Là văn bản tuyệt mật, tài liệu mang tên “Hướng dẫn sử dụng hạt nhân” được Tổng thống Joe Biden phê duyệt từ tháng 3, nhưng nay mới được hé lộ một phần. Do tính chất nhạy cảm, tài liệu này không có bản sao điện tử mà chỉ có một số bản cứng được phát cho các quan chức an ninh quốc gia và Bộ Quốc phòng. Ngay cả thành viên Quốc hội Mỹ cũng không được tiếp cận đầy đủ các hướng dẫn, đặc biệt là những chi tiết về phản ứng của Mỹ trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân. 

Luận điểm mấu chốt làm cơ sở cho những điều chỉnh trong chiến lược hạt nhân của Mỹ lần này là những giả định của Washington về nguy cơ hạt nhân ngày càng tăng từ Trung Quốc và “những thách thức hạt nhân phối hợp” có thể xảy ra từ phía Nga và Trung Quốc. Theo tính toán của Lầu Năm Góc, trong khi Nga vẫn duy trì khoảng 4.000 đầu đạn hạt nhân thì kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Các nguồn tin tình báo Mỹ ước tính Trung Quốc có thể tăng quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình từ 500 lên 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Đã thế, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh lại được hai bên cam kết là “không giới hạn”, khiến Washington càng phải cảnh giác. 

leftcenterrightdel

Nếu suôn sẻ, ICBM LGM-35A Sentinel sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2029. Ảnh: Không quân Mỹ 

Chính vì thế, thay vì theo đuổi các biện pháp hạn chế kho vũ khí hạt nhân với Trung Quốc và Nga, mục tiêu mà Mỹ cho rằng khó có thể thực hiện bởi hầu hết các hiệp ước quốc tế về vũ khí hạt nhân đều đã bị xóa bỏ, Washington cho rằng cần điều chỉnh quy mô và thành phần lực lượng hạt nhân mới. Những điều chỉnh này không chỉ nhằm ngăn chặn, mà hướng tới mục tiêu cao hơn là giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh hạt nhân với cả Trung Quốc và Nga. Đây là sự thay đổi đáng kể so với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ chủ yếu tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để cắt giảm kho dự trữ hạt nhân toàn cầu.

Để tạo bước ngoặt trong tiềm lực hạt nhân của mình, Mỹ sẽ đưa vào trang bị một loại ngòi nổ mới, hay còn gọi là “siêu ngòi nổ”, để lắp đặt trên tất cả tên lửa đạn đạo chiến lược. Với ngòi nổ thông thường, đầu đạn sẽ rơi tản mát xung quanh mục tiêu, một số sẽ rơi vào bên trong, số khác có thể rơi ra ngoài phạm vi hủy diệt của tên lửa hạt nhân. Trong khi đó, với “siêu ngòi nổ”, các đầu đạn sẽ rơi chính xác hơn, giúp tăng tỷ lệ mục tiêu bị hủy diệt. Theo ước tính, nhờ loại ngòi nổ mới này, khả năng phá hủy các tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Nga và Trung Quốc đặt trong các hầm chứa kiên cố (ICBM) từ các tên lửa đạn đạo Trident II của Mỹ phóng từ tàu ngầm sẽ tăng gấp đôi.

Hiện nay, các tên lửa Trident II trên tàu ngầm của Mỹ mang theo tổng cộng 890 đầu đạn W-76 100kt và 400 đầu đạn W-88 475kt. Số lượng đầu đạn W-88 không đủ để tấn công tất cả hầm chứa ICBM của Nga và Trung Quốc. Nhờ được nâng cấp ngòi nổ, các đầu đạn W-76 sẽ mở rộng “khả năng tiêu diệt mục tiêu cứng”, giúp Mỹ có thể phá hủy hết các tên lửa đặt trong các hầm chứa ở Nga và Trung Quốc mà chưa cần dùng đến đầu đạn W-88 475kt.

Tuy nhiên, việc đưa ra những thuật ngữ như “tăng cường răn đe” để biện hộ cho kế hoạch phát triển và triển khai các công nghệ tấn công phủ đầu mới chẳng những dễ gây hiểu lầm mà còn khiến các đối thủ phải cảnh giác và có biện pháp trả đũa. Chắc chắn Nga và Trung Quốc sẽ không chịu ngồi im mà không có phản ứng. Theo các nhà phân tích, Moscow và Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cân nhắc các cách thức ngăn chặn một quốc gia nguy hiểm có vũ khí hạt nhân theo định hướng tấn công phủ đầu là Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức phản ứng khi tuyên bố “Trung Quốc thực sự quan ngại về báo cáo liên quan”, và “Bắc Kinh chỉ duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia, hoàn toàn không ngang bằng với Washington”. Trung Quốc cáo buộc Mỹ là “tác nhân tạo ra nguy cơ chiến lược lớn nhất thế giới về mối đe dọa hạt nhân”, khi áp dụng chính sách răn đe dựa trên việc sử dụng vũ khí hạt nhân phủ đầu, đồng thời công khai nâng cấp bộ ba vũ khí hạt nhân gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.

Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov cho biết những thay đổi “gây bất ổn” của Mỹ đang khiến Nga phải đưa ra chiến lược hạt nhân mới của mình. Không phải ngẫu nhiên mà đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo phát triển loại vũ khí tận thế là tàu ngầm robot Poseidon mang đầu đạn hạt nhân 100mt có khả năng phá hủy các khu vực đô thị trong bán kính hơn 80km tính từ điểm nổ dưới nước. Đây là lời cảnh báo cho những ai nghĩ rằng họ có thể giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh hạt nhân bằng cách phá hủy trước các phần quan trọng trong lực lượng hạt nhân của đối phương.

Cho dù một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu được lên kế hoạch có vẻ thành công như thế nào trên giấy tờ, thì hy vọng giành chiến thắng từ đòn phủ đầu này cũng chỉ là niềm tin hoang tưởng. Trong bất cứ một cuộc chiến tranh hạt nhân nào được khởi xướng, sẽ không có kẻ thắng người thua, mà chỉ có một nền văn minh nhân loại bị hủy diệt.

TƯỜNG LINH