Kể từ khi Israel sát hại thủ lĩnh chính trị Ismail Haniyeh của lực lượng Hamas ở dải Gaza và chỉ huy quân sự Fuad Shukr của lực lượng Hezbollah ở Lebanon, những lời kêu gọi trả thù nhằm vào Israel liên tục xuất hiện. Trong khi Đại giáo chủ Ali Khamenei-lãnh tụ tinh thần Iran thề sẽ trả thù cho cái chết của ông Ismail Haniyeh thì lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami khẳng định Israel đã “tự đào huyệt chôn mình”.
Không còn là những lời răn đe, trên bàn chỉ huy tham mưu của quân đội Iran, nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Israel đã bị đặt trong tầm ngắm của tên lửa, trong đó có trụ sở Chính phủ và Bộ Quốc phòng Israel ở Tel Aviv, tòa nhà Quốc hội Israel ở thành phố Jerusalem và 8 căn cứ không quân nằm rải khắp nước này. Hàng loạt cơ sở hạ tầng dân sự như sân bay, mỏ khí đốt và nhà máy điện... cũng bị đưa vào danh sách.
Xem ra, Tehran khó có sự lựa chọn nào khác. Trong bối cảnh căng thẳng Iran-Israel tích tụ đã hàng thập kỷ và tâm lý dư luận bị kích động đến đỉnh điểm trước hành động của Israel sẵn sàng sát hại ông Ismail Haniyeh ngay giữa thủ đô Tehran, không trả đũa có thể coi là sự sỉ nhục, là yếu thế. Vì thế, không ngạc nhiên khi không khí báo thù tràn khắp Iran và những đám đông tụ tập đang nóng lòng chờ xem đòn trả đũa sẽ diễn ra như thế nào.
Một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Israel là điều khó tránh khỏi. Từ trước đến nay, hai nước chưa đụng độ trực tiếp với nhau mà Iran thường tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Israel thông qua các nhóm vũ trang mà nước này hậu thuẫn như Hamas ở dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen. Lần đối đầu căng thẳng nhất giữa hai bên là hồi tháng 4-2024, khi Iran và Israel trả đũa nhau bằng tên lửa sau khi Israel không kích san phẳng tòa nhà lãnh sự quán trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria khiến ít nhất 7 quan chức Iran thiệt mạng, trong đó có Chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao Lực lượng Quds thuộc IRGC.
Tuy nhiên, đòn trả đũa lần này của Iran, một khi xảy ra, quy mô chắc sẽ không hạn chế, mang tính răn đe, chủ yếu nhằm hạ nhiệt dư luận trong nước như đòn tập kích tên lửa hồi tháng 4-2024. Bởi theo như ông James Devine, Phó giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Mount Allison, Mỹ, “Nếu Iran muốn duy trì khả năng răn đe, họ phải tăng cường phản ứng với các cuộc tấn công của Israel. Nếu phản ứng vẫn như vậy hoặc nhỏ hơn thì không có lý do gì để Israel không tăng cường các cuộc tấn công vào các mục tiêu và lãnh thổ của Iran trong tương lai”.
Đây là điều mà dư luận hết sức lo ngại, bởi Iran và Israel đều là những cường quốc quân sự hàng đầu ở Trung Đông với những thế mạnh riêng. Trong bảng xếp hạng “Chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2024” do chuyên trang quân sự GlobalFirepower (Mỹ) công bố, sức mạnh quân sự của Iran xếp hạng 14, còn Israel đứng ở vị trí 17. Trong khi Israel nổi tiếng thế giới với hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) có tỷ lệ đánh chặn thành công tới hơn 90% cùng nhiều vũ khí hiện đại khác như máy bay tàng hình F-35, xe tăng Merkava, các tổ hợp tên lửa phòng thủ như David's Sling, Arrow... thì Iran cũng có trong tay nhiều tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới lãnh thổ Israel. Đặc biệt, các thiết bị bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất đã thể hiện khả năng thực chiến khá hiệu quả trong cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến phương Tây ngỡ ngàng.
|
|
Một cơ sở khai thác dầu của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN |
Một khi xung đột trực tiếp giữa hai bộ máy chiến tranh khổng lồ này nổ ra, mức độ tàn phá sẽ rất khủng khiếp. Những thiệt hại về người và của cải sẽ là không thể đo đếm được, làm trầm trọng thêm những khó khăn mà Iran và Israel đang phải đối mặt. Sau nhiều năm bị Mỹ và phương Tây cấm vận, kinh tế Iran gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2023, tỷ lệ lạm phát ở nước này lên tới 52,3%. Trong khi đó, kinh tế Israel cũng suy giảm nhanh chóng kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở dải Gaza. Kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10-2023 đến nay, đã có tới 46.000 doanh nghiệp ở Israel đóng cửa. Cảng Eilat nhộn nhịp nhất của Israel thời trước xung đột đã gần như đóng cửa do lực lượng Houthi phong tỏa Biển Đỏ nhằm vào các tàu thuyền mà họ cho là có liên quan đến Israel.
Những hậu quả tiềm tàng khó lường này khiến cả Iran và Israel đều phải thận trọng trong bất kỳ kịch bản trả đũa nào. Những diễn biến mới nhất cho thấy Iran cảm thấy buộc phải trả đũa Israel, nhưng cũng không muốn đáp trả ngay lập tức và theo cách có thể làm bùng phát một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Nhiều khả năng Iran sẽ tìm cách thông qua lực lượng Hezbollah ở Lebanon ra đòn nhằm vào Israel để đánh giá phản ứng cũng như cách ứng phó của nước này trước khi có các hành động tiếp theo. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang nỗ lực thuyết phục Israel không nên phản ứng quá mạnh đối với một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran do lo ngại khả năng về sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực.
Những vận động ngoại giao đang diễn ra dồn dập nhưng không biết các nỗ lực này có hạ nhiệt được những cái đầu nóng ở Tehran và Tel Aviv hay không? Còn hiện tại, Trung Đông vẫn đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện.
TƯỜNG LINH