được giải Nobel hòa bình năm 2006 nhờ lập ra ngân hàng Grameen giúp đỡ hàng triệu người thông qua hình thức cho vay tín dụng nhỏ đối với dân nghèo ở các vùng nông thôn. Các thành viên của nội các do ông đứng đầu bao gồm chủ yếu là những nhân vật mang tính hòa hoãn để khỏi gây thêm tranh cãi trong xã hội, đặc biệt không thể làm mất lòng giới quân sự đang có vai trò hết sức to lớn ở đất nước này.
|
|
Ông Muhammad Yunus (giữa) đến tòa án ở Dhaka, Bangladesh ngày 1-1. Ảnh: AFP
|
Có nhiều thuyết âm mưu được đưa ra để lý giải những xáo trộn nhuốm máu tại Bangladesh. Một số nhà quan sát đang nhìn thấy bàn tay của các chuyên gia tổ chức “cách mạng màu” từ phương Tây. Tuy nhiên, cũng không ai rõ những bạo loạn ở Bangladesh mang màu sắc gì trong những rối lẫn về chính trị của những người trẻ đang háo hức chạy theo khẩu hiệu đập phá mọi cái cũ đã định hình để xây dựng cái mới hết sức mông lung.
Và cũng cần phải thấy rằng, giọt nước tràn ly đã khiến “dân nổi can qua” ở quốc gia Nam Á này trước hết là những vấn đề nội bộ, cụ thể là việc sắp xếp việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp. Tháng 6 vừa qua, tòa án tối cao Bangladesh đã khôi phục tỷ lệ ưu tiên tới 30% cho con và cháu các anh hùng từng tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập năm 1971. Và đây đã là mồi lửa làm bùng lên những đám cháy tràn lan trong xã hội. Thoạt tiên, quyền ưu tiên này từng được áp dụng trong những năm 70 của thế kỷ trước cho những ai đã trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong các nhiệm kỳ trước, bà Hasina đã nới rộng quyền ưu tiên này cho con của những người từng tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập và tới năm 2009 là cho cả cháu của họ nữa.
Về tổng thể, nếu tính chung các quyền ưu tiên, thí dụ như cho những ai xuất thân từ các vùng kém phát triển ở Bangladesh, đối với các nhóm người thiểu số, phụ nữ, những người có năng lực hạn chế thì tổng tỷ lệ những chỗ làm dành cho các đối tượng ưu tiên đã lên tới hơn một nửa những chỗ làm hiện có. Phần còn lại phải được phân chia theo thi tuyển. Tại Bangladesh, những chỗ làm trong biên chế nhà nước thường có mức thu nhập ổn định và tương đối thỏa đáng so với mức sống. Đó cũng là những nơi mà thanh niên của quốc gia Nam Á này muốn được tham gia.
Việc nâng tỷ lệ chỗ làm công cho những đối tượng ưu tiên dễ tạo cảm giác mất công bằng đối với các thành phần khác trong xã hội. Thêm vào đó, tình hình kinh tế Bangladesh trong những năm vừa qua mặc dù đã có những thay đổi ấn tượng nhưng vẫn không thoát khỏi những vấn nạn trầm kha chung của thế giới. Mỗi thứ một chút, tổng cộng là sự bất mãn gia tăng trong xã hội.
Phong trào xuống đường của giới sinh viên tại Bangladesh đã bắt đầu từ tháng 7. Thoạt tiên, đó chỉ là những cuộc biểu tình có vẻ như hiền lành phản đối việc sắp xếp việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình này đã bị cảnh sát trấn áp khá mạnh tay và việc này đã “đổ thêm dầu vào lửa”. Dần dà, quá mù ra mưa, những hoạt động đó ngày càng lan rộng trong giới trẻ, thể hiện rõ tính có tổ chức kèm theo những hành vi bạo lực nhằm lật đổ chính quyền.
Các đám đông thanh niên đã tràn vào cả dinh Thủ tướng đập phá, buộc bà Hasina theo gợi ý của phe quân sự đã phải chọn giải pháp “tẩu vi thượng sách”. Và không chỉ riêng bà Thủ tướng mà cả những người theo đạo Hindu, thành phần ủng hộ truyền thống của bà Thủ tướng, cùng các gia sản và các đền thờ của họ cũng trở thành đối tượng tấn công của những người trẻ đã được thuần hóa từ lúc nào chẳng rõ những quan điểm tự do dân chủ theo kiểu phương Tây.
Trong bất luận trường hợp nào, Bangladesh đang phải đối mặt với một tương lai có lẽ sẽ hết sức bất ổn. Không ai rõ chính phủ lâm thời liệu có chắc tay trong việc điều hành đất nước để tiến tới cuộc bầu cử quốc hội mới một cách bình an hay không. Cái sảy hiện nay rất dễ làm nảy những cái ung nhọt lớn...
HỒNG THANH QUANG